Khi chưa lập gia đình, mẹ Hải thường xuyên được người ta “xúi” kiếm đứa nào sáng mắt về làm dâu, già xấu cũng được, để chăm sóc cậu con trai khiếm thị.
Khi Hải làm đám cưới, một số người ác khẩu lại bảo “chúng nó có thấy gì đâu mà phải trang trọng”.
Nhưng gạt bỏ hết những “lời khuyên” ấy, bà vẫn tổ chức cho con trai một lễ cưới “hoành tráng” ở nhà thờ.
Hải và Dung tổ chức lễ cưới tại nhà thờ trước sự chứng kiến của người thân trong gia đình. |
Khi Nguyễn Thanh Hải (26 tuổi, Lâm Đồng) và vợ tương lai là Bùi Thị Dung (28 tuổi) chọn váy cưới, cả hai đã cố tình chọn một chiếc váy đơn giản cho dễ di chuyển vì họ đều không nhìn thấy gì. Nhưng khi nhìn thấy chiếc váy, bà Tằng Thị Lương - mẹ Hải cảm thấy không ưng mắt. Bà liền chạy ra cửa hàng đổi lấy chiếc váy mới nhất, đẹp nhất, bồng bềnh thướt tha cho con dâu.
Con trai và con dâu bà đều là những người khiếm thị. Nhưng từ trước đến nay, với bà Lương, Hải luôn là cậu con trai giỏi giang, nghị lực và xứng đáng để bà khoe với tất cả mọi người.
Sinh ra là một cậu bé thông minh, nhanh nhẹn, đến năm 12 tuổi, mắt Hải bắt đầu có dấu hiệu kém dần. Bác sĩ chẩn đoán cậu bị bong võng mạc. Đến năm 14 tuổi, sau ca phẫu thuật, mắt cậu không còn nhìn thấy gì.
Nỗi sợ hãi lớn nhất của Hải lúc ấy là “mù mắt thì sao đi chơi với bạn bè được nữa”. Cậu bé Hải khi đó rất mê chơi game. Cậu khóc quá trời khi nghe bác sĩ báo tin dữ.
Bố đưa Hải tới nhà thờ cầu nguyện. Khi đứng ở sân nhà thờ, bố bảo cậu “đằng kia có một cô bị ung thư, đầu trọc lóc, người đầy dây rợ mà cô ấy vẫn cười nói vui vẻ”.
“Người ta sắp chết mà vẫn cười được như vậy. Con mất có đôi mắt thì có vấn đề gì”.
Câu nói ấy của bố khiến Hải sực tỉnh. Cậu trở nên lạc quan hơn bao giờ hết mặc dù cho đến giờ Hải vẫn chưa biết “cô gái ung thư” ấy có thật hay không.
Từ đó, Hải nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới. Cậu lại trở về là một cậu bé hiếu động, vui vẻ, không bỏ qua bất cứ trò chơi nào với đám bạn, chỉ là thiếu đôi mắt.
Cứ thế, Hải hoà nhập với cuộc sống mới gần như một người bình thường. Cậu tự làm được tất cả mọi việc để chăm sóc bản thân. Với sự hỗ trợ của công nghệ, cậu học tập, sử dụng mạng xã hội thành thạo.
Cách đây hơn 4 năm, cậu nhận được học bổng toàn phần của ĐH RMIT. Do một phần khó khăn trong việc học tập cộng với vừa học vừa làm nên thời gian học của Hải kéo dài hơn các sinh viên khác. Hiện tại, cậu vẫn đang tiếp tục học online do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Hải vừa học đại học vừa quản lý cơ sở kinh doanh spa. |
Theo học chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Hải muốn đưa những kiến thức mình học được vào thực tế nên đã mở một spa ở TP.HCM. Spa của cậu chuyên dịch vụ massage, chăm sóc da mặt và hầu hết nhân viên là người khiếm thị. Nhận thấy massage được thực hiện bởi người khuyết tật có giá quá rẻ, cậu thuê người, đào tạo nhân viên, nâng cấp dịch vụ của mình lên để tạo sự khác biệt với những cửa hàng khác.
Trong hơn 1 năm mở cửa, spa hoạt động rất tốt, có những tháng cao điểm thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Thấy thuận lợi, Hải mở thêm một spa khác gần nhà mình ở Lâm Đồng. Nhưng vừa khai trương được 1 tháng thì Covid-19 ập đến, cả hai cửa hàng phải tạm đóng cửa cho đến tận bây giờ. “Spa ở Sài Gòn tôi đã trả mặt bằng cách đây vài tuần vì phải chịu tiền nhà suốt nhiều tháng mà không có doanh thu. Spa ở Lâm Đồng dự kiến sẽ sớm mở cửa trở lại” - Hải chia sẻ về kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới.
Lại nói về mẹ Hải, trước sự trưởng thành của con trai, bà không hề giấu diếm sự tự hào. “Cứ mỗi lần mình làm được gì đó là mẹ lại đi khoe khắp xóm. Bố thì trầm tính hơn, không bao giờ khen con trước mặt nhưng mình biết bố cũng rất tự hào về con trai khi nói chuyện với mọi người”.
Cậu bảo, nhờ có sự tự hào ấy của bố mẹ mà cậu trở thành một chàng trai tự tin, dám theo đuổi những gì mình yêu thích.
“Mình biết và tiếp xúc với nhiều người khuyết tật nên hiểu tâm lý của họ cũng như người thân họ. Nhiều gia đình thậm chí chỉ muốn đứa con khuyết tật của mình ở trong nhà. Nhiều người quen còn ngạc nhiên khi biết họ có con khuyết tật vì chẳng được gặp và chẳng thấy họ nói về con bao giờ.
Khi khuyên người khuyết tật trong chuyện hôn nhân, mọi người hay có 2 thái cực. Một là khuyên bọn mình chọn người lành lặn, sáng mắt để được hỗ trợ trong cuộc sống sau này. Hai là khuyên bọn mình lấy người cùng cảnh ngộ để thông cảm với nhau. Thậm chí, nhiều người bảo chẳng cần cưới xin gì, chỉ cần có đứa con, hoặc có đám cưới cũng chỉ làm đơn giản cho xong. Nhưng mình và gia đình thì không bao giờ nghĩ như thế”.
Giống như bao người bình thường khác, với Hải, cảm xúc, sự rung động vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong tình yêu. Bởi vì người khuyết tật thì cũng như những người bình thường. Họ vẫn có trái tim, có tâm hồn nguyên vẹn.
“Vợ mình cũng là người khiếm thị nhưng mình yêu và cưới cô ấy không phải vì cô ấy cùng cảnh ngộ với mình” - Hải khẳng định.
Lễ cưới của Hải và Dung mới diễn ra cách đây 1 tuần. |
Mẹ Hải cũng biết bao lần được người ta “khuyên” cách chọn con dâu, nhưng lần nào bà cũng ngó lơ và bảo “còn xem chúng nó có tình cảm với nhau không”. Đó là điều mà Hải rất tự hào về bố mẹ. Cậu ước rằng, người khuyết tật nào cũng có được một gia đình tuyệt vời như mình.
Với tư tưởng ấy, đám cưới của cậu con trai cả được bà chuẩn bị đâu ra đấy, không vì “chúng nó không nhìn thấy gì” mà làm quấy quá, hình thức. Do dịch bệnh, lễ cưới mới chỉ được tổ chức ở nhà thờ, có sự tham dự của những người thân trong gia đình, chứ chưa mời khách đãi tiệc.
Hạnh phúc và biết ơn trước tình yêu thương của cha mẹ, trong lễ cưới, Hải đã đứng lên nói lời cảm ơn ba mẹ dài 30 phút, lấy hết nước mắt của những người tham dự. Bà Lương - mẹ Hải một lần nữa lại không giấu nổi sự tự hào về cậu con trai hiểu biết, lễ nghĩa. Sau lễ cưới, bà còn gửi video buổi lễ cho tất cả mọi người xem lại.
Hải tâm sự: “Sự kỳ thị với những người khuyết tật như chúng mình luôn tồn tại. Mình không thể kiểm soát được những gì người ta nói hay nghĩ. Nhưng mình luôn mong rằng ít nhất người thân của những người khuyết tật hãy hiểu bọn mình, hãy khuyến khích và tự hào. Chính nhờ sự ủng hộ của gia đình mà đôi khi mình quên đi khiếm khuyết của bản thân để học tập, làm việc và kinh doanh như tất cả mọi người khác. Mong rằng mỗi người khuyết tật sẽ đều nhận được sự ủng hộ của gia đình giống như mình để cuộc đời họ bớt nhọc nhằn”.
Nguyễn Thảo
Ảnh: NVCC
Cậu bé 'thèm' bạn, bám đuôi xe mẹ suốt 2km trở thành runner như thế nào?
Khuôn mặt rạng ngời của Nguyễn Nhật Anh khi nói về sở thích chạy bộ khiến hàng nghìn thành viên trên một diễn đàn cảm phục nghị lực và tinh thần sống tích cực của cậu.
Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét