Không phải tự nhiên mà cổ nhân có câu “Dùng nghèo để dạy con trai, dùng giàu để nuôi con gái”.
Câu nói này mang ý nhắc nhở, nuôi con trai nên lấy sự gian khổ, vất vả để tôi luyện ý chí, tinh thần trách nhiệm, bồi dưỡng phẩm chất. Còn nuôi con gái thì nên dành nhiều yêu thương, nâng niu, khuyến khích, cổ vũ.
“Giàu” ở đây không nhất thiết là sự giàu có vật chất, nuông chiều thái quá nhưng nó cũng mang hàm ý không nên để con gái chịu quá nhiều thiếu thốn, thiệt thòi, tránh sau này bị choáng ngợp và sa ngã bởi sự hấp dẫn vật chất, hào nhoáng hư vinh.
Đặc biệt, theo định kiến của người Việt, thậm chí trong xã hội hiện đại vẫn còn rất nhiều người có tư duy “kiếm lấy một tấm chồng” để nương tựa, dựa dẫm. Còn một tư duy khác, thậm chí ở các bà mẹ, là “con gái thì học ít thôi”, “con gái nên chăm chút ngoại hình, nhan sắc”. Nhiều người không ngần ngại bày tỏ sự tự hào khi con em mình lấy được một tấm chồng giàu có, rơi vào gia đình “có điều kiện”.
Tất cả những tâm lý ấy vô tình gieo vào tiềm thức các bé gái rằng nhất định cần tìm một người đàn ông để chăm lo cho đời sống vật chất của mình.
Tất nhiên, hôn nhân là sự sẻ chia cả về vật chất lẫn tinh thần giữa 2 người. Nhưng nhất định nó không phải là một sự tính toán từ trước rằng anh phải chăm lo cho tôi thì tôi mới đồng ý đến với anh. Tôi tin rằng bản chất của tình yêu, của hôn nhân không có hình thù như thế.
Thế nhưng, từ khi nào mà ngày càng nhiều cô gái hiện đại đang coi vật chất là yếu tố tiên quyết của tình yêu và hôn nhân? Trên nhiều diễn đàn, hội nhóm, không ít cô gái thẳng thắn bày tỏ quan điểm bằng các tuyên ngôn như: Đàn ông 30 tuổi mà thu nhập chưa đầy 20 triệu thì không nên lấy vợ, Đàn ông thì phải có nhà, có xe hẵng kiếm người yêu…
Tôi không phải người theo chủ nghĩa “một mái nhà tranh hai trái tim vàng”. Hôn nhân mà chỉ có tình yêu đơn thuần cũng rất khó hoà hợp. Nhưng tôi tuyệt đối không cho rằng đàn ông phải có cái nhà, cái xe, có tài khoản tiền tỷ mới xứng đáng được yêu thương, được trân trọng.
Ngược lại, tại sao các cô gái không nghĩ rằng bản thân mình cũng cần cố gắng, nỗ lực để làm được điều đó, thay vì ngồi chờ đợi một ai đó mang đến cho mình? Và liệu các cô đã có giá trị gì để xứng đáng nhận được những vinh hoa phú quý từ người đàn ông mà các cô mong muốn?
Nếu có con gái, nhất định tôi sẽ dạy con rằng hãy tập trung bồi dưỡng trí tuệ, tâm hồn thay vì nhan sắc. Nếu muốn, con có thể dành thời gian chăm sóc ngoại hình như mọi cô gái khác nhưng là để giúp con tự tin hơn chứ không phải để thu hút những người đàn ông.
Nếu có con gái, tôi cũng sẽ dạy con về giá trị của sức lao động, rằng chỉ khi đồng tiền có được từ sức lao động, từ trí tuệ của con thì nó mới đáng để tự hào.
Tôi cũng nhất định sẽ dạy con biết từ chối những món quà có giá trị quá lớn, biết từ chối những người đàn ông có ý định dùng tiền bạc như một thứ trang sức để thu hút người khác giới.
Sự giàu có rất có thể là biểu hiện năng lực của một con người. Anh ta giàu nghĩa là anh ta giỏi ở một lĩnh vực nào đó. Nhưng nếu anh ta dùng sự giàu có của mình với ý định “mua chuộc” tình cảm của một người phụ nữ thì rõ ràng người đàn ông đó không hề quan tâm đến những giá trị cốt lõi của con người con. Thậm chí, họ đang cho rằng tiền của mình có thể “mua” được sự chấp thuận của người phụ nữ. Với ý định ấy, liệu họ có đòi lại một thứ khác mà con không sẵn sàng trao đi? Hay sẽ coi con là một món hàng có thể “mua mới” tuỳ hứng?
Hỡi các ông bố bà mẹ, nếu muốn con gái mình không trở thành một ai đó bị người đời cười chê sau này, làm ơn hãy dạy con về giá trị của bản thân thay vì xuýt xoa trước những giá trị vật chất sáo rỗng. Hãy nhớ rằng con trẻ luôn lắng nghe và học theo mọi lối sống, nếp nghĩ của những người thân cận nhất với chúng.
Độc giả Vy Thương (Hà Nội)
8 nguyên tắc nuôi dạy con gái, đánh bật mọi quan niệm lỗi thời
Khuyến khích con tranh luận, để con tự chọn quần áo, tạo hứng thú đọc sách… là những phương pháp hữu hiệu bạn có thể áp dụng để nuôi dạy con gái.
Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét