Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

Chuyện buồn ông lão vá xe, sớm tối ngủ lề đường Sài Gòn

Trải qua những thăng trầm năm tháng, nay tuổi đời cũng đã cao ngồi nhìn lại, tôi chẳng còn gì cả. Gia đình không, sự nghiệp không...

Món nợ ân tình

Những ngày này, xe cộ thưa thớt qua lại. Trời đã gần trưa, tại góc đường Nguyễn Du - Hai Bà Trưng (P. Bến Thành, Q. 1, TP.HCM), quán sửa xe của một ông già vẫn còn 'ngủ kỹ'. Máy bơm được ông trùm bạt kín bên cạnh chiếc xe đạp điện 3 bánh. Ông ngồi dựa lưng vào bờ tường đưa mắt nhìn cảnh vật xung quanh.

Từ xa, một người đàn ông đứng tuổi đẩy chiếc xe 2 bánh cũ kỹ mục nát hướng về ông. 'Có vá xe không anh?', người ấy hỏi ông. Gương mặt chợt sáng lên và ông nở nụ cười: 'Có chứ. Ế quá cả đêm có ai vá đâu. Anh đẩy xe lên lề đi'.

{keywords}
Ông Hạnh, người vá xe trên lề đường Nguyễn Du.

Ông bước đến chiếc máy bơm, mở tấm bạt lấy ra hộp đồ nghề. Một con mèo từ đâu chạy đến. Ông cúi xuống ôm nó, cả người và thú cùng đến bên chiếc xe chờ vá.

Ông làm rất nhanh và cẩn thận. Miếng vá được vá xong và bánh xe bơm lên. Người chủ xe trả tiền, cám ơn ông rồi đi. Ông dọn đồ nghề rồi ôm con mèo lên nói nhỏ:  'Hôm nay tụi con có cơm ăn rồi đó'.

Ông là Nguyễn Văn Hạnh, 68 tuổi, có mặt ở khu vực này từ năm 2000. Trước đây ông chạy xe ôm và thường đón khách ở Bưu điện TP. Cũng nhờ có chút ngoại ngữ, ông mời được nhiều khách nước ngoài đi xe nên thu nhập cũng khá. Được chừng 10 năm, yếu sức ông đành chuyển sang ngồi vá xe tại đây.

Ông xác định, ông không phải là thợ sửa xe mà chỉ là thợ vá vì ông không biết nhiều về kỹ thuật. Nếu một ngày bình thường, ông có thể kiếm được hơn 100.000đ/ngày thì những ngày đại dịch chỉ chừng vài chục.

'Tôi chuyên làm về đêm, mà dịch bệnh như thế này, đêm xuống có bao nhiêu người ra đường? Tuy vậy tôi vẫn không bị đói.

Bà con xung quanh hiểu hoàn cảnh, ngày nào cũng cho tôi thức ăn nên tôi san sẻ cho các anh em cùng cảnh ngộ. Tôi đã trải qua nhiều trường hợp khó khăn. Những lúc đó, không có anh em bè bạn chắc tôi chết mất. Vì thế, giờ đây dù thế nào tôi cũng phải nhớ đến những ân tình đó. Những hoàn cảnh bi đát chỉ có chúng tôi mới hiểu hết được. Chia sẻ với nhau trong lúc này rất cần thiết, anh ạ'.

Ông còn cho biết, trước đây ông có thuê nhà trọ nhưng từ ngày dịch Covid 19 hoành hành, thu nhập kém, ông xin chủ nhà trả lại phòng để khi nào khá thì về thuê lại. Từ đó, ông ăn ngủ cả ngày đêm tại chỗ này.

Những năm tháng thăng trầm

Chúng tôi hỏi thăm về gia đình nhưng ông xua tay, 'nhiều chuyện lắm anh ơi'. Rồi ông kể: 'Tôi có 2 bà vợ. Bà vợ đầu ở được 5 năm không có con nên thôi. Bà sau, sinh được một cháu gái. Khi con gái được 1 tuổi, chuyện vợ chồng tan rã. Từ đó, tôi buồn chán sa ngã vào nhiều tệ nạn: cờ bạc, rượu chè, hút xách ...

Được một thời gian, tôi tỉnh ngộ, quyết định xa lánh tất cả, rồi đi tìm việc làm. Tôi làm nhiều thứ lắm nên mua được chiếc xe gắn máy để sau đó chạy xe ôm'. 

Ông kể tiếp với chúng tôi: 'Tôi hiện giờ sống một mình. Không vợ con, không người thân thích. Nhiều lúc buồn quá chẳng biết làm sao, tôi đành tìm vài con vật về nuôi cho có bạn'. Ngoài con mèo nằm bên cạnh ông, phía trên cao còn có 3 con khác. Ông đứng lên gọi, chúng ngẩng đầu.

{keywords}
 Ông Hạnh kiếm sống qua ngày nhờ nghề vá xe.

'Chúng là những con mèo hoang tôi bắt về. Lúc đầu chúng hung dữ lắm, đụng vào là cắn. Sau nhiều ngày chăm sóc cho ăn, dường như chúng cảm được cái tình của tôi nên đã thân thiện. Con người còn phản chứ con thú không bao giờ, phải ông anh?'.

Rồi ông nói tiếp: 'Tôi ngủ bờ ngủ bụi, ăn bữa đói bữa no nhưng tôi vẫn thấy mình còn hạnh phúc hơn nhiều người. Tôi cố gắng giữ cho mình có cái tâm trong sáng, đầu óc không vướng bận chuyện gì để giấc ngủ đến với tôi dễ dàng và thoải mái.

Hàng ngày, tôi tìm nhiều việc để làm tránh thời gian nhàn rỗi. Có người tặng cho tôi chiếc xe đạp điện. Tôi đã mày mò tìm đủ cách để chế thành chiếc xe ba bánh. Tôi không phải tốn một đồng nào để hoàn thành nó. Giờ đây, tôi có thể đi khắp thành phố bằng chiếc xe này'.

Ông nói với tôi bằng một giọng chân thành: 'Xuất thân gia đình tôi ở Quận 4 - nơi mà trước 1975 vốn nổi tiếng nhiều tệ nạn.Tôi đã từng làm nhiều việc không phải để sau đó phải trả giá.

Trải qua những thăng trầm năm tháng, nay tuổi đời cũng đã cao ngồi nhìn lại, tôi chẳng còn gì cả. Gia đình không, sự nghiệp không. Tôi chỉ mong sao, thế hệ trẻ sẽ sống tốt hơn, thành công hơn đừng để như tôi, đến cuối đời vẫn là anh vá xe lề đường !!!'  

Nước mắt 0 đồng

Nước mắt 0 đồng

Người dân nghèo tìm đến siêu thị 0 đồng vừa khai trương ở TP.HCM đã bật khóc khi lần đầu được mua nhu yếu phẩm mà không phải mất tiền.

Trần Chánh Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét