Không có tiền, không có cơ hội tiếp cận thông tin, nữ bệnh nhân 56 tuổi đã phải ngủ ngoài ghế đá suốt 2 đêm. Khi thấy có xe đến đón về quê, cô mừng phát khóc.
Những chuyến xe đêm
19h ngày 16/9, sau bữa cơm tối, chị Nguyễn Diệu Linh (34 tuổi, ở Hà Nội) nhận được tin có một bệnh nhân ung thư (56 tuổi, quê Bắc Kạn) đang cần giúp đỡ. Khi đến nơi, chị Linh thấy một phụ nữ dáng vẻ khắc khổ ngồi đợi mình ở gốc cây.
“Khi tôi mở cửa, cô ấy rụt rè bước lên xe, giọng nói như sắp khóc. Đi được một đoạn, cô nói đã ngủ ở ghế đá 2 đêm. Trong túi cô còn 200.000 đồng nhưng giá thuê nhà nghỉ là 350.000 đồng/đêm nên cô đành lang thang trong viện. Không có tiền, không có cơ hội tiếp cận thông tin, cô đã sống như một cái bóng lặng lẽ suốt hơn 2 ngày”, chị Linh kể lại.
Hai nữ bệnh nhân người Bắc Kạn được chị Linh chở về nhà hôm 16/9. |
Trên xe về Bắc Kạn hôm ấy còn có một bệnh nhân của Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Chị này vừa truyền hóa chất và cũng muốn được về nhà ngay trong đêm.
Dọc đường đi, con trai của bệnh nhân 56 tuổi nghe mẹ kể được người tốt chở về miễn phí đã tỏ ý nghi ngại: “Mẹ đừng tin, họ lừa mẹ đấy”. Về tới nhà, người phụ nữ liền nói với con trai: “Họ lừa mà mẹ về được đến đây à, không có họ đêm nay mẹ đã ngủ ngoài đường rồi”.
Tối hôm ấy, khi nhận được tin, chị Linh định sáng hôm sau mới đi vì đường lên Bắc Kạn khá vòng vèo. Trời tối, chị càng khó quan sát. Nhưng nghĩ đến cảnh người bệnh vạ vật trong đêm, chị không thể an lòng nên quyết định đưa họ về luôn. “Khó một chút cho mình nhưng dễ cho người bệnh thì cố gắng cũng đáng”, chị Linh tâm sự.
Chị Linh là thành viên của nhóm Những chuyến xe yêu thương. Nhóm tập hợp hàng trăm thành viên ở nhiều hoàn cảnh, lứa tuổi, công việc khác nhau. Tuy nhiên, họ đều có chung nguyện vọng là giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn (đa số là các bệnh nhân ung thư) không thể về quê hoặc quá lịch hẹn điều trị tại các bệnh viện ở Hà Nội.
Chị Linh đã chạy gần 50 chuyến xe về các tỉnh xa trong mùa dịch. |
Nhóm của chị Linh kết nối với một số bệnh viện, chủ yếu là Bệnh viện Tim Hà Nội và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để tiếp cận các bệnh nhân cần được hỗ trợ.
Cách đây ít lâu, Diệu Linh nhận chở hai mẹ con bé A.N (ở Kim Sơn, Ninh Bình). Bé A. N năm nay 3 tuổi, bị viêm não. Hơn 1 năm qua, hai mẹ con A. N phải lên Hà Nội liên tục để điều trị.
Những ngày đầu tháng 9, khi bác sĩ báo tin con gái được ra viện, người mẹ mất ngủ mấy đêm liền vì không biết lấy tiền đâu để về quê. Hỏi xe dịch vụ, nghe báo giá 2,8 triệu đồng, chị chết lặng.
Qua một người quen, người mẹ biết đến nhóm Những chuyến xe yêu thương nên đã lập Facebook để đăng thông tin xin hỗ trợ. “Lúc tôi nhận chở, chị ấy vẫn chưa tin mình có thể về nhà mà không mất một đồng nào”, chị Linh chia sẻ.
Chị Linh cùng đội nhóm của mình trên một chuyến xe về Hà Tĩnh. |
Một chuyến đi đáng nhớ khác chị Linh không thể nào quên đó là chuyến chở bệnh nhân về Cao Bằng hồi đầu tháng 9. Đầu giờ chiều, mẹ của bệnh nhân gọi điện thông báo con vừa truyền hóa chất xong nên đã làm thủ tục ra viện.
Biết rằng nếu ở lại, bệnh nhân sẽ không có chỗ ngủ nên chị Linh đã đồng ý chở họ về. Chặng đường từ Hà Nội lên Cao Bằng khoảng 300km nhưng có tới 3/4 là đường đồi núi. Chị Linh đưa bệnh nhân về tới nơi cũng gần 5h chiều. Sau khi bàn giao xong bệnh nhân về khu cách ly, chị lại đón thêm hai người bệnh lớn tuổi cùng mình ngược về Hà Nội.
Khi vừa rời thành phố Cao Bằng thì trời sập tối. Đi được một đoạn trời lại đổ mưa tầm tã. Lái xe trên cung đường một bên là núi một bên là vực, trong lòng chị không khỏi hoang mang.
Lúc ấy, chị cũng không thể dừng xe vì dừng giữa đường sẽ rất nguy hiểm, dễ bị xe khác đâm phải. Chị bèn hít thở sâu, lấy lại tinh thần, đồng thời trong đầu niệm Phật để tâm thêm vững vàng.
Con đường phía trước của các bệnh nhân còn rất dài và gian nan. |
Tuy nhiên, khó khăn của chuyến đi chưa dừng lại ở đó. Khi về tới thành phố Bắc Kạn, do trời tối nên chị bị lạc đường. May mắn lúc này kết nối mạng đã ổn định nên chị Linh bèn gửi định vị về cho các thành viên khác để được hỗ trợ. Cuối cùng, đến 12h đêm, chị cũng đưa được hai bệnh nhân tới Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương an toàn.
“Món quà” cho những phận đời vất vả
Nhận chở xe tình nguyện mùa dịch, cuộc sống của chị Linh bị đảo lộn không ít. Chị luôn tính toán khởi hành trong giờ hành chính để quay về nhà trước khi trời tối. Song giờ giấc hoàn toàn phụ thuộc vào bệnh nhân nên nhiều hôm, chị về nhà lúc 2-3h sáng, khi đó chồng con đã ngủ say.
Có hôm chị Linh đón tới 3-4 bệnh nhân. Những chuyến đi xa đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng, Hà Giang… chị thường rủ thêm các thành viên khác đi cùng để đổi lái. Nhưng đôi lúc họ có việc đột xuất thì chị lại đi một mình.
Vì quê ở Thanh Hoá nên chị Linh đảm nhận khá nhiều chuyến xe chở các bệnh nhân về Ninh Bình - Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh. Chị đi lại thường xuyên tới mức một số cán bộ trực chốt ở chặng này đã quen mặt. Khi chị trình các loại giấy tờ liên quan, họ nhanh chóng nhận ra và bảo: “Ô lại là chị Linh à?”.
Chị Linh làm ngành du lịch, công việc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên chị dành thời gian tham gia các chuyến xe thiện nguyện. |
Trên hành trình đưa các bệnh nhân về quê, chị Linh thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của lực lượng trực chốt. Họ giúp kết nối đưa bệnh nhân ra chốt hoặc hỗ trợ giải quyết các vướng mắc về giấy tờ, dặn dò đi đường cẩn thận. “Những lời quan tâm vội vã nhưng cũng khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng, cảm nhận như lòng tốt đang được lan tỏa vậy”, chị Linh xúc động nói.
Với chị Linh và các thành viên trong nhóm, mỗi chuyến đi là một câu chuyện với đủ mọi cung bậc cảm xúc. Có những hành trình dài liên tục 6-7 tiếng đồng hồ ngồi trên xe, nhiều tài xế gần như không ăn uống, không đi vệ sinh, cũng không dám dừng đỗ bất kì điểm nào. Nhiều người da phỏng rộp vì cháy nắng…
“Khi lên xe, có bệnh nhân nôn ói, có bệnh nhân là trẻ nhỏ lại khóc suốt chặng đường. Không ít bệnh nhân không chịu được điều hoà nên đề nghị mở cửa sổ nên xe rất ồn và bụi, thêm cả chuyện lạc đường hàng tiếng đồng hồ, chuyện trục trặc do sự thay đổi liên tục của các loại giấy tờ…
Khó khăn thì không ít. Song để có một hành trình an toàn, mọi người luôn cố gắng duy trì nguồn năng lượng vững vàng để giữ vững tay lái”, chị Linh cho hay.
Để bệnh nhân và người thân không ngại ngùng hay cảm thấy bản thân đang mang tâm thế của một “người đi nhờ”, chị Linh luôn quan tâm các “vị khách đặc biệt” từ những điều nhỏ nhất. Chị hỏi han động viên rồi giúp mở cửa lên xuống, chỉnh ghế ngồi sao cho thoải mái, chỉnh điều hòa vừa mát…
Người phụ nữ này chia sẻ: “Tôi muốn tặng những phận đời vất vả ấy món quà là một chuyến đi đặc biệt. Sau này, họ sẽ nhớ mãi về chuyến xe này. Ở đó, họ được trải nghiệm một hành trình ấm áp, yêu thương, được phục vụ một cách trân trọng”.
Kết thúc mỗi chuyến đi, chị Linh biết rằng hành trình của mình đã khép lại tốt đẹp. Nhưng với các bệnh nhân, con đường phía trước còn rất dài và gian nan.
Chị Linh tự nhủ những mệt nhọc mà bản thân đang trải qua so với vất vả của bệnh nhân là quá nhỏ bé. Thế nên, chị càng cảm thấy vững vàng hơn, nghị lực hơn trên hành trình lan tỏa yêu thương.
Chị Linh cho biết, trước mỗi chuyến đi, chị Linh và các thành viên luôn chuẩn bị kỹ lưỡng các loại giấy tờ theo quy định. Cứ 3 ngày một lần, chị làm xét nghiệm PCR để kiểm tra Covid-19. Trên hành trình, chị không dừng đỗ dọc đường và không tiếp xúc với bất kỳ ai khác. Tại mỗi chốt đầu tỉnh, chị Linh cũng phải ký cam kết xác nhận điều này. Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phòng Công tác xã hội, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: “Phải rất đồng cảm và chia sẻ với các bệnh nhân, chị Diệu Linh cùng nhóm Những chuyến xe yêu thương mới có thể hỗ trợ các bệnh nhân trong một thời gian dài như vậy. Chị Linh cùng nhóm của mình đã bỏ thời gian, tiền bạc ra đưa đón bệnh nhân miễn phí. Nhiều bệnh nhân sau khi trở về đều gọi điện cho chúng tôi tâm sự rằng họ rất cảm động và hạnh phúc”. |
Hồng Hạnh
Phía sau quyết định chuyển nhà trong đêm của hai cô gái trẻ
"Di chuyển ngay trong đêm, dưới cơn mưa tầm tã và nỗi lo qua chốt có lẽ là cảm giác mà chúng tôi không thể nào quên được”, Trang kể.
Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét