Trước giao thừa chừng 10 phút bao giờ bố mẹ tôi cũng đánh thức cả lũ dậy. Mặc dù đang ngủ dở bị đánh thức nhưng chẳng đứa nào ỉ ôi.
Triết gia người Hy Lạp Heraclitus nói: "Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Thuở còn trẻ trâu, nghe câu này, tôi bác ngay. Vẫn bờ tre, con đò, bến sông đó tại sao lại không tắm được hai lần? Cả trăm lần cũng được, có sao đâu? Sau này lớn lên tôi mới hiểu phần nào ý nghĩa sâu xa của câu nói đó.
Cái mà ta chứng kiến luôn gắn với một thời gian nhất định. Dòng sông mà ta cùng lũ bạn chăn trâu, cắt cỏ đã tắm táp vui đùa ngày hôm qua tưởng vẫn chẳng gì đổi khác so với ngày hôm nay. Nhưng xét về thời khắc đã có sự thay đổi.
Ngày hôm qua đã là quá khứ của ngày hôm nay. Và chẳng có phép màu nào làm ta lội ngược về với quá khứ. Bản thân cuộc sống cũng giống như một dòng chảy. Cứ cuồn cuộn và liên tục đến chóng mặt. Nó khiến ta nhiều khi không cảm nhận được những thời khắc của sự xê dịch và chuyển giao trong từng con người bé nhỏ cũng như trong cả vũ trụ rộng lớn bao la. Nhưng thời khắc chuyển giao của năm - từ năm cũ sang năm mới - đặc biệt từ năm cũ sang năm mới âm lịch, thời khắc mà ta thường gọi là giao thừa, luôn là thời khắc thiêng liêng và gợi nhớ đối với mỗi người dân Việt, nhất là dân Việt tha hương, xa xứ.
Hồi còn bé, dù mấy anh em tôi có ngoéo tay nhau hứa cùng thức để chờ giao thừa thì chưa đến 10h tối đứa nào đứa nấy, mỗi đứa một góc giường, ôm chăn ngủ quay lăn lóc.
Trước giao thừa chừng 10 phút bao giờ bố mẹ tôi cũng đánh thức cả lũ dậy. Mặc dù đang ngủ dở bị đánh thức nhưng chẳng đứa nào ỉ ôi. Nghe nói đến giờ giao thừa mắt đứa nào cũng tỉnh như sáo. Nhìn lên bàn thờ đã thấy mâm cơm nghi ngút khói hương. Nhìn bố mẹ đã thấy bố nghiêm chỉnh trong bộ com lê màu gụ, mẹ trịnh trọng trong chiếc áo dài màu tím. Mặt ai cũng tươi. Mất hẳn đi gương mặt nhọc nhằn ngày thường.
Chúng tôi tíu tít thay quần áo mới rồi ùa chạy ra đường. Dưới một gốc cây bàng đã thấy một mâm với đầy đủ gà xôi chờ thắp hương. Gốc cây bên kia là một bánh pháo đã được treo sẵn. Nhìn sang các nhà bên cạnh cũng thế.
Dưới màu đỏ cờ Tổ Quốc là màu hồng điều của những băng pháo tuy dài ngắn, to nhỏ khác nhau. Đúng giờ giao thừa, bố tôi thắp ba nén hương thì thầm khấn khứa rồi quay sang châm lửa ngòi pháo.
Chưa nghe tiếng nổ, anh em tôi đã chạy dạt nép vào một góc tường, lấy tay bịt chặt hai tai. Trong chớp pháo và qua màn khói xanh lam của pháo nhà mình, tôi cũng kịp nhìn thấy những băng pháo nhà hàng xóm thi nhau nhoang nhoáng nổ. Cả phố phường phút chốc phủ ngập trong khói pháo, trong âm thanh náo nức, trong hương pháo cay nồng.
Tiếng pháo cuối cùng của mỗi nhà vừa dứt là bọn trẻ xô nhau vào giành nhặt những quả pháo chưa kịp nổ. Chí chóe một hồi đủ để cho người lớn kịp bắt tay chúc mừng nhau.
Khi phố phường đâu đó vẫn còn lác đác những tiếng pháo lẻ, khói pháo và sương đêm hòa lẫn lãng đãng giăng giăng bên những hàng bàng trơ trụi lá là lúc bố mẹ í ới gọi con cái về nhà. Chờ đứa em cuối cùng bước vào, mẹ tôi khẽ khàng cài then cửa.
Dưới ánh sáng vàng hắt xuống từ ngọn đèn trần, căn phòng như ấm hẳn lên nhờ mùi thơm ngan ngát của hương trầm tỏa ra từ bàn thờ và mùi thơm nồng của khói pháo phảng phất trong không gian. Đây chính thời khắc mong đợi, háo hức nhất của lũ trẻ chúng tôi.
Theo thông lệ giờ này là lúc bố mẹ tôi mừng tuổi cho mấy anh em. Nhưng để khuyến khích con cái trong chuyện học hành mẹ tôi mừng tuổi dựa trên kết quả học tập. Không phải ai cũng giống ai vì thế mới hồi hộp.
Bố tôi mỉm cười thật hiền từ khi nhìn thấy những bộ mặt căng thẳng của bầy con. Ông vốn là người thoải mái và hào phóng. Thâm tâm ông không muốn khắt khe với con cái nhất là vào dịp này. Nhưng chuyện chi tiêu trong gia đình và chuyện bảo ban con cái học hành ông đã giao cả cho mẹ tôi nên ông chỉ biết cười và im lặng.
Mẹ tôi thận trọng lấy chìa khóa mở cánh cửa chiếc tủ bằng gỗ lát chun cánh cong - tài sản có giá trị nhất của gia đình tôi lúc bấy giờ - lấy ra một sấp tiền lẻ còn mới cứng. Đứa bé được mừng tuổi trước.
Trước khi đưa tiền cho đứa nào mẹ tôi nhận xét về đứa đó. Rồi đứa nào khi nhận tiền cũng lí nhí hứa năm nay sẽ học giỏi hơn, ngoan hơn. Năm nào cũng vậy vừa cầm những đồng tiền của mẹ trao, tôi đã nghĩ đến những cuốn sách mà mình thích nhưng chưa có tiền để mua. Hồi nhỏ tôi là đứa thích sách. Có đồng nào đều dùng để mua sách cả.
Nhiều khi tôi còn bị mẹ mắng vì vài hào tiền ăn sáng mẹ cho, tôi cũng nhịn ăn dành dụm để mua sách. Chẳng bù bây giờ, cứ nhìn thấy quyển sách dầy là ngại. Sau lúc mừng tuổi là bữa ăn đêm đầm ấm và duy nhất trong năm. Mẹ tôi xé cho mỗi đứa một miếng thịt gà to ăn với xôi gấc. Ăn uống xong chờ anh em tôi ngủ bố mẹ tôi mới cài cửa đi chùa hái lộc.
Sau này lớn lên tôi cũng vài lần cùng bố mẹ đi chùa ngay đêm giao thừa. Có đi mới biết, trong thời khắc thiêng liêng của năm mới, dưới chân tượng Phật từ bi con người ta chỉ một lòng hướng thiện, rũ bỏ mọi toan tính hẹp hòi ngày thường.
Khi ra khỏi cửa chùa thấy tâm hồn mình thật thanh thản. Trời đất, thiên nhiên, con người, thần linh dường như cùng lúc giao hòa, giao cảm trong khát vọng an lành vĩnh cửu.
Trở về từ quân ngũ, cũng có lần sau lúc nổ pháo đón giao thừa, tôi mặc áo lính, chở người yêu trên chiếc xe đạp Mifa rão xích lang thang dọc đường Thanh Niên. Con đường nhỏ xuyên giữa hai hồ lớn của Hà Nội - bên Hồ Tây, bên Hồ Trúc Bạch - trong đêm đầu năm mới như được phủ một tấm voan mỏng trắng mờ bằng sương khói.
Những cơn gió thổi ngang mặt hồ mang những hạt bụi nước li ti va nhẹ mơn man trên má. Đứng bên em bên một gốc liễu ven hồ. Tôi nghe rõ tiếng sóng vỗ thong thả vào bờ, tiếng của hàng thùy liễu đang rì rào như khẽ hát. Hình như cả tiếng con tim bé bỏng của em hối hả đập trong lồng ngực. Tôi ngửi thấy mùi thơm tinh khiết của đất trời, cây cỏ đang háo hức sang xuân. Và cả mùi lá bưởi ngan ngát dịu dàng bay ra từ mái tóc em buông xõa.
Chúng tôi nhìn ra mặt hồ đen thẫm nhoa nhóa những con sóng dồi. Chỉ duy nhất có một vùng sáng mãi tít tận bên kia hồ. Tôi chỉ vào vùng sáng đó và nói:“Khách sạn Thắng Lợi đó em. Một năm mới nhiều thắng lợi nhé“. Em đặt bàn tay nhỏ nhắn lên phần ngực trái của tôi rồi trịnh trọng nói thêm:“Và mình mãi có nhau nữa“. Tôi gật đầu và ôm em trong vòng tay xiết chặt.
Cháu nội tôi bên mâm cúng giao thừa tại Berlin, Đức. |
Mỗi khi đến giao thừa, nhất là khi ta còn trẻ, có biết bao ước mơ, dự kiến muốn thực hiện. Nhưng cuộc đời không bao giờ được suôn sẻ như ta mong muốn cho dù ta đã tận tâm, tận lực. Có những mong muốn không thực hiện được cũng qua đi nhẹ nhàng như nó chưa từng tồn tại. Nhưng có dự định không bao giờ còn làm được nữa vẫn đeo đẳng theo ta suốt cả cuộc đời. Cũng có cả những điều ta đã từng làm được, nhưng giá trị bây giờ cũng chỉ còn trong quá khứ.
Tất cả những cái đó đều được mỗi chúng ta ghi sâu vào miền ký ức. Miền ký ức trong mỗi con người giống như một ô tủ nhiều ngăn. Mỗi ngăn chứa đựng ký ức của một sự kiện. Mỗi khi một sự kiện nào được nhớ đến là ngăn tủ đó sẽ mở ra trước mắt ta biết bao kỷ niệm, làm sống dậy trong ta biết bao cảm xúc một thời.
Giống như hôm nay, gần kề thời khắc giao thừa năm mới, ở một vùng đất mênh mông tuyết trắng, xa rất xa nơi chốn cũ, ký ức giao thừa bỗng xôn xao ùa về.
Nó làm ta bồi hồi nhớ đến biết bao gương mặt một thời ta đã thân quen. Nhớ bố, nhớ mẹ, nhớ anh, nhớ em, nhớ con phố xưa với cây bàng còng trước cửa nơi ta đã sinh ra, lớn lên. Nhớ tiếng pháo nao nức đêm giao thừa và như ngửi thấy rất thật mùi thơm của thuốc pháo trong cái đêm đen mịn, thoáng đãng, tinh khôi. Và nhớ cả em nữa trong nỗi bâng khuâng pha chút xót xa vì những gì mình hứa trong đêm giao thừa năm đó đã không bao giờ thành hiện thực. Nhưng còn mãi trong anh ký ức về em với mùi thơm dịu dàng của hương bưởi giấu trong mái tóc mỗi khi chạm phút giao thừa.
Hùng Lý (từ Berlin, Đức)
Nồi bánh chưng ngày Tết
Vào những ngày giáp Tết khoảng sân chung đó ồn ào và nhộn nhịp suốt từ sớm đến tận đêm khuya. Chỗ này vo gạo chỗ kia đãi đỗ. Rồi chuyện trò, rồi tranh cãi, rồi trêu chọc... đúng là vui như Tết.
Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét