Từ năm 2016, Oizumi phải đảm nhận phần việc của hai người. Anh đã làm thêm 123 giờ/tháng trước khi qua đời.
Tomoo Oizumi phụ trách sửa chữa và bảo trì máy móc tại văn phòng kinh doanh Matsumoto tại Sodick, Tokyo.
Sau khi một đồng nghiệp nghỉ việc vào giữa năm 2016, Oizumi phải đảm trách lượng công việc gấp đôi. Từ đó, ngày nào anh cũng phải tăng ca, theo Mainichi.
Trong cuộc họp nội bộ vào ngày 21/4/2017, Oizumi bị cáo buộc làm giả hồ sơ để đòi tiền làm thêm giờ. Người đàn ông này bị sếp chất vấn hết lần này đến lần khác.
Mặc dù không lâu sau đó Oizumi được minh oan bởi một nhân viên khác, người sếp đã không đưa ra bất kỳ lời xin lỗi nào.
|
Vợ của Tomoo Oizumi giữ chìa khóa ôtô của chồng, thứ mà cô luôn mang theo như một tấm bùa hộ mệnh. Ảnh: Fumie Togami/Mainichi. |
Cuối tháng 4/2017, Oizumi biến mất cùng với con gái lớn Ena, lúc đó 7 tuổi. Hơn một tuần sau, thi thể của họ được tìm thấy trong một chiếc ôtô chở khách ở thị trấn Oguni, tỉnh Yamagata.
Kết quả điều tra, khám nghiệm cho thấy người đàn ông này đã tự sát.
Văn phòng kiểm tra tiêu chuẩn lao động xác nhận Oizumi bị trầm cảm vào thời điểm đó. Anh đã phải làm thêm 123 giờ/tháng trước khi qua đời.
Ai chịu trách nhiệm?
Tại Nhật Bản, những trường hợp tử vong tương tự như Oizumi nhiều đến nỗi được khái quát thành hiện tượng mang tên "karoshi".
Thuật ngữ tiếng Nhật này dùng để chỉ những người chết vì làm việc quá sức. Theo luật Nhật Bản, ngưỡng để phán quyết một trường hợp tử vong do làm việc quá sức là 80 giờ làm thêm/tháng.
Một khi được xác nhận chết do làm việc quá sức, người nhà nạn nhân có thể yêu cầu chủ lao động bồi thường. Tuy nhiên, quá trình chứng minh nguyên nhân tử vong có thể mất rất nhiều thời gian.
Trong trường hợp của Oizumi, hơn 4 năm sau gia đình của anh mới nhận được lời xin lỗi từ Sodick.
"Chúng tôi xin gửi lời xin lỗi và lời chia buồn sâu sắc nhất tới tang quyến. Chúng tôi sẽ xem xét các biện pháp để ngăn chặn việc tái diễn".
|
Karoshi là thuật ngữ dùng để chỉ những cái chết do làm việc quá sức ở xứ sở mặt trời mọc. Ảnh: Dreamstime. |
Năm 2017, công ty này chấp nhận bồi thường, song từ chối nhận trách nhiệm.
Tương tự, một nhân viên công nghệ thông tin 28 tuổi đã tử vong do xuất huyết não sau khi làm thêm 87 giờ/tháng vào năm 2017.
Một năm sau, văn phòng tiêu chuẩn lao động địa phương đã công nhận đây là cái chết do làm việc quá sức.
Tuy nhiên, đến hiện tại, người nhà nạn nhân vẫn chưa nhận được bất kỳ lời xin lỗi hay khoản bồi thường nào từ phía công ty.
"Tôi đang yêu cầu công ty phải chịu trách nhiệm và đảm bảo rằng không ai khác trở thành nạn nhân theo cách này. Tuổi trẻ của một người không bao giờ quay lại lần thứ hai, vì vậy hãy để người trẻ làm việc và hưởng thụ đúng cách", người thân nạn nhân cho biết.
Thay đổi
Cuối tháng 6, chính phủ Nhật Bản có kế hoạch khuyến khích các công ty để nhân viên chọn làm việc 4 ngày/tuần thay vì 5 ngày.
Mục tiêu của kế hoạch này là cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho những người có trách nhiệm chăm sóc gia đình hoặc cần thêm thời gian nghỉ ngơi để học kỹ năng mới.
Trong số các nền kinh tế lớn, nhân viên Australia, Canada, Italy và Mỹ làm việc nhiều giờ hơn người Nhật, theo khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
Nhưng thị trường lao động của Nhật Bản vẫn nổi tiếng cứng nhắc do người lao động có ít ngày nghỉ hơn so với các nước phát triển khác và dịch chuyển lao động vẫn ở mức thấp.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện trên 4.000 công ty của Bộ Lao động vào năm ngoái, 8,3% trong số này đã cho nhân viên của họ nghỉ nhiều ngày hơn.
|
Chính sách làm 4 ngày/tuần nhận nhiều ý kiến trái chiều tại Nhật Bản. Ảnh: Issei Kato/Reuters. |
Công ty dịch vụ thương mại điện tử và Internet Yahoo bắt đầu cho phép nhân viên, những người cần nhiều thời gian hơn để chăm sóc sức khỏe, được nghỉ 3 ngày/tuần vào tháng 4/2017.
Người phát ngôn của Yahoo cho biết: "Thay đổi này đã rất được hoan nghênh. Một số nhân viên nói rằng giờ đây họ có nhiều thời gian hơn cho gia đình, con cái".
Tuy vậy, Hisashi Yamada, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu Nhật Bản, cho biết ông không mong đợi kế hoạch làm 4 ngày/tuần sẽ nhanh chóng lan rộng khắp Nhật Bản, bởi làm ít ngày hơn không có nghĩa căng thẳng, áp lực sẽ giảm bớt.
Kể cả khi được chính phủ thúc đẩy, điều này sẽ khiến việc quản lý và đánh giá nhân sự trở nên phức tạp hơn.
"Giả sử, nếu nhân viên nhận công việc thứ hai, người quản lý sẽ khó biết tổng thời gian họ làm việc và đánh giá công bằng. Còn từ quan điểm của nhân viên, không ai muốn thu nhập từ công việc chính giảm xuống", ông Yamada nói.
Theo Zing
Những người trẻ Nhật Bản tạm biệt giấc mơ Tokyo
Kana Hashimoto (25 tuổi) từng chăm chỉ làm việc ở vị trí rất thấp trong công ty bảo hiểm tại Tokyo với ước mơ có một trang trại khi về hưu, theo The Washington Post.
Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét