'Nhiều cặp vợ chồng không ngờ rằng, thời gian nghỉ dịch bệnh lại như một kỳ 'nghỉ dưỡng' mang lại hạnh phúc giản dị, ấm áp cho gia đình.
5 năm nay kể từ khi cưới nhau, gần như ngày nào vợ chồng chị Hoàng Tươi (Hà Nội) cũng ăn tối lúc 22 giờ. Nhưng từ khi công việc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đến nay, vợ chồng chị đã được ăn tối cùng nhau lúc 20 giờ.
Chồng chị Tươi là giáo viên dạy Toán cấp 2. Ngoài việc dạy trên trường, chồng chị bận túi bụi với những ca dạy thêm ngoài giờ, gia sư tại nhà học sinh. Thậm chí, thứ 7, Chủ Nhật chồng chị cũng kín mít lịch dạy.
‘Bố đi từ sáng sớm, lúc các con chưa ngủ dậy, về nhà lúc các con đã ngủ say. Vậy nên việc dành thời gian cho con là quá xa xỉ’ - chị kể.
Những bữa cơm sum vầy của gia đình chị Tươi xuất hiện đều đặn hơn. Ảnh: NVCC |
‘Đúng là trong cái rủi có cái may. Kinh tế kém đi một chút nhưng mừng nhất là chồng ở nhà được nhiều hơn, có thời gian chơi với con - điều mà trước kia cực kỳ hiếm’.
Không những thế, khi lịch dạy giãn bớt, chồng chị lại kiêm luôn cả việc nội trợ giúp vợ.
Vốn kỹ tính và cẩn thận, anh không để vợ và con nhỏ phải đi ra ngoài vào thời điểm này. Vì thế, anh tình nguyện nhận việc đi chợ và ‘kết bạn’ với mấy chị hàng thịt, hàng cá.
‘Anh ấy xin luôn số điện thoại của các bà, các chị hàng thịt, hàng cá, hàng gà… đủ cả. Bây giờ trước khi chợ, anh đi chỉ cần alo trước, dặn các chị chuẩn bị sẵn cho miếng thịt, con cá ngon nhất, rồi ra đến nơi trả tiền là xách về’, chị kể.
‘Trước kia, chồng chỉ ăn ở nhà bữa tối, bữa trưa lúc ăn lúc không, còn nay ăn đủ 3 bữa. Những việc mà trước kia anh không làm được thì nay làm đều đặn ngày nào cũng như ngày nào, nên không thể phủ nhận là nhờ có thời gian này mà hạnh phúc gia đình trọn vẹn hơn’ – chị Tươi tâm sự.
Giống như gia đình chị Tươi, trong 2 vợ chồng thì công việc của chị Trang lại bận tối mắt, không có thời gian dành cho chồng con.
Vốn làm nghề chăm sóc sắc đẹp ngay tại nhà mình, trước khi dịch bệnh bùng phát, lịch làm việc của chị Trang (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vô cùng bận rộn.
Mỗi sáng, đưa con đi học về là chị đón khách từ sáng đến tối, thậm chí nhiều hôm còn nhịn cả ăn trưa.
Đến chiều tối, chị tranh thủ đi đón con gái đang học mầm non, rồi về lại làm tiếp.
‘Hầu hết là chồng đi làm về lại lao vào bếp nấu nướng. Cả nhà ăn xong, mình lại làm tiếp đến 22 giờ mới được nghỉ. Xác định làm nghề này là mình phải làm lúc người ta nghỉ. Cuối tuần người ta bồng bế nhau đi chơi thì mình cắm mặt vào công việc. Rất may là chồng mình cũng thông cảm cho công việc của vợ nên ngày nào cũng trông con cho vợ làm việc đến khuya’.
‘Mình làm xong cũng là lúc mẹ mệt, con mệt nên ngủ luôn. Hai vợ chồng gần như không có thời gian trò chuyện. Con thì lúc nào cũng thèm được chơi với mẹ’.
Chị tâm sự, có một hôm chồng chị mệt quá, rụt rè đề nghị với vợ: ‘Nay nghỉ một hôm được không em? Nay anh mệt quá’. Nhưng vì đã có hẹn với khách nên chị không muốn thất hứa, chị đành nài nỉ chồng cho làm cố nốt một hôm. ‘Chồng mình cũng thông cảm, không nói gì. Nhưng mình biết chắc hôm ấy chồng mệt lắm mới đề xuất như thế. Nghĩ lại lần ấy vẫn thấy thương chồng’.
Chính vì thế mà bà mẹ sinh năm 1990 coi thời gian nghỉ dịch này như một kỳ nghỉ dưỡng với gia đình mình. Cuộc sống của cả nhà dường như chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn hẳn.
Hai vợ chồng chị Trang và cô con gái chăm sóc nhau tại nhà. Ảnh: NVCC |
‘Bây giờ mình dành cả ngày cho con, có thời gian chăm con, chơi với con, nghĩ món này món kia nấu nướng cho cả gia đình. Con vui vì được chơi với cả bố và mẹ. Chồng đi làm về mệt, có cơm canh sẵn sàng cũng vui hơn hẳn. Mình nhìn thấy niềm vui rõ rệt của cả chồng và con mỗi ngày’.
Chị bảo, có thể những điều đó với các gia đình khác là bình thường nhưng với chị thì đó là niềm khát khao mà không phải lúc nào cũng có được.
‘Trước giờ mình cứ lao vào kiếm tiền để đạt được những mục tiêu mà mình đặt ra. Bây giờ tiền ít đi nhưng cuộc sống gia đình thì vui vẻ, dễ chịu hơn hẳn. Tất nhiên, mình vẫn mong hết dịch để đi làm trở lại. Nhưng cũng nhờ thời gian này mà mình biết rằng sau này cần phải cân bằng giữa công việc và gia đình’.
Nghỉ học kéo dài, dịch vụ đặt món được lòng giới trẻ
Nhịp sống bị đảo lộn từ sau Tết Nguyên Đán vì dịch Covid-19, giới trẻ, trong đó có HSSV thay đổi thói quen ăn uống, mua sắm từ “offline” sang “online".
Nguyễn Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét