10 năm sống ở Ý giúp anh Minh có những trải nghiệm và cảm nhận sâu sắc về đất nước và con người nơi đây.
Chính thức làm việc ở Ý từ tháng 3/2011, sau 10 năm định cư, anh Hồ Tuấn Minh đã có công việc và cuộc sống ổn định ở thành phố Milan.
Trước khi sang Ý, anh Minh từng là giáo viên trường dạy nghề nhà hàng - khách sạn. Anh cũng từng đạt được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, cũng như nhiều kinh nghiệm làm việc trong ngành.
Năm 2009, anh giành được học bổng toàn phần ngành Quản trị nhà hàng, khách sạn ở Luxembourg. Thế nhưng, khi chân ướt chân ráo sang Ý, vì không biết tiếng, gần như anh phải bắt đầu lại từ đầu. Những “quả ngọt” ngày hôm nay anh nhận được cũng là nhờ những nỗ lực không ngừng suốt những năm đầu tiên ở đất nước châu Âu này.
Anh Minh (bên trái) và cha nuôi người Ý (đứng cạnh) tại một sự kiện được Lãnh sự quán Ý tổ chức tại Việt Nam. |
Phân biệt chủng tộc
Trong 1,5 năm đầu tiên, anh vừa học tiếng Ý vừa đi làm phục vụ theo giờ cho các sự kiện có tổ chức tiệc ăn uống. Sau khi đã có vốn tiếng Ý cơ bản, anh nhận công việc chính thức đầu tiên là làm ở hầm rượu vang cho một nhà hàng 2 sao.
Nhiệm vụ của anh lúc này là quản lý, ghi nhớ, dọn dẹp, lau chùi từng chai rượu trong hầm. “Mỗi hầm rượu ở nhà hàng Ý có từ 5.000 tới 10.000 chai rượu. Menu rượu vang ở các nhà hàng thường dày như một cuốn từ điển. Nhiệm vụ của tôi là phải phân loại, ghi nhớ từng loại để khi có khách gọi là phải biết chính xác chai rượu đó nằm ở đâu, còn bao nhiêu chai, vị của nó như thế nào”.
Ngoài nhiệm vụ này, anh còn phải dọn dẹp, lau chùi từng chai rượu. Đó cũng là công việc mà anh rất thích, bởi vì nó giúp anh ghi nhớ tốt hơn. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, anh nhận thấy “dường như mình đang bị ăn hiếp và có sự phân biệt chủng tộc ở đây”.
“Có những khu vực không thuộc trách nhiệm của mình nhưng mình vẫn bị yêu cầu dọn dẹp, lau chùi. Mình vẫn vui vẻ làm nhưng mình biết đó không phải là trách nhiệm của mình, giống như mình đang bị ăn hiếp”.
“Khi là người châu Á, lại nói tiếng Ý chưa giỏi, tôi nhận thấy bất lợi của mình ở đây, không chỉ từ đồng nghiệp, mà kể cả là các khách hàng”.
“Người Ý nhìn thấy mình thì hay nghĩ mình là người Trung Quốc. Họ hay chào hoặc cảm ơn bằng tiếng Trung nhưng theo cách không thân thiện. Nhưng khi tôi nói tôi là người Việt Nam thì họ thay đổi thái độ ngay. Người Ý rất quý người Việt vì truyền hình Ý hay phát các chương trình về Việt Nam. Du lịch Việt Nam cũng đang lên ngôi ở Ý, nên họ biết tới Hạ Long, Phú Quốc và thích đất nước mình”.
Tuy vậy, anh Minh cho biết, nhìn chung người Ý rất tử tế và lịch sự. Những tình huống phân biệt chủng tộc mà anh trải qua cũng chỉ là số ít.
Một góc nhà hàng nơi anh Minh đang làm việc |
Giáo dục coi trọng dạy nghề, hiểu biết lịch sử, văn hoá
Khi mới sang, một trong những điều khiến anh Minh “hoảng hốt” đó là người Ý hiểu biết về lịch sử, văn hoá rất sâu.
“Khi nhìn vào một công trình, họ biết đó là kiến trúc gì, trường phái gì. Người Ý thích tham quan bảo tàng, các di tích lịch sử để hiểu về một nền văn hoá. Còn mình, khi đi bảo tàng, như 'vịt nghe sấm’. Lúc đó, mình tự hỏi ‘ủa, mình cũng học lịch sử bao nhiêu năm mà sao mình không được học những cái này, hay có học mà quên hết sạch’. Có những thứ mình nghe như nghe lần đầu”.
Sống chung nhà với cha nuôi từ khi sang Ý đến nay, anh Minh cũng thấy trong nhà có rất nhiều sách về âm nhạc, kiến trúc, lịch sử, “lĩnh vực gì ba cũng nói vanh vách”.
Hệ thống giáo dục của Ý cũng rất khác biệt so với Việt Nam, theo quan sát của anh. “Ngay từ khi học hết cấp 2, học sinh đã được định hướng nghề nghiệp rất nghiêm túc. Hệ thống giáo dục của họ rất tập trung vào đào tạo nghề. Học sinh học xong phổ thông là đã có đủ kiến thức để đi làm ngay. Nếu ai muốn nghiên cứu chuyên sâu lĩnh vực gì thì học tiếp đại học”.
Có một đặc điểm trong các gia đình ở Ý mà anh nhận thấy khá tương đồng với Việt Nam, đó là văn hoá cha mẹ thích bao bọc và sống chung với con cái.
Nếu như ở nhiều nước phương Tây, giáo dục gia đình thường đề cao tính tự lập và sự độc lập của mỗi cá nhân thì ở Ý, sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình vẫn được đề cao. Các bà mẹ vẫn thích chăm bẵm từng chút một cho con cái, mặc dù các con đã trưởng thành.
Những dịp lễ như Giáng sinh, Phục sinh, người Ý thường tụ họp để ăn uống, sau đó đi thăm họ hàng, bạn bè, y như người Việt đi chúc Tết.
Gia đình anh Minh đi thăm thành phố Venice. |
Theo anh Minh, kiếm việc làm ở Ý khá khó nhưng nếu đã có việc thì “không lo đói ăn hay thiếu thốn”. “Bởi vì sinh hoạt phí, ăn uống ở Ý rất rẻ so với mức thu nhập. Chính phủ cũng có phúc lợi xã hội tốt”.
Ở Ý, có nhiều người nhập cư bất hợp pháp nhưng vẫn được các tổ chức thiện nguyện tiếp nhận. "Hầu hết các tổ chức này là các nhà thờ lớn trong thành phố. Họ tiếp đón người vô gia cư, người nghèo, không giấy tờ, cho ăn uống, tắm rửa, giặt là quần áo. Những người này vẫn có thể đi lao động để kiếm tiền. Và cứ 10 năm 1 lần, chính phủ sẽ tổ chức xem xét ân sá, để hợp thức hoá giấy tờ cho họ".
Hiện tại, cuộc sống của anh Minh và gia đình ở Milan khá thoải mái và ổn định. Anh đang là phó giám đốc kiêm trưởng quầy rượu vang của một nhà hàng ở thành phố này. Ngoài công việc toàn thời gian, anh Minh cũng tham gia hỗ trợ cộng đồng người Việt mới sang Ý học và thi bằng lái xe.
“Thi bằng lái xe ở Ý cực kỳ khó, bởi vì họ có tới hơn 7.000 câu hỏi, hơn 500 bộ đề thi. Các bà nội trợ Việt sống ở đây mà không có bằng lái xe thì rất bất tiện trong việc đưa đón con cái và đi chợ”.
Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, anh Minh bày tỏ mong muốn một ngày nào đó được hợp tác với các đơn vị ở Việt Nam để dạy nghề, đưa văn hoá rượu vang về nước.
Gia đình anh Minh và cha nuôi đón Tết Việt Nam. |
Hồ Tuấn Minh sinh năm 1986 ở Quy Nhơn. Hiện anh định cư tại Ý cùng gia đình. Một số giải thưởng danh giá trong lĩnh vực khách sạn - nhà hàng anh từng giành được: - Giải Nhất cuộc thi tay nghề trẻ TP Hồ Chí Minh năm 2006 - Giải Ba hội thi tay nghề quốc gia năm 2006 - Giải Tay nghề trẻ xuất sắc Khu vực châu Á Asia Skills Competition tại Brunei Darusalem năm 2006 - Giải Nhất Best Sommelier In Viet Nam 2009 - Giải Nhất cuộc thi Georges Baptiste cup 2009 cấp quốc gia (Giải thưởng danh giá về tay nghề nhà hàng) tại Huế, Việt Nam - Huy chương Bạc cuộc thi Georges Baptiste cup 2009 cấp quốc tế, nhận thưởng học bổng toàn phần chuyên tu tại Luxembourg và Nhận chứng chỉ loại Giỏi |
Nguyễn Thảo
8X Việt: 'Ở Ý 10 năm, tôi không thể dùng hàng nhái được nữa'
Bước ra đường, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những cụ già 80-90 tuổi mặc đồ hiệu từ đầu đến chân, thậm chí đến cả chiếc gậy chống cũng là hàng hiệu.
Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét