Thứ Tư, 2 tháng 9, 2020

Con trai tìm vợ cho bố, mẹ kế hiến thận cứu con chồng

Năm 39 tuổi, bà Phạm Thị Lý kết hôn với người đàn ông góa vợ, có 2 con trai. Khi con chồng bị suy thận. Bà chấp nhận hi sinh mọi thứ, hiến 1 quả thận cứu con. 

Người đời vẫn thường cay nghiệt nói: "Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng". Thế nhưng, trong cuộc sống vẫn có nhiều người mẹ kế dành cho con chồng tình yêu thương vô bờ.

Như câu chuyện cảm động của bà Phạm Thị Minh Lý (SN 1969) ở Vũ Thư (Thái Bình). Cách đây nhiều năm, bà chấp nhận không sinh thêm em bé để hiến thận cứu con chồng.

Con trai tìm vợ cho bố

Nhà bà Lý cách nhà ông Trương Văn Ước (SN 1960) 500m. Ông Ước sớm gặp cảnh góa bụa khi vợ qua đời, để lại cho ông 2 người con trai Trương Văn Lân (SN 1988) và Trương Văn Lượng (SN 1985).

Anh trai bà Lý là bạn của ông Ước nên hai gia đình thường xuyên qua lại, quen biết nhau. Vì vậy, bà Lý cũng thân thiết với 2 cậu con trai của ông Ước.

Theo bà Lý, mối nhân duyên của bà lại do chính con chồng đưa đến. Bà Lý chia sẻ: “Lân chơi thân với cháu gái tôi. Con thấy tôi nhiều tuổi vẫn chưa lập gia đình nên nhiều lần ngỏ ý mai mối cho bố mình. Tôi nghĩ chỉ là câu bông đùa. Chẳng ngờ sau đó anh Ước đánh tiếng hỏi cưới tôi thật”.

{keywords}
Bà Phạm Thị Minh Lý tham gia chương trình "Việc tử tế". Ảnh cắt từ clip VTV

Gia đình hai bên vun vén, năm 39 tuổi bà Lý về làm dâu nhà ông Ước với bao hi vọng về hạnh phúc đôi lứa. Đám cưới diễn ra đơn giản, chỉ vài mâm cơm ra mắt họ hàng.

Bà dành cho con riêng của chồng tình yêu thương chân thành. Cuộc sống có lúc khó khăn nhưng bà vẫn từng ngày chắt chiu, dựng xây cho tổ ấm muộn màng của mình.

Mặc dù lớn tuổi nhưng bà luôn hi vọng sinh thêm đứa con nữa, để gia đình thêm ấm cúng. Thế nhưng chờ đợi mãi vẫn chưa có tin vui.

Bà đi khám chuyên khoa mới biết mình muốn có thai phải điều trị hiếm muộn. Nỗi khát khao được ẵm bồng đứa con mình sinh ra chưa kịp thực hiện thì năm 2010, con trai thứ 2 của ông Ước bị suy thận. Ba năm sau người con trai tên Lượng cũng đổ bệnh giống em nhưng nặng hơn.

Ông Ước lại bị tai nạn gãy chân. Mọi việc chăm sóc, đưa 2 con lên Hà Nội chạy chữa đều một tay bà Lý đảm nhiệm. Bác sĩ tư vấn, cơ hội sống cho cả Lân và Lượng là ghép thận hoặc chạy thận.

Nếu chạy thận nhân tạo, sức khỏe người bệnh ngày càng xấu. Phương án ghép thận phải tìm người hiến với các chỉ số phù hợp. Hơn nữa, chi phí phẫu thuật là số tiền lớn đối với gia đình bà Lý.

Hoàn cảnh khó khăn, chưa có tạng phù hợp nên anh Lân và Lượng phải chạy thận chờ đợi. Những lần đưa con chồng đi bệnh viện chạy thận, bà Lý càng thấm thía nỗi đau mà thanh niên trẻ phải đón nhận.

“Nhiều đêm ngồi thức, xoa lưng cho con khỏi đau đớn tôi tự hỏi: Tương lai hai đứa con sẽ ra sao? Chúng phải chịu cảnh mồ côi mẹ, giờ lại mang cả căn bệnh quái ác này”.

Hiến thận cho con chồng

Chuỗi ngày gia đình rơi vào khủng hoảng, hai con lâm bệnh, bà Lý trở thành chỗ dựa tinh thần.

Vợ chồng bà Lý thương con, đến vận động người thân giúp đỡ. Mọi người tham gia xét nghiệm máu để tìm thận tương thích với hai anh em nhưng kết quả chẳng ai phù hợp, kể cả ông Ước.

Cuối cùng, bà Lý chủ động đề nghị chồng cho mình lên Hà Nội xét nghiệm. Nếu các chỉ số phù hợp, bà sẽ tặng cho Lân một quả thận. Giây phút bác sĩ thông báo, thận của bà hoàn toàn phù hợp để ghép, lòng bà nghẹn lại vì hạnh phúc.

Thế nhưng, việc hiến thận sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bà Lý, kể cả việc sinh đẻ.

“Tôi chấp nhận không sinh thêm em bé để cứu Lân. Từ ngày bước chân về làm vợ ông Ước, tôi coi anh em Lân và Lượng chẳng khác nào máu mủ của mình”, bà Lý xúc động nói.

Tin bà hiến thận cho con chồng loan đi khắp xóm. Người khen cũng ít mà kẻ chê cũng nhiều. Một số người nói bà Lý dại, khuyên bà đừng cho nhưng bà gạt bỏ ngoài tai.

Chi phí cho ca phẫu thuật lên đến 300 triệu đồng. Để lo được số tiền đó, vợ chồng bà bán những thứ giá trị trong nhà và vay mượn khắp nơi.

Ca phẫu thuật thành công. Giờ đây, Lân là chàng trai khỏe mạnh, đã lấy vợ và sinh con. Hai anh em Lân trở thành ông chủ của cơ sở sản xuất lồng gà công nghiệp, mua được ô tô vận tải.

Về phần mình, anh Lân cho biết sức khỏe anh ổn định. Hàng tháng anh lên Hà Nội kiểm tra định kỳ và uống thuốc theo đơn bác sĩ. 

Ngày cưới Lân, bà Lý mặc bộ áo dài, đón con dâu về. Bà mở điện thoại, vui vẻ khoe ảnh cháu nội.

Hiện bà vẫn chịu khó làm trong xưởng của Lân, giúp đỡ con lo lắng mọi việc. Lân khuyên mẹ nghỉ ngơi nhưng bà không muốn để tay chân thừa thãi. Ngoài ra, bà Lý và hai con trai nuôi thêm 200 đôi chim bồ câu, cải thiện kinh tế.

“Sau ca phẫu thuật, tôi ăn ngủ bình thường. Tôi biết thiếu 1 quả thận, sức khỏe kém hơn nên luôn để ý, thăm khám định kỳ. Đặc biệt, giữ chế độ sinh hoạt điều độ”, bà Lý kể.

Điều bà Lý đau đáu trong lòng là sức khỏe của Lượng. Bà mong rằng, một ngày nào đó con cũng gặp may mắn như Lân, không phải chạy thận nữa.

{keywords}
Vợ chồng anh Lân cùng mẹ Lý trong ngày cưới. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bà Lý khẳng định, những gì bà làm cho Lân hoàn toàn bình thường: “Trái tim người mẹ nào chẳng thương con, tôi san sẻ một phần cơ thể của mình cũng là cho con cả cuộc đời”.

Bao năm không nhìn mặt nhau, bỗng dưng mẹ kế gọi tôi về đi xem mắt

Bao năm không nhìn mặt nhau, bỗng dưng mẹ kế gọi tôi về đi xem mắt

Tôi cứ tưởng mẹ kế muốn làm lành nên mới gọi tôi về đi xem mắt. Tới khi nhìn thấy đối tượng được mai mối, tôi cảm thấy cuộc đời càng bế tắc hơn.

Minh Khuê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét