Chuyến đi này được hoàn thành bởi một nữ nhà báo Mỹ. Cuộc hành trình của cô đã gây sự chú ý khắp xứ cờ hoa vào năm 1889.
Ngày 25/1/1890, Nellie Bly kết thúc chuyến đi để đời tại một nhà ga xe lửa ở New Jersey (Mỹ). Trước đó, chưa một ai, bất kể phụ nữ hay đàn ông, thực hiện hành trình tầm cỡ như Bly hướng đến.
Chào đón cô là đám đông ủng hộ, cổ vũ hành trình, trong đó có Joseph Pulitzer, người đầu tiên phản đối hành trình này của Nellie Bly. Pulitzer là chủ bút tờ báo World tại New York, nơi nữ phóng viên làm việc.
Bắt nguồn từ một chuyến đi giả tưởng
Elizabeth Cochrane Seaman (tên khai sinh Elizabeth Jane Cochran), sinh 5/5/1864, là nhà báo người Mỹ, được biết đến nhiều hơn với bút danh Nellie Bly. Cô là người mở đường cho loại hình báo chí điều tra mới. Nổi bật nhất là tuyến 10 ngày giả điên trong trại tâm thần trên đảo Blackwell, New York, Mỹ.
Cuộc điều tra đã phơi bày sự tàn ác, ngược đãi bệnh nhân tại đây. Không dừng lại ở lĩnh vực điều tra, vào năm 1889, Bly bắt đầu dự án khác thu hút sự chú ý hơn: Chuyến đi vòng quanh thế giới bằng tàu hỏa, tàu hơi nước, xe kéo, ngựa và lừa trong 72 ngày.
|
Nellie Bly sau khi trở về từ chuyến du lịch vòng quanh thế giới. |
Ý tưởng của Bly được nung nấu từ câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết phiêu lưu cổ điển của nhà văn Pháp Jules Verne "Vòng quanh thế giới trong 80 ngày" xuất bản đầu tiên năm 1873.
Theo đó, nhân vật chính Phileas Fogg ở London (Anh) và tùy tùng người Pháp Passepartout đã tận dụng mọi thành tựu công nghệ mới của thế kỷ 19 từ tàu thủy hơi nước, ôtô, cho đến tàu hỏa để đi vòng quanh thế giới… Mục tiêu của Bly là đánh bại chuyến phiêu lưu của Phileas Fogg.
Bly đến gặp Joseph Pulitzer, biên tập viên của mình, đề xuất được thực hiện chuyến đi. Trong hành trình, cô ghi chép trải nghiệm của mình cho tờ báo. Dù khẳng định bản thân có thể độc hành, cô vẫn bị sếp khước từ.
Joseph Pulitzer không tin sức khỏe của phái yếu có thể đảm bảo thực hiện thành công chuyến đi. Bly đáp trả: "Tốt lắm. Hãy cử một người đàn ông lên đường, tôi sẽ khởi hành cho một tờ báo khác cùng ngày và đánh bại anh ta". Ý chí của cô đã khiến biên tập viên phải nhún nhường.
Hành trình 72 ngày
Hành lý của Bly là chiếc túi rộng 40cm, cao 17cm. Trong đó, cô mang theo vài bộ nội y, đồ tắm, giấy bút, kem dưỡng ẩm, một chiếc váy, áo khoác tennis, bình đựng nước, ca, 2 chiếc mũ, 3 khăn trùm đầu, dép đi trong nhà, kim chỉ và khăn.
Cô bắt đầu hành trình trên Augusta Victoria, một con tàu hơi nước đi từ Hoboken, New Jersey, Mỹ đến London (Anh) vào 21h40 ngày 14/11/1889. Sau 7 ngày chịu đựng những cơn say sóng, cô đến được London. Tại đây, một chuyến tàu đưa Bly đến Paris (Pháp).
Cô dành ít ngày để ghé thăm Jules Verne ở Amiens. Đại văn hào đã chúc cô may mắn và nói: "Nếu cháu làm được điều đó trong 79 ngày, tôi sẽ hoan nghênh bằng cả 2 tay". Sau đó, Bly tiếp tục đi qua nhiều nước châu Âu, đến Ai Cập và kênh đào Suez.
|
Câu chuyện về Bly trên trang nhất tờ World. |
Suốt hành trình, Bly gửi những công văn ngắn gọn qua điện tín. Các báo cáo dài và chi tiết hơn được chuyển về rất chậm bằng tàu. Tòa soạn World sẽ xâu chuỗi câu chuyện để duy trì sự quan tâm của công chúng. Các biên tập viên bắt đầu tính từng phút, đặt cược thời gian Bly trở về nhà.
Họ cũng in lại tài liệu về cuộc hành trình của Bly từ các quốc gia cô đã đến thăm. Lòng dũng cảm và quyết tâm đã giúp cô đi vòng quanh thế giới trong 72 ngày, lập kỷ lục thế giới, vượt qua mục tiêu 75 ngày.
Sau chuyến hành trình dài xuyên Thái Bình Dương đến San Francisco (Mỹ), Bly được chào đón bằng một lễ kỷ niệm ở Mỹ. Tờ World đã thuê chuyến tàu một toa để đưa cô ấy đi khắp đất nước.
Bly chia sẻ chuyến đi là "một mê cung của những lời chúc hạnh phúc, bức điện chúc mừng, trái cây, hoa, tiếng hò reo, sự cuồng nhiệt và cái bắt tay nhanh chóng. Chiếc xe băng qua những thung lũng đầy hoa và ngọn núi phủ đầy tuyết…".
Cuộc đua không ngờ
Đến Hong Kong (Trung Quốc) vào Giáng sinh, Bly ghé văn phòng của công ty tàu thủy hơi nước Oriental và Occidental trước khi lên đường tới Nhật Bản. Ở đó, người đàn ông trò chuyện với cô nói rằng Bly sẽ thua cuộc. Bly ghi lại cuộc hội thoại:
- Thua cuộc? (Tôi không hiểu. Ý anh là gì? Tôi gặng hỏi và bắt đầu nghĩ anh ta điên).
- Cô không phải đang có một cuộc đua vòng quanh thế giới sao? (Anh ấy hỏi như thể nghĩ tôi không phải Nellie Bly).
- Đúng, khá đúng. Tôi đang chạy một cuộc đua với thời gian (tôi trả lời).
- Thời gian? Tôi không nghĩ đó là tên của cô ấy.
- Cô ấy! Cô ấy! (Tôi lặp lại và nghĩ tội nghiệp, anh ta khá mất cân bằng. Tôi tự hỏi liệu có nên nháy mắt với bác sĩ để gợi ý về việc có thể trốn thoát khỏi đây hay không).
- Đúng, người phụ nữ kia, cô ấy sẽ thắng. Cô ấy đã rời khỏi đây 3 ngày trước.
|
Bức vẽ Nellie Bly và Elizabeth Bisland vào tháng 1/1890. |
Bly hoàn toàn không biết rằng mình đang tham gia vào một cuộc thi. Cô bị sốc khi phát hiện ra Elizabeth Bisland cũng trong hành trình và đang đến Nhật Bản. Cùng ngày Bly khởi hành đến London, Elizabeth Bisland đã rời New York theo hướng ngược lại dưới sự bảo trợ của tờ Cosmopolitan.
Bisland là một biên tập viên văn học của Cosmopolitan. Khi được yêu cầu chạy đua, cô từ chối với lý do có khách đến ăn tối. Hơn nữa, cô cũng không có gì để mặc trên hành trình.
Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự là vì cô không muốn có thêm tai tiếng từ cuộc đua này. Biên tập viên cuối cùng cũng thuyết phục được cô tham gia chuyến đi. Hành trình gặp nhiều trở ngại từ Anh quay lại Mỹ đã khiến Bisland thua cuộc. Cô về sau Bly 4 ngày.
Không giống Bly, người đã nhanh chóng bắt đầu chuyến tham quan 4 thành phố, Bisland trốn tránh sự chú ý và sống một năm ở Anh. Cô chưa bao giờ công khai về chuyến đi từ ngày đầu tiên trở về.
Bly qua đời năm 1922 ở tuổi 57. Hành trình của người phụ nữ can đảm này được ghi lại trong cuốn tự truyện "Vòng quanh thế giới trong 72 ngày".
Chuyện về pho tượng bằng gỗ trầm hương dát vàng trong chùa cổ ở Thái Bình
Chùa Keo (Thái Bình) gắn liền với câu chuyện về cuộc đời Thiền sư Không Lộ thời nhà Lý và bức tượng bằng gỗ trầm hương dát vàng.
Theo Zing
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét