Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

Phía sau chuyện nữ sinh học giỏi, xinh đẹp phải nhập viện tâm thần

 Thấy N. có nhiều biểu hiện muốn tự tử, gia đình phải đưa em vào bệnh viện thăm khám.

Trầm cảm là một bệnh lý nguy hiểm không chỉ xảy ra ở người lớn mà còn xảy ra với trẻ em.

Tuy tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em thấp hơn so với người lớn nhưng nó cũng gây ra nhiều nguy hiểm cho trẻ và gia đình.

Bác sĩ Vũ Thị Thùy Tươi, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, cho biết có nhiều nguyên nhân gây trầm cảm ở trẻ em.

‘Không ít người nghĩ rằng, gia đình có trục trặc (ví dụ như bố mẹ ly hôn) mới gây ra trầm cảm ở trẻ. Tuy nhiên cũng có những gia đình bố mẹ không chia tay nhau nhưng cuộc sống có nhiều mâu thuẫn, phụ huynh không quan tâm đến con hoặc quan tâm sai cách, gây áp lực cho con trong học tập… cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm cho trẻ’, bác sĩ Tươi cho biết.

{keywords}
Khu vực Khám nhi, trắc nghiệm tâm lý, điện não của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội

Nữ bác sĩ cũng khẳng định, nếu không can thiệp sớm, chứng trầm cảm ở trẻ sẽ gây ra nhiều nguy hiểm.

Các em có thể tìm cách hủy hoại bản thân khi cảm thấy bị áp lực trong học hành và do hoàn cảnh gia đình. Trường hợp nữ sinh dưới đây là một ví dụ điển hình.

Trước khi được gia đình đưa đến bệnh viện thăm khám, N. đã dùng vật sắc nhọn rạch lên cánh tay mình. Chia sẻ với bác sĩ, em nói, mình quá bế tắc và chán nản. Hành vi rạch tay, làm mình bị thương đã khiến N. cảm thấy thoải mái hơn.

Nguyên nhân khiến nữ sinh rạch tay là do em thường xuyên bị các bạn trêu chọc ở trường. Về nhà, em lại chứng kiến cảnh bố mẹ mâu thuẫn, nhiều lần xô xát.

Từ vị trí là một học sinh giỏi của lớp, chỉ trong vòng nửa năm, N. học sa sút, em cũng không còn tham gia các hoạt động của trường như trước đây.

Thấy con gái có nhiều hiểu hiện bất thường, không chịu ăn uống, thu mình lại, mẹ em đã đưa con đến bệnh viện.

Tuy nhiên mấy ngày sau, bố mẹ em lại cãi nhau. Trong cơn nóng giận, bố em đập phá hết đồ đạc trong nhà. Người vợ nói với chồng: ‘Anh nói nhỏ thôi, con đang có vấn đề về tâm lý. Nếu nó tiêu cực, tìm đến cái chết thì sao?’.

Người bố giận giữ hét lên: ‘Tao còn muốn chết nữa là nó. Nó chết đi càng tốt’.

Câu nói trong lúc nóng giận của người bố như nhát dao cứa vào tim N. Em đứng đó, dưới chân là những mảnh thủy tinh do bố em vừa đập vỡ và ý định tiêu cực nảy ra trong đầu. N. bắt đầu muốn tìm đến cái chết.

Đó là một lần em và mẹ đang đi xe máy trên đường. Nhân lúc mẹ không để ý, N. nhảy xuống xe và định lao vào chiếc xe ô tô đang chạy trên đường. Mẹ em nhanh tay giữ được, em mới thoát chết.

Một lần khác, đang đi làm, mẹ em nhận được điện thoại của cô giáo gọi đến trường gấp vì N. đang lên sân thượng tầng 3 và có ý định nhảy xuống. Cô giáo, bạn bè khuyên can, em cũng không nghe.

Liên tục có những hành vi bất thường, gia đình đưa N. đến bệnh viện và sau khi thăm khám, xét nghiệm, bác sĩ yêu cầu N. phải nhập viện.

Giải pháp điều trị trầm cảm cho N. bao gồm liệu pháp tâm lý và sử dụng thuốc. Sau đó, tình trạng của em có nhiều chuyển biến khả quan hơn.

Bác sĩ Thùy Tươi cho biết, sự thiếu quan tâm, chăm sóc của gia đình cũng là nguyên nhân gây xáo trộn tâm lý của các em.

Chị từng tham gia tư vấn tâm lý cho B. - (14 tuổi), một học sinh nữ quê ở Hà Giang.

B. xuất hiện tại phòng tư vấn với mái tóc buông xõa, em gục đầu xuống bàn và im lặng trước tất cả các câu hỏi của bác sĩ.

Bác sĩ sau đó phải nói chuyện với phụ huynh để thu thập thông tin, dựa vào đó để tìm cách tiếp cận, trò chuyện với B.

Theo đó, B. sống với bà từ năm 6 tuổi khi bố mẹ em vào Tây Nguyên làm ăn. Mỗi năm họ chỉ về thăm con một, hai lần. Xa bố mẹ, giai đoạn phát triển về tâm sinh lý khiến B. trở nên buồn bã, chán nản. Em ít nói và sống thu mình lại.

{keywords}
Bệnh nhân xếp hàng nhận thuốc tại Bệnh viện tâm thần Hà Nội 

Cách đây 6 tháng, bố mẹ em trở về cùng một người em trai của B. Cuộc sống sau nhiều năm xa cách khiến B. không hòa nhập được với chính những người cùng gia đình. Bố mẹ B. cũng không biết về tính cách, sở thích của con. Bạn bè của con thế nào, việc học ở trường ra sao… đều phó mặc cho người bà.

Ngày càng thấy B. ít nói, lười ăn uống, chỉ giao tiếp duy nhất với người bà, bố mẹ em lo lắng đã đưa em đến bệnh viện để kiểm tra. Lúc này, B. đã được đánh giá là mắc chứng trầm cảm.

Bác sĩ Thùy Tươi cho biết, trầm cảm gây ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe và học tập ở trẻ em. Trẻ có thể học hành sa sút, bỏ học, sa đà vào các trò chơi, mối quan hệ xấu. Thậm chí có trẻ tìm cách hủy hoại bản thân, gây ảnh hưởng đến tính mạng.

‘Tôi thường nói với phụ huynh, các em như cái cây đang phát triển. Nếu cho cây vào phòng tối, không ánh sáng và chất dinh dưỡng, cây sẽ không phát triển thậm chí là chết.

Nếu can thiệp kịp thời, cây có thể sống lại nhưng không đạt được mức phát triển như nó vốn có’, bác sĩ nhấn mạnh.

Vì vậy, nữ bác sĩ khuyên, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con hơn. Đặc biệt, đừng bao giờ bỏ qua những thay đổi nhỏ của con trong sinh hoạt hằng ngày để tránh các nguy cơ về trầm cảm ở trẻ.

Nếu thấy con có những thay đổi, phụ huynh có thể đưa con đến các cơ sở y tế để thăm khám. Bác sĩ có thể đề nghị trẻ tư vấn tâm lý trước, sau đó cân nhắc dùng thuốc trầm cảm như một giải pháp bổ sung nếu trẻ không có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.

Bài kiểm tra điểm 8 và cánh tay tím bầm của cô bé lớp 3

Bài kiểm tra điểm 8 và cánh tay tím bầm của cô bé lớp 3

Chỉ vì một điểm 8, người mẹ đã đánh con gái đến tím bầm cánh tay. Cuối cùng, em phải đến bệnh viện tâm thần sau thời gian dài khủng hoảng, sợ hãi.

Ngọc Trang - Nguyễn Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét