Xưa nay, người ta chỉ thường hay nhắc đến tâm tư của người phụ nữ lấy chồng xa mỗi dịp Tết về mà ít khi hỏi xem những người đàn ông lấy vợ xa cảm thấy sao mỗi dịp Tết đến.
Làm "rể mới" trong Tết 2022, anh Trần Hồng Lĩnh (Quảng Ninh) cũng đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề "Tết nội, Tết ngoại". Hai bên gia đình cách nhau quãng đường khá xa, di chuyển từ Quảng Ninh về Thanh Hóa gần 400km, mất 8 tiếng đồng hồ di chuyển.
Hồng Lĩnh chia sẻ: "Tôi chứng kiến bố mẹ vợ khóc trong lễ cưới, và tôi cũng biết rằng bố mẹ gả con xa có nỗi lòng như thế nào. Tết là một dịp không chỉ có các cô vợ suy nghĩ mà những người làm chồng như tôi cũng rất muốn làm sao để cân bằng giữa nhà nội, nhà ngoại.
Tôi thấy rằng, có nhiều người chỉ nghĩ cho nhà mình mà dễ quên nhà vợ. Nhiều người còn có tư tưởng đã lấy chồng, làm dâu thì phải toàn tâm, toàn ý hết cho nhà chồng, ăn Tết nhà chồng mà quên mất rằng kể cả là trai hay gái đều cũng phải có trách nhiệm và tình cảm như nhau".
Tết năm nay, dù là năm đầu tiên ăn Tết sau khi kết hôn, Hồng Lĩnh vẫn quyết định sẽ cùng vợ cân bằng đón Tết cả ở hai nơi để bà xã anh không cảm thấy tủi thân vì Tết đầu xa nhà.
"Mấy trăm km tôi cũng cố gắng đi lại đầy đủ. Nếu như không có điều kiện thì buộc phải chịu, nhưng nếu được mình phải cố gắng sắp xếp để đưa vợ về với bố mẹ mỗi dịp Tết đến xuân sang", Hồng Lĩnh nói.
Khá ngại ngùng khi chia sẻ về vấn đề ăn Tết nội, ăn Tết ngoại vì "sợ vợ suy nghĩ", anh Trần Lê Phong, 35 tuổi, người Hải Phòng (tên nhân vật đã được thay đổi) chia sẻ: "Mỗi dịp gần Tết mình thấy vợ buồn mình cũng suy nghĩ rất nhiều. Hai bên nội ngoại cách nhau hơn 500 km, mỗi lần di chuyển dịp Tết cũng rất vất vả và khó khăn từ Hải Phòng về đến Lào Cai.
Trước khi cưới mình cũng đã đồng ý với vợ là hai năm ăn Tết nội, một năm ăn Tết ngoại. Nhưng đây đã là cái Tết thứ 3 vợ chồng mình không về ngoại, một phần vì con nhỏ, phần khác do dịch bệnh phức tạp".
Bản thân là con một trong gia đình nên anh Phong luôn trăn trở mỗi khi Tết đến xuân về. Nếu Tết chiều vợ về nhà ngoại thì bố mẹ anh cũng phải đón Tết một mình. Bên ngoại vẫn còn một cô em vợ chưa lập gia đình nhưng vì không muốn vợ suy nghĩ nên anh vẫn cố gắng 2 năm Tết nội, một năm Tết ngoại như đã hứa với chị.
Về phần mẹ anh Phong, bà luôn tạo điều kiện thoải mái nhất để con trai và con dâu về bên ngoại ăn Tết. Bản thân bà cũng đã từng làm dâu xa nên rất hiểu cảm giác của con dâu hiện tại. "Bố mẹ mình cũng đã hứa với thông gia sẽ cho hai vợ chồng về ngoại đón Tết 2 năm một lần. Đó cũng là tâm nguyện duy nhất của bố mẹ vợ. Nhưng đúng là để bố mẹ đón Tết một mình, bản thân làm con mình cũng rất buồn và suy nghĩ", anh Phong chia sẻ.
Không chỉ có vậy, chi phí mỗi lần di chuyển về quê ăn Tết cũng là vấn đề khiến cả hai vợ chồng anh suy nghĩ: "Vé xe dịp Tết có thể tăng cao, chưa kể chi phí ăn uống dọc đường. Bên cạnh đó còn quà cáp, biếu xén họ hàng, anh em. Dù biết mỗi năm mới có một lần thế nhưng để đưa vợ con về đón Tết nhà ngoại cả hai vợ chồng cũng phải có một khoản khoảng 20 triệu.
Dù không phải là số tiền quá lớn với nhiều người nhưng với gia đình bình thường, điều kiện kinh tế không quá cao như mình cũng rất khó nghĩ", anh Phong tâm sự.
Chia sẻ về vấn đề Tết nội, Tết ngoại trong dịp đầu năm, Nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê (Trường ĐH Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Trước đây, người ta thường lấy vợ lấy chồng gần nhà, có khi trong cùng làng, cùng xóm, hoặc cùng huyện, cùng tỉnh.
Ngày nay, việc đi lại, di chuyển giữa các nơi phổ biến và tiện lợi hơn, giao lưu xã hội không chỉ giới hạn trong "lũy tre làng" mà mở rộng ra cả nước, và thậm chí nước ngoài, do đó ngày càng có những cặp đôi người Việt lấy chồng, lấy vợ xa.
Ngày trước, người Việt Nam sống trong xã hội nông nghiệp và quan niệm "Tháng Giêng là tháng ăn chơi", là lúc nông nhàn, do đó có thể thư thả nghỉ ngơi, gặp gỡ thăm hỏi người thân, họ tộc, xóm giềng,... để sau đó bước vào mùa mới.
Trong bối cảnh xã hội có tính công nghiệp hóa, những ngày nghỉ Tết được rút ngắn lại, có khoảng mươi ngày. Có những người làm việc cho khối cơ quan có yếu tố nước ngoài, thời gian nghỉ này lại còn ngắn hơn nữa.
Tuy nhiên, "cả năm chỉ có mỗi dịp Tết", người Việt vẫn mong chờ những sự đoàn viên, sum vầy, những cuộc gặp gỡ, thăm hỏi theo truyền thống.
Tết cũng là một cuộc đại dịch chuyển với các cặp vợ chồng làm ăn, sinh sống xa quê. Ở thời điểm Tết, việc đi về ăn Tết ở đâu, ở quê chồng hay quê vợ, ăn tết ở quê chồng hay quê vợ từ bao giờ đến bao giờ... thường xuyên là điều được các gia đình này bàn đến.
Các diễn đàn, hội nhóm, báo chí truyền thông mỗi dịp gần Tết cũng xôn xao những câu chuyện về tết nội, tết ngoại.
Thách thức đặt ra cho những người đàn ông Việt lấy vợ xa là phải sắp xếp được lịch trình Tết hợp lý để vừa đối đãi với gia đình vợ một cách phù hợp, đúng kỳ vọng, lại vừa đảm trách được vai trò của người con trai (mà nhiều khi là con trai trưởng, hay con trai duy nhất của gia đình).
Cùng với truyền thống về việc thăm hỏi cả bên nội bên ngoại, thì truyền thống Tết Việt cũng có phần đề cao vai trò, sự hiện diện của người đàn ông, người con trai trong gia đình.
Có nhiều vai trò với nhà nội, nhà ngoại cùng được đặt lên vai người đàn ông, người chồng vào cùng một lúc trong dịp Tết, và việc lựa chọn thực hiện đầy đủ các vai trò để "không mất lòng bên nào" là thách thức đối với người đàn ông. Họ sẽ không khỏi trăn trở làm sao để vừa khiến vợ hài lòng với sự sắp xếp lịch trình vừa giữ tròn bổn phận với cả hai bên nội ngoại.
Cũng trong dịp Tết, việc đi lại di chuyển qua lại quê nội và quê ngoại là một thách thức với không ít gia đình. Các phương tiện công cộng không phục vụ trong dịp nghỉ Tết, mà việc đi máy bay hay thuê xe riêng để đi lại cho cả gia đình gồm người lớn, trẻ em cũng khá tốn phí.
Do đó những người đàn ông thu nhập không cao sẽ cảm thấy áp lực trong việc xoay sở cho gia đình đi lại về quê, chúc Tết hai bên. Cùng với nhiều khoản chi tiêu như tiền mừng tuổi, thăm hỏi, chi dùng dịp Tết... thì chi phí cho đi lại cũng là một gánh nặng đối với họ.
Vậy nên, để Tết trở nên tự nhiên, vui vẻ và ít áp lực hơn, nên chăng, vào dịp Tết, các thành viên trong gia đình giảm đi những đòi hỏi, kỳ vọng về "trách nhiệm", mà củng cố sự yêu thương, san sẻ và thấu hiểu.
Theo Dân Trí
50 cái Tết người dân TP.HCM vẫn xếp hàng xin chữ ông đồ
Tháng Chạp hàng năm, ông Cầu lại bày mực tàu, giấy đỏ viết liễn phục vụ Tết. Năm nay, bất chấp dịch bệnh tác động đến nhiều ngành nghề, chữ của ông vẫn "đắt như tôm tươi".
Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét