Thứ Ba, 8 tháng 3, 2022

Bên trong những căn hộ mẹ là F0, con F1

Biết mẹ mắc Covid-19, hai con chị Uyên lấy bàn chải đánh răng, khăn mặt, quần áo... ra khỏi phòng. Nhưng đến tối, bé em khóc ầm ĩ, đòi “con muốn chạm vào mẹ một tý”.

Một tuần trước, chị Thanh Mai (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) phát hiện dương tính Covid-19 trong lần xét nghiệm ngẫu nhiên ở cơ quan. Vì nhà có con nhỏ, chị Mai từ cơ quan về căn hộ chưa sử dụng ở cùng tòa nhà để cách ly riêng. Những ngày đó, cô con gái út 6 tuổi nhớ mẹ cứ úp mặt xuống giường khóc.

“Mẹ gọi điện thoại bật camera, con luôn miệng bảo nhớ mẹ. Con chỉ muốn ôm mẹ thôi”, anh Nguyên, chồng chị Mai chia sẻ.

Tình trạng những người trong gia đình mắc Covid-19 không cùng lúc khiến thời gian cách ly "chồng" cách ly kéo dài cả tháng. Các bậc phụ huynh vì thế rất đau đầu. Trẻ con lâu nay đã quen hơi mẹ thì nay đột nhiên phải ngủ một mình. Có em tự lập hơn, cũng có trẻ quấy khóc đòi mẹ.

"Con nhớ mẹ"

Con thường ngày rất quấn mẹ nên anh Nguyên cho con test rRT-PCR để yên tâm. Ông bố trẻ dỗ dành, dọa nạt con cũng không chịu. Cuối cùng, anh đành hứa hẹn: "Nếu con đồng ý test và cho kết quả dương tính, bố cho con đoàn tụ với mẹ”.

“Khi nhân viên y tế vừa đưa que test vào mũi, con bé đã hét lên. Bố, cậu và cả bà nữa, người giữ đầu, người giữ tay chân 'cưỡng chế' cuối cùng rồi cũng xong”, anh Nguyên kể lại.

F0 dieu tri tai nha anh 1

Cả gia đình đều dương tính nhưng con chị Cẩm Tiền (quận 12) xét nghiệm nhiều lần đều cho kết quả âm tính. Ảnh: Cẩm Tiền.

Rất may, con anh Nguyên vẫn âm tính sau lần test nhanh. Song, bé lại khóc ỉ ôi đòi mẹ. Người chồng đành dẫn con qua nơi vợ cách ly để 2 mẹ con nhìn nhau từ xa.

Việc có thành viên trong nhà mắc Covid-19 không phải là điều khiến cả gia đình anh Nguyên căng thẳng. Phiền nhất là chờ đợi nó đến với lần lượt thành viên khi không phải cả gia đình thành F0 ngay cùng lúc.

Thời gian cách ly "chồng" cách ly có khi kéo dài cả tháng đang là tình trạng của gia đình chị Cẩm Tiền (quận 12, TP.HCM). Cả nhà có 3 người lớn lần lượt mắc Covid-19 cách nhau khoảng một tuần. Cứ mỗi lần có người mắc bệnh, nhà chị Tiền phải cách ly để đảm bảo không lây nhiễm ra cộng đồng.

Chị Tiền cách ly ngay trong phòng ngủ của gia đình. Con và chồng ở riêng một phòng khác. Bé mới 4 tuổi nên chưa thể tự vệ sinh cá nhân, chị phải gọi video hướng dẫn con. Đêm đầu tiên, bé gõ cửa phòng đòi ngủ chung với mẹ. Chị Tiền xót vì thương con nên trằn trọc mãi.

Khoảng một tuần sau, khi chị Tiền đã âm tính thì chồng chị lại mắc bệnh. 5 ngày sau, Covid-19 gọi tên con gái đầu 12 tuổi. Lúc này, chị trở thành F1 và lại tiếp tục chăm cho 2 F0, căn hộ tiếp tục bị phong tỏa.

“Những gia đình bị Covid-19 hỏi thăm lần lượt hẳn đang chịu đựng cảm giác kỳ quái này. Chỉ duy nhất bé út nhà tôi là âm tính, nhưng con lại mệt mỏi nhiều hơn vì phải nghỉ học ở nhà và không khác F0 tự cách ly là mấy”, chị Tiền bày tỏ.

Bất ngờ khi con tự lập

Nhiều em nhỏ vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu để tập thích nghi khi thiếu vắng sự chăm sóc của bố mẹ. Đây là cơ hội để các em tự lập hơn khi phải tập chăm sóc bản thân và bày tỏ sự quan tâm tới bố mẹ.

Bé Ngọc Thảo (7 tuổi, tên thường gọi ở nhà là Kitty) ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM, thay đổi hẳn khi không có mẹ ở bên. Khi biết mình mắc Covid-19, chị Thanh Trang (mẹ của bé) không có thời gian nhiều để trấn an con. Chị chỉ kịp vào phòng ngủ rồi dán giấy: “Mẹ đang ốm, em Kitty đừng vào” ở bên ngoài cửa.

F0 dieu tri tai nha anh 2

Chị Thanh Trang bị nhiễm Covid-19 nên viết giấy dán trước cửa phòng để con gái không vào. Ảnh: NVCC.

Ngọc Thảo dưới sự hướng dẫn của bố đánh vần từng chữ và hiểu được thông điệp của mẹ. Mỗi lần nhìn thấy dòng chữ, em biết rằng mẹ đang mệt và cần ở một mình. Bé ngủ với bố tới sáng mà giữa đêm không kêu mẹ. Thảo cũng tự giác đánh răng, ăn cơm chứ không đợi mẹ nhắc như mọi khi.

“Bất ngờ và cảm động nhất là những lúc con gọi video cho tôi an ủi ‘mẹ uống thuốc cho mau khỏe nhé’. Con đã lớn hơn tôi nghĩ, biết quan tâm ngược lại mẹ”, chị Trang tâm sự.

Chị Lê Thanh Uyên, một “cựu F0” ở Trương Định (Hà Nội) cũng vừa trải qua kỳ cách ly tại gia 10 ngày với nhiều trải nghiệm.

Nhờ được bổ sung vitamin, uống mật ong ngâm tỏi mỗi ngày trước giờ đi ngủ, nâng cao dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày nên các con chị Uyên dù liên tục tiếp xúc với F0, thậm chí uống chung cốc với mẹ hàng ngày nhưng cơ thể vẫn đề kháng tốt.

Hơn nữa, khi có triệu chứng ngứa họng chị Uyên chủ động đến bệnh viện để test rRT-PCR dù trước đó đã test nhanh cho kết quả âm tính. Khi biết mình nhiễm Covid-19, chị Uyên cách ly ngay.

Biết mẹ mắc Covid-19, hai con chị Uyên lấy bàn chải đánh răng, khăn mặt, quần áo và các đồ dùng của mình ra khỏi phòng mẹ, sau đó ngủ riêng ở phòng khác. Mỗi khi nhớ mẹ, hai anh em đeo khẩu trang vào rồi gõ cửa bảo mẹ “mở cửa ra cho con nhìn mẹ một tý”.

Buổi tối đến, bé em khóc lóc ầm ĩ vì nhớ mẹ, “con muốn chạm vào mẹ một tý”. Có hôm nhớ quá, hai anh em đồng loạt vờ kêu đau đầu, đau cổ để được vào ở với mẹ.

Để tập cho các con tự lập, cũng quên đi cảm giác nhớ mẹ, chị Uyên lập một tổ “chăm sóc bệnh nhân” cho hai anh em phụ trách. Toàn bộ việc giao tiếp kết nối với mẹ và bên ngoài là do các con đảm đương.

“Thấy việc giúp đỡ chăm sóc mẹ cũng vui và tự cảm thấy hữu ích nên các con thôi không đòi vào ở cùng và “chạm vào mẹ một tý” nữa. Đến nay, sau nhiều ngày theo dõi, các con vẫn khoẻ mạnh không có triệu chứng gì. Đây là một kỳ cách ly đáng nhớ với cả nhà”, chị Uyên kể lại.

F0 dieu tri tai nha anh 3

Tùng Chi đứng ở cửa phòng, chuẩn bị thức ăn cho mẹ trong lúc mẹ mắc Covid-19. Ảnh: Thanh Uyên.

Điều chị Uyên ấn tượng nhất trong suốt kỳ cách ly là sự thay đổi của cô con gái út - Tùng Chi.

Cô bé 6 tuổi cùng anh dọn thức ăn ra bát để trước phòng mẹ mỗi khi bố nấu cơm xong. Hai anh em để thức ăn trước cửa phòng mẹ và gõ cửa rồi… bỏ chạy ra xa đứng nhìn. Thỉnh thoảng anh lớn ở ngoài chơi piano, em gái ngồi hát bên cạnh để phục vụ mẹ “giải trí đỡ buồn”.

Tùng Chi còn tự xỏ kim chỉ để khâu 3 con thú nhồi bông bị rách trong lúc mẹ cách ly. Điều này em quan sát được từ những lần cô giúp việc khâu quần áo làm chị Uyên rất bất ngờ.

“Sau kỳ cách ly này thì mình yên tâm hơn với các con. Bọn trẻ bây giờ khá khéo léo và có ý thức hơn bố mẹ ngày xưa. Khi cần thì bọn nó sẽ tự lo được cho mình thôi, không có gì phải lo lắng quá”, chị Uyên bày tỏ.

Theo Zing

Chàng sĩ quan được cả bệnh viện dã chiến yêu quý

Chàng sĩ quan được cả bệnh viện dã chiến yêu quý

Mỗi ngày, Phúc ăn ngủ cùng các F0, đảm bảo mọi dấu hiệu bất thường của bệnh nhân đều được thông báo đến lực lượng y tế. Có lúc, anh trở thành “phao cứu sinh” gần nhất của người bệnh trở nặng.


Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét