Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

Thất nghiệp hậu Covid-19, công nhân thành lập trình viên nhờ học nghề miễn phí

Nhiều người lao động thất nghiệp, khó khăn vì Covid-19 đang có xu hướng chuyển sang các ngành thuộc khối công nghệ thông tin.

Sinh ra trong một gia đình lao động, Lê Đình Văn (SN 1995, Quảng Nam) chọn chuyên ngành Kế toán khi vào đại học. Nhưng do cảm thấy ngành học không phù hợp, anh quyết định nghỉ học bất chấp sự phản đối của gia đình.       

“Gia đình sốc, thất vọng, quay lưng lại với mình. Để tự kiếm sống, mình làm nhiều nghề như công nhân may, bán gà nướng, tiết kiệm tiền và chờ đợi một khóa học, cơ hội kinh doanh phù hợp” - Văn cho biết.

Những công việc tạm thời của Văn sau đó cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Văn quyết định, đã đến lúc phải lựa chọn một công việc ổn định hơn cho tương lai. Cậu nhận thấy công nghệ thông tin (CNTT) là ngành có nhiều tiềm năng phát triển nên đã đăng ký một khoá học lập trình trực tuyến. Quá trình học gian nan bởi cậu hoàn toàn xa lạ với kiến thức IT. 

{keywords}
Lê Đình Văn từ một công nhân may đã chuyển nghề thành công sang lập trình viên nhờ học trực tuyến. Ảnh: NVCC

“Mình đã choáng váng với những video học liệu bằng tiếng Anh, nhiều lần muốn bỏ cuộc vì bài tập, kiến thức khó, vì áp lực công việc... Nhưng toàn bộ tiền tiết kiệm đã đổ vào khóa học, mình không có đường lùi. Chỉ có thể dốc toàn lực để học” - Văn chia sẻ.

Đầu năm 2021, với nền tảng kiến thức từ khóa học, Văn ứng tuyển thành công vị trí lập trình viên tại một công ty công nghệ lớn của Việt Nam mà nhiều người mơ ước.

Cũng gần giống như Văn, Nguyễn Sơn Tùng (SN 1992, Thái Nguyên) từng thất nghiệp, thất bại trong kinh doanh và chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh Covid-19. Nhưng cuộc sống của cậu thay đổi từ khi tham gia khóa học lập trình trực tuyến do doanh nghiệp tài trợ tại đơn vị đào tạo CNTT trực tuyến FUNiX. Hiện, Tùng cũng là lập trình viên tại một công ty công nghệ sau 5 tháng học tập.

Dạy CNTT miễn phí cho người lao động ảnh hưởng vì Covid

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, đến tháng 9/2021 cả nước có hơn 1,3 triệu người lao động thất nghiệp, 1,3 triệu lao động phải về quê do không có việc làm và cuộc sống khó khăn. Riêng quý 2 năm 2021, khoảng 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên đã bị ảnh hưởng tiêu cực, bao gồm mất việc làm, tạm nghỉ, làm việc luân phiên, giảm giờ làm, hoặc giảm thu nhập.

Đến ngày 1/8/2021, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 5,3% so với cùng thời điểm tháng 7 và giảm 10,6% so với cùng thời điểm năm 2020.

Trong khi đó, ngành CNTT tại Việt Nam với đà tăng trưởng và đóng góp lớn cho GDP, đang khát khao nhân lực với số lượng lớn. 

{keywords}
Số người và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi các quý, giai đoạn 2019-2021. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Giống như Văn và Tùng, nhiều người đã chọn học lập trình, đặc biệt là các khoá học trực tuyến, để gia nhập vào ngành công nghiệp đang thiếu hụt một lượng lớn nhân sự này.

Theo FUNiX - đơn vị đào tạo CNTT trực tuyến, mới đây đơn vị này đã phối hợp với 40 doanh nghiệp trong ngành triển khai Dự án Chuyển đổi số Công nhân. Dự án trực tiếp đào tạo công nhân trở thành nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của chính mình. Các doanh nghiệp tài trợ ủy quyền cho đơn vị này tiếp nhận và đào tạo lực lượng công nhân có mong muốn nhận tài trợ từ chương trình để học nghề và gia nhập ngành CNTT. 

Theo đó, người lao động là công nhân, nhân viên các ngành nghề chịu ảnh hưởng vì Covid, có mong muốn chuyển nghề sang IT… không phân biệt tuổi tác, giới tính đều có thể tham gia và được doanh nghiệp tài trợ toàn bộ học phí để hoàn thành chương trình đào tạo trở thành lập trình viên.

Khóa học chuyển nghề CNTT có lộ trình 6 tháng. Học viên cần cam kết học tập trực tuyến ít nhất 3 giờ/ngày, 6 ngày/tuần, mỗi ngày đều chủ động trao đổi học tập với giảng viên và cam kết làm việc cho doanh nghiệp ít nhất 1 năm sau khi học xong.

Thêm hướng giải quyết bài toán nhân lực ngành IT

Ông Nguyễn Trần Nhàn, Giám đốc điều hành công ty NCC cho rằng, học CNTT là một hướng chuyển đổi nghề bền vững cho công nhân, người lao động chịu ảnh hưởng vì dịch bệnh, hoặc đang tìm kiếm việc làm mới như Lê Đình Văn hay Nguyễn Sơn Tùng. Trong khi đó, lực lượng công nhân cũng được nhiều doanh nghiệp IT đánh giá là lực lượng nhân sự giàu tiềm năng, có thể đào tạo để chuyển đổi số, khỏa lấp cơn “khát” nhân lực CNTT hiện nay.

“Thiếu hụt nhân lực đang là một trong những thách thức đối với ngành IT Việt. Chúng tôi đã nỗ lực tìm kiếm nhiều nguồn như kết hợp đào tạo đại học, cao đẳng, đào tạo phi truyền thống, hay tìm đến nguồn nhân lực chuyển ngành, chuyển nghề từ các lĩnh vực khác nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế. Với đối tượng công nhân học chuyển nghề, NCC sẵn sàng đón nhận các bạn vào thực tập, làm việc và tin tưởng đây sẽ là một nguồn lực giúp công ty phát triển về đường dài” - ông Nhàn cho biết.

Trong khi đó, bà Nghiêm Thị Lan Phương – Giám đốc vận hành công ty AI Solution cho rằng, học và làm IT không khó, trái lại đây còn là một lĩnh vực rất cởi mở, nhiều tiềm năng. Không chỉ học trực tuyến, các bạn trẻ còn có thể làm việc trực tuyến, tham gia các dự án CNTT của doanh nghiệp dù ở bất kỳ đâu trong các điều kiện phù hợp.

“Đây sẽ là cơ hội lý tưởng, đặc biệt dành cho những lao động trẻ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Các bạn không cần phải di cư, không phải đối mặt với những thách thức khi chuyển nơi ở như chi phí sinh hoạt đắt đỏ mà vẫn có được công việc ổn định, môi trường làm việc hiện đại và thu nhập hấp dẫn tại doanh nghiệp. Song song, doanh nghiệp CNTT cũng có thể giải quyết được bài toán khát nhân sự - vấn đề nan giải hiện nay” - bà Lan Phương nhận định.

Đăng Dương

Tiếp viên uống nước mưa, sống trên xe buýt suốt 4 tháng dịch

Tiếp viên uống nước mưa, sống trên xe buýt suốt 4 tháng dịch

Thất nghiệp, tiền tích cóp vơi cạn, các tài xế, tiếp viên uống nước mưa, ăn ngủ trên xe buýt chờ ngày bến xe hoạt động trở lại.


Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét