26 tuổi, đi qua 18 quốc gia trên thế giới, từng nhận rất nhiều giải thưởng, nữ bác sĩ trẻ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh mơ ước xây dựng Cộng đồng nguồn tạng sống cho y học Việt Nam.
Bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh (SN 1995), chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu Y sinh - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch vừa được chọn là Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2020 nhờ những đóng góp tích cực cho cộng đồng như một người trẻ.
Là một cô gái năng động, ngay khi bước chân vào đại học, Nguyệt Thanh đã tham gia vào Ban chấp hành Hội sinh viên trường và là người thành lập ra Câu lạc bộ tiếng Anh của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Chính môi trường này đã cho cô nhiều cơ hội rèn luyện các kỹ năng và tham gia vào các hội nghị, diễn đàn dành cho thanh niên.
Trong một lần làm tình nguyện viên của Hội nghị Huyết học Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức tại TP.HCM, với vị trí chủ nhiệm CLB tiếng Anh, Nguyệt Thanh được phân công hỗ trợ giáo sư Dominque Bron, một giáo sư đến từ Bỉ.
Sau khi hội nghị kết thúc, giáo sư đã mời Thanh sang tham dự một khóa học ngắn hạn trong thời gian 1 tháng tại Bỉ. Để tham gia khoá học này, Thanh đã xin bảo lưu 1 năm đại học. Chuyến đi này có thể nói đã thay đổi cuộc đời cô.
Trong 1 tháng tại Bỉ, cô đã có cơ hội gặp gỡ các giáo sư đầu ngành trong các lĩnh vực, được tham gia hội nghị huyết học châu Âu tổ chức tại Hà Lan và quan trọng nhất là được trải nghiệm mổ trên robot Da Vinci.
Sau khi về Việt Nam, không bỏ phí thời gian “gap year”, cô tích cực tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên trong trường và toàn thành phố, tham gia các chương trình giao lưu quốc tế và cũng chính trong năm đó, Thanh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Sang năm thứ 2 đại học, cô đã bắt đầu thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học và mang về một số giải thưởng. Đề xuất những giải pháp về Cộng đồng nguồn tạng sống là một trong số những dự án xuất sắc của Thanh, đã nhận được bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế vào năm 2016.
“Đây là một dự án tôi học hỏi theo mô hình của bang California, Mỹ - một quốc gia gần như chiếm tới 50% ca hiến ghép tạng thành công của toàn thế giới”.
Đề tài nhằm phân tích thực trạng cũng như những khó khăn trên nhiều khía cạnh: chính sách, văn hóa, tôn giáo... mà ngành hiến ghép tạng Việt Nam đang phải đối mặt. Dự án đưa ra đề xuất xây dựng một cộng đồng cho những người đã đăng ký hiến ghép tạng có cơ hội được gặp nhau, cùng nhau sinh hoạt và quan trọng nhất sẽ là đại sứ cho các chiến dịch truyền thông của cả nước về việc hiến ghép tạng. Tất cả các hoạt động của cộng đồng này sẽ do Trung tâm điều phối hiến ghép tạng quốc gia chỉ đạo và điều hành.
Năm 2020 – khi đại dịch Covid-19 tấn công Việt Nam, Thanh đã tham gia “cuộc chiến” này với vai trò trưởng nhóm Sinh viên – Đội hình Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hỗ trợ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM vào tháng 4/2020.
Bản thân cô đã thực hiện các sản phẩm chuyên đề như: “Bài học kinh nghiệm về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại bệnh viện Bạch Mai, thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) và công ty Samsung”, Chuyên đề “Phòng trách và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ở trường học” và Chuyên đề “Chuẩn bị nơi làm việc của bạn sẵn sàng cho Covid-19”.
Các chuyên đề này đều đã được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM thẩm định và được Sở Y tế vận hành trong công tác xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá rủi ro Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Với những kỹ năng và thành tích nổi trội, Thanh được chọn tham gia nhiều chương trình giao lưu thanh niên như: Giao lưu thanh niên, sinh viên Nhật Bản - Đông Á 2019; Diễn đàn thanh niên tiên phong ASEAN - Hàn Quốc tại Busan, Hàn Quốc 2020; là trưởng nhóm tình nguyên viên lễ đón tàu Thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản tại TP.HCM năm 2018 và 2019; tình nguyện viên Mùa hè xanhtại Champasak, Lào.
Cô cũng là trưởng đoàn đại biểu Việt Nam dự chiến dịch sinh viên tình nguyện ASEAN tại Sarawak, Malaysia; đại biểu tham dự Lễ hội thanh niên quốc tế Yowunpura tại Sri Lanka…
Tính đến nay, Thanh đã đặt chân đến 18 quốc gia khác nhau, tham gia 6 chương trình giao lưu quốc tế. Mỗi chuyến đi đều mang lại cho cô những trải nghiệm và kiến thức quý báu.
Nguyệt Thanh và các em nhỏ ở Sri Lanka. |
Được tiếp xúc với nhiều bạn bè quốc tế cũng giúp Thanh mở mang tầm mắt, học hỏi được nhiều điều.
“Tôi rất thích sự tự tin trong việc bày tỏ ý kiến, quan điểm cá nhân và tranh biện của các bạn đến từ Singapore hay Phillipines. Các bạn Nhật Bản thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự chỉn chu trong công việc khi thực hiện các dự án, công việc nhóm. Tôi còn nhớ những ngày ở Tokyo, Nhật Bản, các bạn thức đến nửa đêm, ngồi lê lết ở sảnh khách sạn để hoàn thành các bài báo cáo nhóm của mình”.
Trong khi đó, Thanh cho rằng, người trẻ Việt Nam hiện nay có xu hướng chỉ tập trung vào ngành học, ngành nghề của mình nhiều hơn là quan tâm đến các vấn đề xã hội khác. “Các bạn cho rằng những vấn đề của đất nước, đặc biệt là vấn đề chính trị không liên quan trực tiếp đến cá nhân các bạn; cho rằng các bạn không có thời gian, cũng như không có sự quan tâm đến các vấn đề này” – Thanh nói.
Theo cô, một bộ phận người trẻ hiện nay thiếu khả năng tìm tòi, phân tích và xử lý vấn đề. Sự thiếu khả năng tìm tòi đó sẽ ảnh hưởng đến việc các bạn tìm kiếm những tri thức mới, đào sâu nghiên cứu về những kiến thức các bạn được học trên ghế nhà trường để tạo ra những thành tựu khoa học mới góp phần xây dựng, phát triển đất nước.
“Khi tham gia vào các diễn đàn khoa học quốc tế, các bạn gặp rất nhiều khó khăn khi phải thảo luận về những vấn đề chính trị - kinh tế - văn hóa, xã hội của quốc gia, khu vực và quốc tế. Các bạn không biết nơi để tìm hiểu các thông tin chính thống hoặc khi tìm hiểu rồi chỉ tìm hiểu mặt nổi, không đi sâu vào cốt lõi vấn đề để có quan điểm, ý kiến bảo vệ cho lợi ích quốc gia, dân tộc”.
Là một bác sĩ nhưng ngay từ nhỏ, Nguyệt Thanh đã thể hiện rõ niềm yêu thích với môn Văn và từng đỗ vào lớp chuyên Văn. Cô nói, môn Văn đã giúp nuôi dưỡng tâm hồn, giúp cô có đủ ngôn từ để bày tỏ suy nghĩ của mình và đôi lúc cũng giúp cô vui lên mỗi khi buồn.
“Môn Văn còn giúp tôi hoàn thành tốt các nghiên cứu khoa học. Khi các đề tài của tôi được viết ra bằng văn phong tốt thì khả năng thuyết phục các thầy cô cũng cao hơn”.
Có lẽ cũng chính vì niềm đam mê với văn chương nên Nguyệt Thanh cũng dễ dàng xúc động và đồng cảm hơn với số phận con người.
Cô còn nhớ một câu chuyện buồn khi đi thực tập bộ môn Sản vào năm thứ tư ở Bệnh viện Hùng Vương. Sau khi sinh con ra, vì nhiều dị tật bẩm sinh mà đứa trẻ qua đời. Nhìn người mẹ khóc rất nhiều, cô không kìm nén được cảm xúc nên đã khóc theo.
Không ít lần, cô chạnh lòng khi thấy những ca ngưng tim ngưng thở, mà hồi sức không thể qua khỏi. Nhưng chính những hình ảnh đó đã khiến Thanh quyết tâm hơn, cố gắng học tốt hơn và phải tự tập cho mình thái độ chấp nhận rằng, đôi khi người thầy thuốc không thể chiến thắng được tử thần. Điều quan trọng nhất là mình đã cố gắng nhất có thể và đã hết lòng với bệnh nhân.
Với Thanh, gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách và tri thức cho một con người. Cô cảm thấy may mắn khi từ lúc còn nhỏ, bố mẹ đã tạo cho cô môi trường phát triển nhân cách một cách tự nhiên, được học hỏi và phát huy những khả năng, năng khiếu của bản thân.
“Bố mẹ như một người đồng hành, cho tôi lời khuyên chứ không ép buộc. Họ cũng tạo không gian cho tôi được bày tỏ chính kiến riêng của mình. Chính vì vậy, tôi được theo đuổi ngành nghề mình mơ ước, phát huy toàn diện kỹ năng sống và có sự tương tác, mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh”.
Thanh chia sẻ, mẹ là người có ảnh hưởng nhất tới quyết định trong cuộc sống của cô. Trước đây, mẹ là giáo viên tiểu học tại một trường tình thương. Lúc nhỏ, Thanh thường đến trường mẹ vào những ngày nghỉ. Ở đó, cô được tiếp xúc với các bạn nhỏ là trẻ em cơ nhỡ, sống ngày đây mai đó. Cũng chính trong ngôi trường tình thương đó, Thanh học được cách yêu thương mọi người.
“Mẹ không sợ tôi hư, mà có quan điểm rằng: "Mẹ cho con trải qua hết tất cả những gì trong cuộc đời này, kể cả những gì xấu nhất. Nếu như con không bị ảnh hưởng bởi những điều đó thì con mới trưởng thành được. Vì mẹ sợ, khi lớn lên, con còn gặp nhiều thử thách trong cuộc sống khác, mà khi đó mẹ cũng không thể ở cạnh con”.
Kể cả bây giờ khi Thanh đã trưởng thành, mẹ vẫn là một người bạn của cô. Cô vẫn luôn chia sẻ với mẹ tất cả những khó khăn trong công việc, trong cuộc sống và mẹ luôn cho cô lời khuyên và hướng giải quyết.
Nói về kế hoạch tương lai, Thanh cho biết rất mong muốn được thực hiện một chiến dịch hoặc một dự án truyền thông trên quy mô toàn quốc để người dân Việt Nam hiểu rõ hơn về việc hiến, ghép mô, tạng.
Chương trình sẽ bao gồm: Ngày hội giao lưu cộng đồng nguồn tạng sống; các hội thảo dành cho cộng đồng với sự tham gia của các nhân vật công chúng; các hội thảo và tập huấn dành cho nhân viên y tế.
“Từ các hoạt động đó, chúng ta có thể nâng cao số lượng nguồn tạng hiến cũng như hiệu quả thành công của các ca hiến, ghép tạng tại Việt Nam”.
Hiện tại, Thanh và các đồng nghiệp tại đơn vị Tế bào – Mô của Trung tâm Nghiên cứu Y sinh, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng đang thực hiện các đề tài nghiên cứu nhằm tầm soát ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm cho phụ nữ tại TP.HCM dưới góc nhìn chuyên sâu.
Trong các năm sắp tới, điều Thanh mong muốn nhất là trở thành một nghiên cứu sinh về lĩnh vực tế bào gốc, trong chuyên ngành Huyết học – Truyền máu tại một quốc gia hàng đầu, tập trung giải quyết các bệnh lý cho bệnh nhi mắc các bệnh ác tính về máu.
Nguyễn Thảo
Thiết kế: Hồng Anh
Những ‘thiên thần’ đường phố mặc áo xe ôm công nghệ
Mỗi tháng vài lần, sau khi cởi bộ đồ đồng phục của một hãng xe ôm công nghệ, anh lại trở thành “giáo viên” cho các đồng nghiệp ở lớp học sơ cứu người bị nạn.
Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét