Từ bé, Gu Wei (Trung Quốc) đã thấy người thân dùng bạo lực để thể hiện sức mạnh nam tính. Anh kể với Sixth Tone về quá khứ vũ phu của mình và những gì vợ cũ từng phải chịu đựng.
Tôi từng là kẻ bạo hành trong gia đình mình.
Có lần ngay từ sáng sớm, tôi đánh vợ rất nặng tay. Cô ấy nằm co quắp trên giường, không cử động được. Âm thanh rên rỉ vì đau đớn phát ra từ cô ấy không giống với bất cứ thứ gì tôi từng nghe.
|
Ở xã hội nặng tính gia trưởng, nhiều phụ nữ Trung Quốc bị chồng đánh đập như thói quen hàng ngày. Ảnh minh họa: The Paper. |
Vài năm sau, khi là tình nguyện viên tại White Ribbon Volunteer, tổ chức phi chính phủ chuyên hỗ trợ ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ, tôi lại nghe thấy âm thanh đó lần nữa, từ một nạn nhân bị bạo hành khác.
Tôi biết mình sẽ không bao giờ thực sự hiểu được hết nỗi đau chính mình từng gây ra. Nhưng âm thanh ấy cứ ám ảnh tôi.
Dùng bạo lực để vợ im lặng
Tôi và Ding hẹn hò qua lời mai mối của bạn bè. Cô ấy dịu dàng, là mẫu con gái tôi muốn ở bên. Tuy nhiên, từ trước khi kết hôn, tôi đã có xu hướng kiểm soát bạn gái.
So với gia đình Ding, bố mẹ tôi không giàu có. Tôi học hành cũng không bằng cô ấy. Tâm lý tự ti nảy sinh từ đó. Ngày đi đăng ký kết hôn, tôi đã mắng Ding vì muốn mua chiếc nhẫn tương đối đắt tiền.
Sau đám cưới, tôi càng kiểm soát vợ hơn. Tôi muốn biết cô ấy đã ở đâu, khi nào về nhà. Nếu vợ không trả lời điện thoại, tôi cảm thấy không được tôn trọng.
Một lần, Ding kể chuyện anh họ của cô ấy thường đưa lương cho vợ cầm. “Còn anh thì sao?”, cô ấy hỏi tôi.
|
Gu Wei từng nhiều lần đánh đập vợ song được bỏ qua sau khi xin lỗi. Ảnh: Sixth Tone. |
Bị động chạm lòng tự ái, tôi nhất quyết giữ im lặng dù Ding tiếp tục nói. Cuối cùng, không chịu đựng được thêm, tôi đá vào người vợ. Thời điểm đó, cô ấy đang mang thai 6 tháng.
Sáng hôm sau, Ding cảnh báo rằng nếu tôi giở thói vũ phu lần nữa, cô ấy sẽ báo với hội phụ nữ của thôn. Nhưng điều đó chẳng có nghĩa lý gì đối với tôi. Tôi nghĩ thật lố bịch khi vợ tin rằng chính quyền sẽ can dự vào vấn đề gia đình.
Hai tháng sau vụ bạo hành đầu tiên, tôi tiếp tục đánh Ding lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Bất cứ khi nào có tranh cãi hay muốn vợ mình im lặng, giải pháp của tôi là sử dụng bạo lực.
Bây giờ, tôi biết rằng khao khát được kiểm soát mạnh mẽ là đặc điểm chung của những người chồng vũ phu. Tần suất những lần đánh đập vợ tăng lên theo thời gian. Mỗi lần lại kết thúc bằng lời xin lỗi, nhưng tôi không thực sự cảm thấy ân hận.
Muốn trút giận
Nhiều khi, tôi đánh vợ không bởi nguyên do gì, chỉ đơn giản tôi có ngày làm việc tồi tệ và muốn trút giận lên cô ấy. Đôi khi, tôi cảm thấy hối hận, nhưng điều đó không kéo dài lâu. Phần lớn, tôi thấy nhẹ nhõm sau khi xả cơn giận qua nắm đấm.
Bố mẹ hai bên biết về chuyện tôi bạo hành vợ. Chỉ có bố vợ thực sự nghiêm túc, nhiều lần bắt tôi hứa không được phép tái phạm, còn mẹ cô ấy gặng hỏi con gái liệu có làm gì phật ý chồng.
Trong khi đó, bố mẹ tôi chỉ coi hành vi của con trai là “thói quen xấu” và cố gắng thuyết phục Ding đừng bỏ tôi.
|
Tại Trung Quốc, nhiều phụ nữ bị bạo hành song không được bảo vệ vì cảnh sát và tòa án coi đó là "chuyện riêng trong nhà". Ảnh: ET Today. |
Người nhà tôi không nghĩ bạo lực là vấn đề lớn. Ông tôi đánh nhau trên đường phố khi còn nhỏ và truyền đi niềm tin rằng bạo lực là dấu hiệu của nam tính. Khi còn nhỏ, tôi thường nghe cha và chú nói với vẻ tự hào rằng họ đã "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với ai đó.
Họ không tôn trọng phụ nữ hay sự yếu đuối. Ông tôi vẫn hay đánh dì tôi. Trong suốt thời thơ ấu, bố không bao giờ cho phép tôi tỏ ra yếu đuối hay khóc lóc. Ông ấy thường xuyên dạy tôi bằng đòn roi hay lời nói đe dọa.
Bạo lực cứ thế được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình.
Năm 2014, cơn giận của tôi ngày càng chồng chất và mất kiểm soát. Trong một tháng, tôi có thể đánh vợ ba lần.
Đỉnh điểm là sự cố khiến gia đình Ding không thể bỏ qua. Tháng 4 năm đó, tôi và vợ đi đám cưới, có cả bố mẹ cô ấy.
Ding mắng tôi đi quá nhanh và để một mình vợ chăm sóc con trai. Chúng tôi cãi nhau, cô ấy ném bao thuốc vào người tôi. Vì có nhà vợ ở đó, tôi nén giận.
Khoảng 5h sáng hôm sau, khi Ding từ phòng vệ sinh bước ra, cô ấy va vào và khiến tôi tỉnh giấc. Cơn thịnh nộ trong tôi bùng phát. Tôi bật dậy, nắm chặt tay và đánh vào đầu cô ấy.
Trong khoảnh khắc đó, cô ấy không phải là vợ tôi, thậm chí không phải là một phụ nữ. Nắm đấm của tôi liên tục giáng xuống như một cái búa.
Mãi một lúc lâu sau, tôi mới dừng lại, còn vợ loạng choạng đi sang phòng khác.
Hôm đó, tôi đi làm như chưa có chuyện gì xảy ra. Tôi tin rằng chỉ cần xin lỗi lần nữa, cuộc sống gia đình vẫn như xưa, cho đến khi nhận được thông báo của tòa án.
Ding đâm đơn ly hôn tôi. Khi đó, tôi mới biết sợ hãi.
|
Khi bạo lực được coi là sức mạnh thể hiện sự nam tính, đàn ông, chuyện động chân động tay với phụ nữ không được nhìn nhận đúng mức về mức độ nguy hiểm, tổn thương nó gây ra. Ảnh: Stock. |
Vợ đã đúng khi rời xa tôi
Trong lúc đợi phiên tòa bắt đầu, tôi ngồi xem bộ phim tài liệu dài 8 tập nói về phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Nghe những người vợ trải lòng, tôi dần đồng cảm với mọi chuyện Ding trải qua.
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình độc ác, nhưng tôi nhận ra mình cũng giống như những người đàn ông vũ phu trong các câu chuyện trên. Tôi bắt đầu gọi đến đường dây nóng liên quan để xin giúp đỡ.
Tại mỗi buổi tư vấn, tôi cố gắng nhớ lại từng sự việc và chi tiết về cuộc hôn nhân cũng như thời thơ ấu của tôi, hy vọng tìm ra căn nguyên của bạo lực, sự thiếu tôn trọng phụ nữ. Hơn nữa, tôi phải học cách kiềm chế cơn giận bùng phát đột ngột.
Để kéo bản thân khỏi bờ vực, tôi bắt đầu lái xe 40 km mỗi cuối tuần để tham dự các sự kiện từ thiện. Tôi đổi công việc sang một vị trí có mức lương thấp hơn, nhưng không quá căng thẳng và cho phép tôi có nhiều thời gian ở bên con trai.
Tôi đã làm tổn thương Ding. Tôi không phải là người chồng tốt. Nhưng tôi muốn trở thành một người cha tốt và không muốn con trai mắc phải những sai lầm như tôi đã làm.
Năm 2019, tôi tham gia một buổi bàn luận về nam tính. Câu chuyện của tôi được kể lại và tôi hy vọng nó sẽ thuyết phục những ông chồng vũ phu khác tìm kiếm sự giúp đỡ. Đó cũng là lý do tôi trở thành tình nguyện viên chống bạo lực gia đình.
Tôi từng rất ghét mọi người nói mình yếu đuối hay không đủ nam tính. Nhưng giờ, tôi coi đó như dấu hiệu cho thấy mình đang học cách phát triển khả năng đồng cảm với người khác.
Nhìn lại, tôi cảm ơn Ding đã đưa ra quyết định đúng đắn khi rời xa tôi. Nếu cô ấy không làm vậy, những màn đánh đập có thể tàn bạo hơn và con trai tôi sẽ lớn lên trong gia đình nơi bố đánh mẹ là chuyện hàng ngày.
Tôi biết rất khó để một người đàn ông thay đổi hoàn toàn. Đôi khi, tôi tự hỏi liệu mình có làm được không, hay liệu một ngày nào đó tôi sẽ ngựa quen đường cũ. Thành thật mà nói, tôi không biết câu trả lời. Nhưng tôi muốn thử.
Theo Zing
Nữ phóng viên tố chồng ngoại tình và bạo hành gây chấn động Trung Quốc
Dư luận Trung Quốc chấn động trước sự việc nữ phóng viên Mã Kim Du tố chồng ngoại tình và bạo hành suốt thời gian chung sống.
Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét