Thứ Hai, 21 tháng 3, 2022

Vì sao người giàu thích chơi golf

Golf đòi hỏi cảm giác và kỹ năng nhiều hơn sức mạnh thể lực. Vì vậy, những người giàu thường ở độ tuổi 50-60 vẫn có thể chơi tốt môn thể thao này.

Theo khảo sát trong năm 2021 của Viện nghiên cứu Wealth-X, golf là môn thể thao được giới nhà giàu ưa chuộng nhất. Dữ liệu cho thấy 18,6% những người có tài sản từ 5 triệu đến 30 triệu USD thích chơi và xem đánh golf.

Bóng đá, môn thể thao phổ biến nhất thế giới, đứng thứ hai với 11,6% người lựa chọn. Tuy nhiên, Wealth-X lưu ý rằng các cá nhân giàu có thường chỉ xem mà ít khi chơi môn thể thao vua. Trượt tuyết, được biết đến với những khu nghỉ dưỡng sang trọng và độc quyền được giới nhà giàu ưa chuộng, đứng thứ ba với 10,9% lựa chọn.

Kết quả không có gì đáng ngạc nhiên khi lâu nay golf vẫn được mệnh danh là "môn thể thao nhà giàu" hay "bộ môn chỉ dành cho giới thượng lưu".

nguoi giau choi golf anh 1

Golf được xem là môn thể thao dành cho người giàu. Ảnh: Ian MacNicol.

Tuổi tác của người giàu

Golf có nguồn gốc từ châu Âu và cụ thể là Scotland, sau đó lan sang Vương quốc Anh. Ban đầu, đây là môn thể thao của nam giới da trắng, nhưng giờ đây nó trở nên phổ biến với tất cả những ai có đủ tiền để mua các thiết bị, trang phục chơi đắt đỏ.

Golf là bài kiểm tra về cảm giác và kỹ năng nhiều hơn là thể lực, vì vậy người chơi vẫn có thể đạt được phong độ tốt nhất ở độ tuổi 50-60.

Độ tuổi trung bình của một golfer ở Mỹ là 54. Một số người chơi PGA Tour đã tiếp tục thi đấu cho đến cuối tuổi 40 và thậm chí là đầu tuổi 50.

Tay golf chuyên nghiệp Fred Couples tiếp tục thể hiện tốt khi bước sang tuổi 50. Darren Clarke đã giành chức vô địch giải mở rộng năm 2011 ở tuổi 43.

nguoi giau choi golf anh 2

Người chơi golf vẫn có thể đạt được phong độ tốt nhất ở độ tuổi 50-60. Ảnh: AFP.

Rất ít người giàu đang ở thời kỳ sung mãn nhất về mặt thể chất. Độ tuổi trung bình của các triệu phú Mỹ là 62 và thế giới là 57.

Chính vì vậy, xét trên độ tuổi, golf đem lại nhiều lợi thế cho người giàu hơn các môn đòi hỏi sức mạnh như bóng đá, bóng chày, bóng bầu dục, tenis, trượt tuyết... "Tinh thần chính là thứ làm hỏng nhiều cú đánh hơn thể lực", Tommy Bolt từng đúc kết kinh nghiệm sau nhiều năm chơi golf chuyên nghiệp.

Rào cản gia nhập

Trang phục, thiết bị chơi golf, đặc biệt là những loại chất lượng, độc quyền, có giá rất cao.

The Asian Sports, gậy chơi golf đắt vì được làm bằng chất liệu bền. Ngoài ra, có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện để đảm bảo sản phẩm có thể tạo ra những cú đánh nhất quán, không gây hại cho vai.

nguoi giau choi golf anh 3

Trang phục chơi golf ngày càng đa dạng và đắt đỏ. Ảnh: Kolon FnC.

Thêm vào đó, chi phí để gia nhập các câu lạc bộ golf cũng không hề rẻ. Phí để gia nhập Augusta National Golf Club (Georgia, Mỹ), câu lạc bộ golf hàng đầu với Warren Buffett và Bill Gates là thành viên, ở mức 250.000-500.000 USD, theo Forbes.

Để làm quen với golf, người chơi còn phải trả tiền cho các khóa học nhập môn hoặc thuê người hướng dẫn chuyên nghiệp.

Tất cả những chi phí này khiến golf trở thành một môn thể thao khó tiếp cận và được mặc định chỉ dành cho nhóm có thu nhập cao.

Địa vị xã hội

Do chi phí nhập môn cao so với các môn thể thao khác, golf đã gắn liền với tiền bạc và địa vị xã hội.

Thực tế, ngay cả những người không nhất thiết phải chơi golf vẫn đăng ký làm thành viên các câu lạc bộ để được nhìn nhận là tầng lớp khá giả về kinh tế.

Không chỉ vậy, trở thành thành viên của một câu lạc bộ golf độc quyền hoặc đắt tiền đi kèm với một địa vị xã hội cao hơn. Một số nơi thậm chí chỉ dành cho những người được mời, có mối quan hệ thân thiết với giới thượng lưu.

Thành viên của các câu lạc bộ chơi thường là doanh nhân, những người làm việc trong lĩnh vực tài chính, nhà đầu tư, CEO, chính trị gia, người nổi tiếng.

Nhiều cá nhân giàu có chơi golf không phải vì yêu thích môn thể thao này mà chỉ muốn kết nối, giao lưu, mở ra cơ hội hợp tác làm ăn với những người giàu có khác.

nguoi giau choi golf anh 4

Nhiều người tìm đến sân golf không chỉ để chơi thể thao mà còn mở rộng mối quan hệ, bàn chuyện làm ăn. Ảnh: RgStudio.

Cạnh tranh và thách thức

Trong golf, lợi thế cạnh tranh thường là kỹ thuật và kinh nghiệm thay vì sức mạnh thể chất. Đồng thời, môn thể thao này còn thách thức cả về mặt chiến lược lẫn cảm xúc. Những điều này khiến người giàu cảm thấy mình có lợi thế hơn trong cuộc chơi.

Vẻ đẹp của golf nằm ở chỗ mọi người thi đấu với chính mình. Nó hoàn toàn phản ánh cách người giàu suy nghĩ và tiếp cận trong kinh doanh như tay golf chuyên nghiệp Percey Boomer từng nói: "Nếu muốn che giấu tính cách của mình thì đừng bao giờ chơi golf".

Ngoài ra, người giàu có xu hướng siêu cạnh tranh và họ ghét thua cuộc. Với golf, không ai trực tiếp ngăn cản bạn làm những gì bạn muốn.

Golf còn là một môn mang tính cá nhân nhiều hơn. Người giàu thường có lịch trình bận rộn, nhưng với golf, họ không cần phối hợp với bạn bè và có thể chủ động về thời gian luyện tập.

nguoi giau choi golf anh 5

Golf là môn thể thao thách thức về mặt chiến lược lẫn cảm xúc. Ảnh: istock.

An toàn

Sân golf còn là nơi để thư giãn. Đó là những khu đất rộng, trải dài như một ốc đảo xanh, không khí trong lành, tránh xa sự hối hả và nhộn nhịp của thành phố.

Không giống như đi xe đạp và trượt tuyết (các môn thể thao được người giàu yêu thích sau golf), xác suất bị thương khi chơi golf là cực kỳ thấp.

Theo Zing

Sân golf bị lợi dụng

Sân golf bị lợi dụng

Vốn là địa điểm chơi một bộ môn thể thao, sân golf giờ đây còn trở thành nơi bị nhiều người xem là chỗ chụp ảnh sống ảo, tạo mối quan hệ với những người giàu có.


Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét