Tết Nguyên đán Nhâm Dần chạm ngõ 90 tuổi, ông Đoàn Hứa ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam vẫn minh mẫn. Chúng tôi ngồi cả một buổi chiều nghe ông kể không dứt chuyện làng bắt cọp.
"Hàng rào dây thại" - vòng vây bắt cọp, trừ họa mất trâu, bò của làng Tiên Cảnh
"Có 4 lần cả thảy", ông lão 90 tuổi nhớ như in số lần ông cùng người làng bắt cọp trứ danh xứ Quảng mặt đối mặt với "ông ba mươi" (cách mà người làng ông gọi loài mãnh thú ở rừng liền kề ngôi làng dựa vào vách núi ở vùng trung du), vào những năm 1930 - 1940 của thế kỷ trước.
Thuở ấy, xứ Tiên (Tiên Cảnh, Tiên Phước) ở miền trung du đất Quảng còn rừng núi rậm rạp vây quanh, cọp, beo vẫn còn nhiều ở chốn sơn lâm. Ông Hứa khi đó mới 14 - 15 tuổi, "cái hồi mà sử sách ngày nay vẫn còn truyền lại chúa Nguyễn Ánh chạy quân Tây Sơn đến Tiên Cảnh ăn trái lòn bon xứ này rồi đặt tên cho đặc sản xứ Tiên là trái trân châu ấy". Thời đó, ông Hứa đã bắt đầu theo người làng đi bắt cọp về để "ông ba mươi" khỏi vồ mất trâu, bò của làng.
"Làng khi ấy có đâu khoảng mấy chục nóc nhà thôi, dân cư sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi… Mỗi gia đình đều nuôi dăm bảy con trâu, con bò, trồng vài rẫy khoai lang, khoai mì. Có làm có ăn, sống dựa vào tự nhiên nên người làng không lo đói, nhưng sợ nhất là cọp trong rừng vào làng, vồ mất trâu, bò", ông Hứa kể.
Thế nên, nghe báo động có cọp là người làng cùng các làng liền kề tập trung lên kế hoạch vây bắt "ông ba mươi" để chặn hậu họa mất trâu, mất bò với chiến lược "hàng rào dây thại". Mỗi làng, mỗi xã là một mắt xích trong vòng vây kết bằng dây thại quanh quả núi để bắt cọp.
Mỗi người làm một cái tấm thại (chặt dây mây và cây rừng buộc thành những tấm hàng rào đan chéo vào nhau) cao đến bốn, năm thước vây vòng quanh để cọp lọt vào không có lối thoát.
Mỗi người sẽ canh giữ 2 mét thại, điều đặc biệt của hàng rào vây bắt "ông ba mươi" này là dây rừng được kéo ra ngoài và nạn chống hàng rào được chống vô trong để khi cọp lọt vào được hàng rào mà dân đã dựng thì không thoát ra được.
"Đi canh bắt cọp, lần đầu nhìn thấy "ổng" lù lù, tôi la to lên, "ổng" giật mình chạy tông vào hàng rào dây thại. Lúc đấy, lại có người khác cầm đá để ném, nhưng cha tôi, người đã dắt tôi đi bắt cọp với làng gằn tiếng bảo nhỏ: "Bình tĩnh, đứng im!". Thế rồi cha tôi khẽ khàng rút giáo, thòng lọng và lưới để khép dần vòng vây.
"Mục tiêu" đã nằm gọn trong vòng vây và im thin thít khiến nhiều người tưởng "ổng" đã bị thương, không chạy được nữa. Cha tôi vẫn bảo mọi người lùi xa 5 thước, để phòng thú dữ vùng dậy tấn công bất ngờ. Y rằng bất giác có tiếng chó sủa um, "ông cọp" vùng dậy gầm rú điên cuồng, xém vồ chết một người đứng gần nó trước khi tự chui vào thòng lọng của dân làng "phục" sẵn trong cơn hoảng loạn", ông lão 90 tuổi nhớ rõ lần đầu tiên ông chạm mặt mãnh thú.
Xây chùa trên núi và bố trí "cảnh giới" cọp đang rình làng
Ông Hứa có thể nói là người sống từ thời làng bắt cọp trứ danh khắp xứ Quảng của những năm đầu thế kỷ trước cuối cùng vẫn còn sống đời ở Tiên Cảnh, Tiên Phước. Ông lão vẫn biết thời sự bây giờ nghiêm cấm bắt động vật hoang dã, chuyện bắt cọp đã là chuyện "đời xửa đời xưa" ở xứ Tiên.
Khi chúng tôi hỏi han cắc cớ: "Hồi ấy bắt cọp không sợ kiểm lâm ạ?", ông Hứa cười khà khà: "Mỗi thời mỗi khác chứ, răng mà so sánh rứa được. Hồi đó làm gì có kiểm lâm, với hồi đó không phải "bói" mỏi mắt không còn mấy cọp, beo trong rừng như chừ mô. Mãnh thú đầy trong rừng ấy, không bắt, không chặn "họa" thì ngủ một đêm sáng ra đã thấy trâu, bò bị vồ mất, hay thành "thương binh". Cọp còn về làng vồ người chết mất xác".
Thế nên, ngoài chiến thuật "hàng rào dây thại", làng xã phải tìm đủ cách để ngăn cọp về phá làng. Ông Hứa vẫn nhớ, có một năm, từ thời ông còn thanh niên trai tráng ấy, cọp, beo trong rừng về làng nhiều. "Ban ngày, mấy "ổng" núp lùm, ban đêm chờ khi người làng đi ngủ cả là mấy "ổng" vồ thịt trâu, bò. Sáng dậy, người làng xót xa với dấu tích trên đàn gia súc chăm nuôi, con thì lủng lưng, con thì gãy giò.
"Trâu cũng chiến đấu với "ông ba mươi" đấy. Có đận, trâu mẹ với nghé đang nằm thì ông cọp rình rồi bất ngờ vồ thẳng con nghé. Trâu mẹ nặng gần một tạ lao tới, cắm sừng vào bụng cọp, "ổng" bị thương ở bụng rứa chứ vẫn còn sức chạy vô rừng trước khi người làng kịp vây bắt.
Hết ông cọp này đến ông cọp khác phá làng, có khi thấy rõ dấu tích cả đàn mãnh thú đe dọa làng. Chính cái năm cọp về nhiều, làng phải xây chùa trên triền núi, bố trí một con chó canh chùa để "cảnh giới". Đang đêm nghe tiếng chó tru thảm thiết, người làng biết cọp về, lại bày "hàng rào dây thại" bắt cọp.
Từ khi được "cảnh giới" báo cọp về làng đến khi vây bắt được cọp phải mất 5 - 7 ngày, chứ "bắt cọp không hề đơn giản", ông lão 90 tuổi cầm cây gậy và một mảnh nối hàng rào dây thại ngày xưa ông dùng để theo người làng đi bắt cọp nói rõ.
Trước khi đi bắt cọp, người làng trình báo lên xã, thời phong kiến còn chúa Nguyễn Ánh ấy thì báo quan. Có lần bắt được cọp, quan thưởng làng 25 đồng, xong thịt cọp chia cho những người trực tiếp tham gia như một kiểu chia chiến lợi phẩm.
Trong 4 con cọp mà ông Đoàn Hứa là một mắt xích trong "hàng rào dây thại" vây bắt cọp của làng, có con nặng gần 3 tạ, vây bắt được rồi phải 4 - 5 người hè nhau khiêng "ổng".
Ông cụ sắp tuổi bách niên giai lão vẫn nằm lòng bài vè từ thời niên thiếu thường nghe mỗi khi người làng ông bắt được cọp, truyền đời tới nay:
Hôm xưa đá chữa hội vui vầy
Hăm mấy xã thôn kéo tới vây
Trống mõ đôi hồi vang dưới đất
Hội hè bốn phía dội trên mây
Non xanh ủa ủa anh hùng đó
Núi biết ờ ờ thục nữ đây
Mệt nhọc xã dân mong thịt cọp
Ai ngờ quan huyện lấy toàn thay
Vì dân trừ hại phải làm vầy
Hùm đoàn dân hỡi đương vai đó
Tứ bạc nề nề quan biểu bán đây
Theo Dân Trí
Vợ Cường ‘béo’: Tết nhà tôi đạm bạc, dành tiền lo cho người nghèo hơn
Trưa 30 Tết, cả nhà anh Cường “béo” ngồi lại ăn chung với nhau bữa cơm cuối năm. Sau đó, cả nhà lại tỏa ra đường, mái ấm, trại tâm thần, bệnh viện… để lo cho người khó khăn hơn có bữa cơm ngày Tết.
Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét