Có lẽ đó là câu hỏi mà chúng ta ít hỏi bản thân và hỏi nhau nhất, trong khi nó lại là câu hỏi quan trọng nhất để biết chúng ta đang đối xử với cuộc đời của chúng ta như thế nào?
Chúng ta thích quan tâm đến cách con người ta kiếm ra được nhiều tiền. Muốn được biết họ đang yêu ai và tình yêu/gia đình ấy đang như thế nào. Cần biết về sự thăng tiến của họ hoặc đơn giản hơn là có những thay đổi nào đó đặc biệt trong công việc. Và cuối cùng là họ dự định gì trong tương lai của họ?
Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phong việt. |
Mà đi hỏi tất cả những câu hỏi ấy, rốt cuộc vẫn chỉ là tìm thấy một sự so sánh ngấm ngầm từ chính bên trong mình. Nếu mình ổn hơn họ thì vui- có khi ra mặt. Nếu mình không bằng họ thì một mặt lời nói chia vui, mặt khác lại đi hành hạ nội tâm bản thân về chuyện sao ai cũng có thể giỏi giang, ngoại trừ mình!
Khái niệm sống cho người khác, không chỉ quy vào những mối quan hệ kiểu gia đình, người thân… Đặc biệt là những trường hợp cha mẹ muốn con cái thực hiện ước mơ dở dang của đời mình. “Sống cho người khác” còn là việc chúng ta luôn chọn hệ quy chiếu của người khác để đặt vào cuộc đời mình.
Bạn sẽ không bao giờ biết những thành quả mà người khác có được ngày hôm nay đã phải đánh đổi bao nhiêu tâm sức và thời gian, bao nhiêu mồ hôi lẫn nước mắt.
Trong khi bạn có một giấc ngủ ngon từ 10h tối đến tận 6h sáng. Trong khi bạn gác chân uống một ly café, một ly vang trong tiếng nhạc êm dịu của những tối nhìn ra phố đông lập lòe ánh điện. Trong khi bạn miệt mài với ánh sáng của chiếc smartphone hay màn hình ipad để xem phim hay tán ngẫu. Trong khi bạn mắng chửi cả cuộc đời này…. Thì đâu đó, có rất nhiều những con người cần mẫn, chăm chỉ và tận tụy với việc thay đổi bản thân qua từng cuốn sách, bài toán, kế hoạch và cả việc làm cách nào để sống tốt hơn.
Chúng ta sống có vui không? Nếu một lúc nào đó bạn biết đặt ra câu hỏi này, thì câu trả lời dễ dàng tìm thấy nhất, chắc là - Chúng ta không vui nhưng chúng ta an toàn!
Thật sự là phần lớn chúng ta không vui. Chúng ta học cách nép mình ở đâu đó bên cạnh cuộc đời, kiểu có những ngày yêu điên cuồng nhưng cũng có những ngày hận đến tận xương tủy. Chúng ta học cách tặc lưỡi từ bé nhưng trong thâm tâm vẫn giữ lại mọi thứ như một mũi kim đâm, không rỉ máu nhưng cứ ngấm ngầm đau.
Thế nên, đó hoàn toàn không phải là cảm giác hài lòng, cũng chẳng phải là sự lạc quan của một người trưởng thành. Gọi đúng tên bản chất của nó là sự cam chịu.
Suy cho cùng vẫn là chúng ta không đủ giỏi, không đủ mạnh mẽ, không đủ tự tin nên chúng ta cam chịu.
Có bao giờ bạn nghĩ rằng- Nếu chúng ta làm việc không vui, yêu một ai đó không vui, đi đâu đó không vui… Vậy chúng ta sống để làm gì?
Nhất là chúng ta đang cố gắng cười rất nhiều trong lúc chúng ta đang bước đi…
Chúng ta nợ bản thân một lời xin lỗi!
Cuộc đời của một con người, càng đi nhiều, càng làm nhiều thì lời xin lỗi sẽ càng được nói ra nhiều. Nhưng, có lúc nào đó chúng ta dành một lời xin lỗi cho chính bản thân mình?
Nguyễn Phong Việt
(Trích: "Chúng ta sống có vui không" - Skybooks và NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét