'Các y bác sĩ, lực lượng chức năng đang căng mình chống dịch. Ai cũng mệt và muốn về nhà. Nếu con về sẽ tạo thêm gánh nặng cho họ. Mẹ chúc con chiến thắng dịch bệnh'.
Đó là lời khuyên của chị Trần Thị Thanh Thủy, 51 tuổi, ở TP.HCM gửi đến con trai đang ở Pháp.
Mẹ sang Pháp dự lễ tốt nghiệp của con
Con trai chị Thủy là du học sinh, chuyên ngành lập trình tại một trường đại học ở Pháp. Theo kế hoạch ban đầu, ngày 5/3, con trai chị sẽ dự lễ tốt nghiệp ra trường.
Hiện chị Thủy đã cách ly ở Trường Quân sự Quân khu 7 được 11 ngày. |
Trước đó một tuần, chị Thủy đặt vé máy bay sang Pháp chúc mừng con. ‘Ban đầu, nhà trường thông báo dời lịch trao bằng tốt nghiệp hai ngày. Sau đó, họ thông báo hoãn với lý do, tình hình dịch bệnh đang phức tạp’, chị Thủy nhớ lại.
Ở lại với con mấy hôm, chị đặt vé máy bay về, vì còn nhiều việc phải giải quyết. Tối ngày 15/3, chị đến sân bay Tân Sơn Nhất. Thời điểm đó, Việt Nam đang tiến hành đón người Việt đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài về nước. Đã có hàng ngàn người lên máy bay về nước tránh dịch, đều được đưa đi cách ly.
Chị Thủy dành thời gian cách ly để đọc sách, nói chuyện với con. |
Ở Pháp, con trai chị Thủy nhắn tin cho mẹ: ‘Mẹ ơi! Con về nhà nhé’. ‘Lúc đó, Việt Nam đã có 61 người nhiễm virus corona và hàng ngàn người phải cách ly. Đa số người nhiễm đều từ nước ngoài về, hoặc lây nhiễm chéo trên máy bay. Lực lượng chức năng, các y bác sĩ thì căng mình chống dịch’, chị Thủy nói.
Suất ăn của người cách ly trong Trường Quân sự Quân khu 7. Đại tá Cảnh cho biết, chi phí ăn một ngày của người cách ly là 90 ngàn đồng. |
Chị nhắn cho con: ‘Sân bay là môi trường lây nhiễm chéo. Bây giờ, con đi máy bay về mẹ cũng không yên tâm. Tốt hơn hết, con nên ở lại và thực hiện nghiêm ngặt ‘ai ở đâu thì ở yên ở đó’. Con nên hạn chế đi ra ngoài, đến nơi đông người và nên xin các thầy cô cho mang máy tính về nhà làm việc nhé.
Ở Việt Nam bây giờ, các y bác sĩ, lực lượng chức năng đang căng mình chống dịch. Ai cũng mệt và muốn về nhà. Nếu con về sẽ tạo thêm gánh nặng cho họ. Mẹ chúc con chiến thắng dịch bệnh. Cả nhà mình cùng cố gắng nhé, con yêu’.
Các chiến sĩ đưa cơm đến tận tay người cách ly. |
Con trai chị Thủy nhắn cho mẹ: ‘Con sẽ ở lại ạ’ xong, cậu nghiêm ngặt thực hiện việc ở trong nhà.
Mỗi tuần, cậu đi chợ một lần để mua đồ ăn. Ngày ba bữa, cậu tự nấu ăn tại nhà, mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Cậu cũng uống thêm nước cam, nước gừng, tập thể dục, nấu thêm các món bổ dưỡng để tăng sức đề kháng. ‘Đến nay, con vẫn nằm trong vùng an toàn’, dù rất lo cho con, nhưng chị lạc quan con mình sẽ không sao.
Đi cách ly như được nghỉ phép
Vì trở về từ vùng dịch, chị Thủy được đưa đến Trường Quân sự Quân khu 7 cách ly ngay. ‘Tôi đến khu cách ly lúc 10 giờ 30 khuya. Các chiến sĩ bộ đội vẫn chờ ở cổng. Họ giúp tôi mang vali, đồ dùng lên phòng. Tôi được các y bác sĩ kiểm tra y tế. Tất cả mọi khâu đều diễn ra rất nhanh. Sau đó, tôi được các chiến sĩ hướng dẫn sử dụng giường chiếu, chăn màn, đồ dùng trong phòng, nhà vệ sinh… như thế nào cho an toàn’, người mẹ sinh năm 1969 kể về ngày đầu ở khu cách ly.
Một chiến sĩ đang gom rác thải. |
Đến nay, chị đã được ở trong trường quân đội 11 ngày và xem 14 ngày cách ly như một kỳ nghỉ phép. Buổi sáng, chị dậy sớm xuống sân đi bộ, trò chuyện từ xa với những người trong khu cách ly, rồi đi ăn sáng, đọc sách. Tối, ăn uống, tắm rửa xong, chị đọc sách, xem tin tức rồi gọi điện hỏi thăm tình hình của con trai.
Trao đổi với VietNamNet, Đại tá Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Trường Quân sự Quân khu 7, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở khu cách ly cho biết, những ngày qua, chị Thủy đã thực hiện tốt việc cách ly tại đơn vị. Hiện, chị đã cách ly được 11 ngày, sức khỏe ổn định, các kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Đại tá Cảnh cho biết, hiện khu cách ly có 50 người nước ngoài, ở 15 quốc gia khác nhau. |
Đại tá Cảnh cho biết, đa số những người trong khu cách ly đều không biết mình sẽ phải đi cách ly khi từ vùng dịch trở về. ‘Khi biết đưa đến đây, ai cũng bỡ ngỡ, thắc mắc. Có cháu nhỏ, là du học sinh, sống trong điều kiện tốt nên có những phản ứng, nhưng sau đó đã nghiêm chỉnh chấp hành. Có những cháu từ nước ngoài về bị lệch múi giờ cũng được bổ sung thêm bữa ăn tối từ tiếp tế của gia đình’, ông Cảnh nói.
Vị đại tá kể, có một chàng trai mới đi công tác từ vùng dịch về nên phải cách ly. Ở trong khu quân đội một tuần, người này xin về cưới vợ, vì đã định ngày cưới, nhưng không được. ‘Cậu ấy phản ứng, chúng tôi chỉ biết động viên và cương quyết yêu cầu chấp hành’, ông Cảnh nói.
Cũng theo Đại tá Cảnh, khu cách ly có 50 chiến sĩ phục vụ ở vòng trong, trực tiếp tiếp xúc với người cách ly. |
Chị Thủy cho biết, 11 ngày sống trong khu cách ly, chị được rất nhiều. Đó là, chị được phục vụ tận tình, chu đáo, được hiểu thêm về cuộc sống của bộ đội, được làm quen, giao tiếp với nhiều người trong khu cách ly bằng cách trao đổi số điện thoại, trang cá nhân của nhau.
‘Có một số cháu tuổi còn nhỏ, quen sống trong điều kiện khá giả và quen với cuộc sống ở nước ngoài, khi về Việt Nam bị lệch múi giờ nên đã có những đòi hỏi. Tuy nhiên, các chiến sĩ vẫn lắng nghe, ghi nhận rồi trình báo với cấp trên, sau đó quay lại giải đáp.
Các cháu thích ăn khuya thì được nhận đồ tiếp tế bên ngoài từ 6-8 giờ tối. Các cháu buồn thì có wifi để lên mạng’’ chị Thủy kể.
Người mẹ Sài Gòn cảm thấy biết ơn và gửi lời xin lỗi các chiến sĩ, các y bác sĩ đã vất vả vì mình. 'Họ phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, phải nghe những lời phàn nàn từ người cách ly, phải thức đêm, dậy sớm nhưng không một chút kêu ca. Họ vì chúng tôi mà phải cực khổ, xa gia đình, quên đi những nguy hiểm rình rập. Tôi thấy thật có lỗi', thông qua báo VietNamNet, chị Thủy nhắn nhủ.
Em bé sơ sinh trong khu cách ly ở Sài Gòn: Chiến sĩ thay nhau bế bồng, chăm sóc
Ngày đầu về Việt Nam, em bé nhớ hơi mẹ, thèm sữa mẹ nên khóc không ngớt. Các chiến sĩ, y bác sĩ ở khu cách ly phải thay phiên nhau bế, chăm sóc, đút từng muỗng sữa cho bé ăn.
Tùng Anh Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét