Những ngày ở khu cách ly, nhiều người cảm ơn bộ đội bằng cách chia đồ ăn người nhà gửi, khi được ra ngoài thì ủng hộ hiện vật và những lá thư cảm ơn.
Vừa làm quen với môi trường quân đội, chiến sĩ Lăng Minh Tuấn (23 tuổi, ngụ tại TP.HCM) cùng nhiều đồng đội được điều động tới Bệnh viện dã chiến Củ Chi làm nhiệm vụ. 'Bữa đó, tôi được cấp trên thông báo đi tăng cường 2 ngày mà bây giờ đã thành 2 tháng rồi', Tuấn hài hước kể lại.
Tuấn cho biết, anh đến bệnh viện dã chiến hồi cuối tháng 2. Lúc mới đến, Tuấn và đồng đội được tập huấn về cách phòng, chống dịch Covid-19. Sau đó, tất cả tập trung vào dọn dẹp các khu nhà ở Trường Quân sự TP.HCM - nơi được tăng cường làm bệnh viện dã chiến.
Chiến sĩ Lăng Minh Tuấn. Ảnh: Tú Anh. |
Khi bệnh viện đi vào hoạt động, Tuấn được phân công làm hộ lý, chuyên dọn dẹp phòng bệnh cho các bệnh nhân dương tính với Covid-19 đang được điều trị tại đây. Chàng trai trẻ cho biết, dù trực tiếp tiếp xúc với người bệnh hơn hai tháng qua, nhưng anh không sợ. 'Chúng tôi được tập huấn đầy đủ, có đồ phòng hộ nữa' Tuấn nói, giọng chắc nịch.
Ánh mắt chàng tân binh ánh lên niềm vui khi nói về công việc: 'Công việc ở đây rất vất vả nhưng chúng tôi rất vui và tự hào vì được góp sức vào cuộc chiến chống dịch bệnh của đất nước'.
Đại úy Huỳnh Văn Như. Ảnh: Đoàn Nga. |
Sau giờ nghỉ trưa, Tuấn và các chiến sĩ bộ đội khác mang chổi, thùng đựng rác đi dọn rác, quét lá cây ở khắp bệnh viện dã chiến. Đại úy Huỳnh Văn Như, đang công tác tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Gia Định, Bộ Tư lệnh TP.HCM, hiện đang quản lý hỗ trợ bệnh viện dã chiến cho biết, đã hơn hai tháng qua, anh và các chiến sĩ ở đây chưa được về nhà.
Đại úy Như kể, theo kế hoạch tại đơn vị, sau tết Nguyên đán anh sẽ làm nhiệm vụ huấn luyện quân sự cho các học viên năm thứ 2 của trường quân đội. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, anh phải ngưng nhiệm vụ này để nhận lệnh, xuống Bệnh viện dã chiến Củ Chi làm việc.
'Lúc nhận lệnh, tôi đinh ninh sẽ đi khoảng một tuần là về, nhưng tôi ở đây hơn hai tháng rồi. Cuối tháng 3 vừa rồi, con gái đầu lòng của tôi tròn 1 tuổi. Tôi từng hứa với con, ngày thôi nôi con sẽ về, nhưng giờ đang dịch bệnh, tôi phải thất hứa', nhìn vào những hình ảnh con gái lưu trong điện thoại do vợ gửi, Đại úy Như tâm sự.
Tòa nhà, nơi thực hiện việc cách ly của những du học sinh, người nước ngoài về trước đây. Ảnh: Tú Anh. |
Thượng tá Nguyễn Văn Phòng, Phó hiệu trưởng Trường Quân sự TP.HCM, cho hay, từ ngày 5/2, trường được di dời cơ sở vật chất, chỉnh trang cảnh quan môi trường sang mô hình bệnh viện dã chiến. Ngoài các y bác sĩ, phía nhà trường cử 112 cán bộ chiến sĩ phục vụ bệnh viện, bệnh nhân và người cách ly.
Thượng tá Nguyễn Văn Phòng. Ảnh: Tú Anh. |
Thượng tá Phòng cho biết, thời gian qua, ở bệnh viện có 449 người thực hiện việc cách ly. Trong đó, có 3 người dương tính được chuyển sang khu chữa bệnh. Những người còn lại đều có kết quả âm tính, đủ thời gian cách ly nên được về nhà. 'Hầu hết người cách ly là du học sinh, người về từ nước ngoài nên khá khó tính', Thượng tá Phòng kể.
8 giờ 30 sáng mỗi ngày, các y bác sĩ sẽ đi đến từng phòng gọi người cách ly ra thực hiện việc đo thân nhiệt. Ảnh: Tú Anh. |
Thượng tá Phòng cho biết, bữa cơm của người cách ly sẽ có cá, thịt, canh, đồ xào, thêm đồ tráng miệng. 'Đó là những món ngon của bộ đội, nhưng người cách ly thì khác. Họ nhận đồ ăn của bộ đội đưa, vừa mở ra đã nói: 'Cái này mang cho người ăn đó hả?'
'Có người ban đầu không chấp hành nội quy của bệnh viện, đi lại lung tung. Bộ đội nhắc, họ nói: 'Mấy ông không có quyền chửi chúng tôi. Mấy ông không có quyền bắt chúng tôi phải ở cùng vị trí được', Thượng tá Phòng chia sẻ.
Bị xúc phạm, nhưng các chiến sĩ bộ đội vẫn nhẫn nhịn, sử dụng quy định của y tế, công tác tuyên truyền để giải thích.
Thượng tá Phòng cho biết, hiện, khu cách ly của nhà trường có 49 người, vào cách ly từ ngày 13/4. Ảnh: Tú Anh. |
Thượng tá Phòng cho biết, một khó khăn nhà trường gặp phải nữa là những phản ứng quyết liệt của gia đình các chiến sĩ tham gia chống dịch. 'Nhiều phụ huynh gọi điện đến xin cho con được dừng nhiệm vụ. Họ nói, đây là nhiệm vụ nguy hiểm, vì virus corona vô cùng đáng sợ. Họ sợ con mình sẽ bị nhiễm bệnh.
Có người mẹ nghe tin con đang tham gia chống dịch đến trường khóc, xin cho con được làm nhiệm vụ khác. Bà nói, bà chỉ có một đứa con duy nhất, làm nhiệm vụ, lỡ con có mệnh hệ gì, bà sẽ không sống nổi. Được chúng tôi hứa sẽ cho đến thăm con hàng tuần, bà mới xuôi', Thượng tá Phòng kể.
49 người đang thực hiện việc cách ly là những người đi chung chuyến bay, ở cùng khách sạn với bệnh nhân 22. Ảnh: Tú Anh. |
Những vất vả, khó khăn của bộ đội cũng được người cách ly hiểu được sau khoảng một tuần thực hiện việc cách ly. 'Có người xin phụ giúp bưng bê, lau chùi nhà, gom rác, quần áo nhưng điều này không được. Họ đang thực hiện cách ly, không biết ai bị dương tính khi nào.
Có người cảm ơn bộ đội bằng cách người nhà gửi đồ ăn vào thì chia cho bộ đội, khi hết cách ly thì ủng hộ bằng hiện vật, những lá thư viết tay cảm ơn', Thượng tá Phòng kể.
Trong 49 người đang thực hiện việc cách ly có hai em bé hơn 4 tuổi và hơn 4 tháng tuổi đi cùng bố mẹ và bà ngoại. Các em được hỗ trợ tã, sữa, bỉm... Ảnh: Tú Anh. |
Bà Thuần đang thực hiện việc cách ly vì đi cùng chuyến bay với bệnh nhân 22. Ảnh: Tú Anh. |
Bà Thuần, nhà ở Quận 5, đi cùng chuyến bay với bệnh nhân 22 và phải vào khu cách ly ngay khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Bà cho biết, lúc đầu khá sốc, nhưng bà nhanh chóng lấy lại bình tĩnh.
'Tôi được bộ đội, y bác sĩ chăm sóc tận tình, chu đáo', bà Thuần nói. Đưa ngón tay đang băng, bà cho biết, mấy ngày qua, ngoài được đo nhiệt độ ngày hai lần, ăn uống miễn phí, bà còn được các y bác sĩ theo dõi, rửa vết thương ở tay.
Hiện 49 người cách ly có sức khỏe tốt, chưa có biểu hiện về bệnh Covid-19. Ảnh: Tú Anh. |
Các chiến sĩ bộ đội dọn vệ sinh trong bệnh viện. Ảnh: Tú Anh. |
Thượng tá Phòng cho biết, tới đây, Việt Nam sẽ tiếp tục đón người Việt đang sinh sống, làm việc, học tập ở châu Âu, Mỹ về nước. 'Họ về sẽ được cách ly ngay sau khi xuống sân bay', Thượng tá Phòng nói.
Thượng tá cũng cho biết, ông và các đồng đội đã xác định, chống dịch như chống giặc, vì thế, dù dịch bệnh có diễn biến ra sao, ông và các đồng đội cũng sẽ chiến đấu đến cùng, để mong Việt Nam sớm dập tắt virus corona.
Thức đêm làm hàng trăm chiếc bánh thạch 3D tặng bác sĩ, bộ đội biên phòng
‘Hình ảnh chiến sĩ biên phòng mồ hôi nhễ nhại, ngồi bệt xuống đất ăn chiếc bánh thạch đã khiến tôi phải rơi nước mắt vì xúc động’, chị Trần Phương Nga, cho biết.
Tú Anh - Đoàn Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét