Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

'Còn 1 lá phổi, đi viện như đi chợ lại mắc Covid-19, tôi tưởng không qua khỏi'

Anh Hùng phải cắt bỏ một lá phổi năm 2009, suýt mất mạng vì tràn khí màng phổi năm 2016. Đúng ngày sinh nhật mình năm 2021, anh nhận thêm thử thách mang tên Covid-19.

{keywords}
Anh Hùng đã thực hiện lời hứa mua tặng con truyện tranh Doraemon sau khi chiến thắng Covid-19.

Nhiều lần vượt qua cửa tử

Tối ngày 25/7, tình hình tại Bệnh viện Phổi Hà Nội căng như dây đàn khi tại đây phát hiện 14 ca dương tính với Covid-19. Đêm hôm đó, đang nằm ở phòng bệnh, anh Nguyễn Thế Hùng (47 tuổi, quận Long Biên) được y tá gọi dậy đưa cho một bộ đồ bảo hộ để mặc vào.

Anh lặng lẽ dọn dẹp đồ đạc, chào các bệnh nhân cùng phòng rồi chuyển xuống tầng dưới. Dù y tá không nói gì nhưng trong đầu anh biết chắc “mình dính rồi”.

Sáng 26/7, đúng ngày sinh nhật, anh Hùng nhận được một “món quà” bất đắc dĩ. Đó là thông báo khẳng định anh dương tính với vi rút Sars-CoV-2 của CDC Hà Nội.

Vì đã bị cắt toàn bộ phổi bên trái, lá phổi phải còn lại khá yếu nên anh Hùng luôn nghĩ, nếu mình mắc Covid-19 thì 99,9% là không qua khỏi.

Anh Hùng bị bệnh lao từ ngày còn học đại học. Năm 1998, anh chữa khỏi căn bệnh này nhưng lại gặp phải biến chứng xẹp phổi. Đến năm 2009, anh Hùng buộc phải cắt bỏ toàn bộ phổi bên trái. Mẹ và em gái từng khóc hết nước mắt vì lo lắng cho sức khỏe của anh. Anh Hùng năm ấy 35 tuổi, còn chưa lập gia đình.

Cuộc sống với một lá phổi gặp phải không ít khó khăn. Anh từng bị tràn khí màng phổi năm 2016, suýt mất mạng phải cấp cứu khẩn cấp. Lần ấy, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai phải thực hiện thủ thuật gây dính màng phổi mới bảo toàn được tính mạng cho anh.

Vì lá phổi còn lại khá yếu nên người đàn ông này thường xuyên bị viêm phổi, viêm phế quản, ho, khó thở. Mỗi năm anh phải nằm viện tới 3-4 lần nếu bệnh diễn tiến nặng. Thường ngày, chỉ cần thấy ho, mệt mỏi, ớn lạnh là anh lại tìm gặp bác sĩ ngay.

Ngày 15/7, anh Hùng cảm thấy khó chịu trong người nên tới Bệnh viện Phổi Hà Nội thăm khám. Vì phát hiện anh bị viêm phổi nên các bác sĩ đã giữ anh lại điều trị. 10 ngày sau, điều mà anh lo lắng bấy lâu đã xảy ra.

Cầm tờ kết quả dương tính với Sars-CoV-2 trên tay, bằng bản lĩnh của người từng “đi viện như đi chợ”, anh Hùng tự trấn an: “Giờ có lo lắng cũng không thay đổi được gì, cố gắng lạc quan chiến đấu thì may ra sống. Mà mình phải sống để còn thực hiện lời hứa là mua mấy tập còn thiếu của bộ truyện Doraemon cho con. Mình tin là mình sẽ làm được vì bản thân đã từng vượt qua cửa tử vài ba lần rồi”.

Chiều cùng ngày, anh Hùng được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Đi cùng xe anh hôm ấy còn có 5 bệnh nhân chủ yếu là người già, người có bệnh nền. “Nhìn thành phần trên xe, tôi biết mình được liệt vào nhóm nguy cơ cao, cần được quan tâm chăm sóc đặc biệt. Trước đó, Bộ Y tế cũng từng cảnh báo, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một trong 20 bệnh nền có nguy cơ biến chứng nặng khi bị Sars-Cov-2 tấn công. Hành trình chiến đấu với Covid-19 của tôi bắt đầu từ đây”, anh Hùng chia sẻ.

Ngày hôm sau, anh Hùng sốt cao. Theo chỉ định của bác sĩ, anh bắt đầu uống các loại thuốc hạ sốt, thuốc ho, long đờm và oresol để bù nước.

Do đang điều trị bệnh nền viêm phổi, anh được truyền thêm kháng sinh. Những triệu chứng của Covid-19 ngày càng rõ rệt như mệt mỏi, đau họng, miệng đắng ngắt. Tuy vậy, anh không dám bỏ bất kỳ bữa cơm nào vì anh hiểu rằng, vũ khí lớn nhất trong trận chiến này là sức đề kháng của chính mình.

Ngày thứ ba cả phòng anh Hùng gần như nằm bẹp vì ai cũng bị sốt cao. Một số thấy đắng miệng và khó nuốt đã xin đổi sang ăn cháo cả ngày. Riêng anh vẫn nhất quyết ăn cơm, uống thêm sữa, bổ sung hoa quả để đảm bảo nguồn năng lượng tốt nhất. Đêm hôm ấy, hết sốt cao, anh lại rét run. Người mệt rã rời nhưng anh vẫn cố gượng dậy mặc thêm quần áo, đi đôi tất rồi cố gắng nằm ngủ.

Sang ngày thứ tư, anh Hùng nhận thấy mình bắt đầu mất khứu giác.  Anh lấy nước rửa tay sát khuẩn ra kiểm tra thì quả nhiên mũi không ngửi thấy mùi cồn. Lúc này, người đàn ông 47 tuổi lo lắng vi rút sẽ tấn công sâu hơn vào các cơ quan hô hấp.

Luôn thực hiện đúng phương châm ban đầu

Lần lượt những ngày tiếp theo, anh Hùng chứng kiến các bệnh nhân cao tuổi trong phòng trở nặng. Bệnh nhân lớn tuổi nhất sốt cao, phải thở oxy, không tự ăn uống được, sau đó phải chuyển xuống phòng cấp cứu.

Ngày hôm sau, cụ ông có bệnh nền huyết áp cao bị ngã quỵ trong nhà vệ sinh, đến tối cũng được chuyển qua phòng cấp cứu. Mấy ngày sau, bác sĩ thông báo cụ ông không qua khỏi vì đột quỵ khi huyết áp lên quá cao.

Hay tin, cả đêm anh nằm trằn trọc không ngủ được. Những bệnh nhân có bệnh nền đều đã phải thở oxy hoặc chuyển sang phòng điều trị nặng hơn. Anh Hùng có đôi chút thấp thỏm, không biết khi nào tới lượt mình “chuyển khẩu”.

Khoảng thời gian đầu họ hàng liên tục nhắn tin gọi điện hỏi han. Có người vừa nói chuyện vừa khóc vì quá thương anh bởi Covid-19 sao lại hành hạ đúng người chỉ còn một lá phổi như anh. Tuy nhiên, anh luôn lên dây cót tinh thần, thực hiện đúng phương châm đề ra từ đầu đó là phải lạc quan, học cách vui vẻ thay vì buồn bã lo âu.

So với nhiều bệnh nhân Covid-19, anh Hùng bị sốt khá lâu. Đến ngày thứ 9, anh mới chính thức hết sốt nhưng vẫn cảm thấy ho và đau đầu. Ngày thứ 10, cầm kết quả chụp CT trên tay, anh Hùng không tin vào tai mình khi bác sĩ thông báo phổi không bị tổn thương. “Không hiểu vì lý do gì mà virus không tấn công lá phổi tàn tạ của tôi. Thực sự là may mắn”, anh Hùng chia sẻ.

Những ngày tiếp theo, anh Hùng duy trì thói quen đi ngủ sớm và cố gắng tập thở bụng theo hướng dẫn của bác sĩ. Anh thường đi bộ dọc hành lang ít nhất hai lần/ngày. Mỗi ngày, anh cảm nhận chiến thắng đến một gần hơn.

Trải qua ngày 28 ngày, anh Hùng vui mừng cầm trên tay kết quả âm tính lần 3. Nhìn lại hành trình gần 1 tháng chống chọi với Covid-19, anh tự đúc kết: “Tôi có gần như đầy đủ các triệu chứng đặc trưng của bệnh, trừ triệu chứng nặng khó thở. Bác sĩ cũng biết tôi còn một lá phổi nên luôn dặn dò động viên phải lạc quan, tuân thủ phác đồ điều trị, ăn uống đầy đủ để không phải đối diện với tình huống xấu. Người như tôi có thể vượt qua kiếp nạn này thì tôi tin những người khác hoàn toàn có thể chiến thắng Covid-19 nếu không may mắc bệnh”.

Hồng Hạnh

(Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sản phụ F0 sinh non trong viện: Chỉ thoáng thấy con rồi lịm đi

Sản phụ F0 sinh non trong viện: Chỉ thoáng thấy con rồi lịm đi

Sau một đêm chịu đựng những cơn đau dồn dập, chị Thắm cũng được nghe thấy tiếng khóc của con. Chị chỉ kịp lờ mờ thấy bóng bác sĩ bế em bé sang phòng khác rồi lịm đi.


Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét