Giữa cơn bão giá, nhiều người trẻ sống một mình phải từ bỏ nhiều nhu cầu, xem lại cách chi tiêu, thắt lưng buộc bụng để có thể tiết kiệm tiền.
Ít chịu áp lực, gánh nặng tài chính do chưa lập gia đình, nhiều người độc thân sống tại TP.HCM từng “đổ xăng không cần nhìn giá, đi chợ không cần mặc cả”. Họ chú trọng nâng cao thu nhập, cuộc sống cá nhân thay vì lo nghĩ mỗi khi hàng hóa tiêu dùng lên giá.
Tuy nhiên, giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh, bão giá như hiện tại có thể “đánh thẳng” vào túi tiền của mọi lao động. Không chỉ những người đã kết hôn, có con cái, nhóm sống một mình ở các thành phố lớn cũng phải thắt lưng buộc bụng, thay đổi thói quen chi tiêu.
Bốn người sống một mình tại TP.HCM đã chia sẻ những ảnh hưởng, khó khăn trong cuộc sống giữa cơn bão giá, đồng thời nói về cách thay đổi thói quen để thích ứng với nó.
Lê Thúy Hòa (29 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh)
Chưa bao giờ tôi thấy được tác động trực diện của chuyện xăng tăng giá như hiện tại. Từ tin tức, mạng xã hội cho đến các cuộc trò chuyện với bạn bè, đồng nghiệp, tất cả đều xoay quanh giá xăng gần chạm mốc 30.000 đồng/lít, hay tốn bao nhiều tiền mới đổ đầy bình xăng cho từng chiếc xe.
|
Giá xăng và hàng loạt mặt hàng tăng cao ảnh khiến nhiều người sống ở TP.HCM càng khó khăn. Ảnh: Chí Hùng. |
Không dừng lại ở đó, xăng tăng, gas tăng còn kéo chi phí sinh hoạt tăng theo. 45.000 đồng giờ không còn đủ cho một bữa trưa gần công ty tôi. Quán bún thịt nướng đầu hẻm tôi ở mới đây cũng tăng giá từ 20.000 phần lên 25.000-30.000 đồng/phần.
Giờ cầm 100.000-200.000 đi chợ, chưa mua được gì mấy đã thấy hết tiền. Hôm trước tôi vào siêu thị tính mua 2 cây nấm đùi gà, nhìn giá 60.000 đồng liền đặt lại vào kệ.
Những từ như "tăng kịch trần", "tăng vọt", "tăng đồng loạt" trước đây tôi ít quan tâm, gần như chỉ đọc thấy trên báo chí, giờ đây ảnh hưởng trực tiếp tới mỗi bữa ăn hàng ngày. Cuộc sống ở Sài Gòn vốn đã đắt đỏ, tốn kém, thời gian tới sẽ còn khó khăn hơn.
Kiều Anh (sinh viên năm cuối, nhân viên truyền thông)
Đang là kỳ thực tập tốt nghiệp nên tôi đã tạm thời nghỉ công việc toàn thời gian để tập trung vào chuyện học. Hiện tôi sống ở TP Thủ Đức, cách ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn hơn 13 km và cách công ty cũ 15 km.
|
Kiều Anh bỏ thói quen uống trà sữa hàng ngày, dự định đi học bằng xe buýt để tiết kiệm. Ảnh: NVCC. |
Quyết định nghỉ việc, khủng hoảng lớn nhất của tôi là về tiền bạc, đặc biệt giữa thời điểm mọi thứ đều tăng giá, nhất là tốn kém tiền xăng.
Để giải quyết vấn đề, tôi vẫn cộng tác viết bài, nhưng nhuận bút mỗi bài bây giờ chắc cũng chỉ đủ đổ một bình xăng. Điều này khiến tôi khá e ngại khi mỗi lần phải đi tới lui nhiều chỗ.
Xăng lên giá đã khiến tôi hạn chế đi lại, ít la cà tụ tập bạn bè nhiều như trước đây. Tôi chọn ở nhà nhiều hơn và đi bộ để mua đồ ăn, đi chợ thay vì chạy xe máy như trước.
Không còn khoản thu nhập khá từ công việc full time, tôi phải "F5" lại mọi chi tiêu và quay lại cuộc sống có phần phụ thuộc kinh tế vào gia đình trong thời gian thực tập.
Tôi vốn không phải người sống tiết kiệm, luôn thoải mái trong việc tiêu những đồng tiền bản thân tự kiếm được và thấy nó xứng đáng. Nếu trước đây các khoản sinh hoạt phí hàng tháng khoảng 6 triệu đồng thì giờ tôi giảm còn 4 triệu, hạn chế những thứ không cần thiết.
Sống ở Sài Gòn 4 năm, đây là thời điểm tôi thấy khó khăn hơn cả. Ăn uống, đi lại đều tốn kém, đặc biệt trong dịch bệnh, riêng khoản tiền tôi phải mua kit test đã lên đến hàng triệu đồng.
Trước đây, mỗi ngày tôi đều uống một ly trà sữa. Bây giờ tôi đã bỏ thói quen này, vì nghĩ mỗi ly trà sữa bằng giá 2 lít xăng. Mấy hôm nay, tôi còn dự định sẽ chuyển sang đi xe buýt tới trường cho tiết kiệm.
Trần Thanh T. (32 tuổi, TP Thủ Đức)
Tháng trước, tôi tốn gần 2 triệu tiền mua thuốc tự điều trị Covid-19, chưa kể tiền đồ ăn thức uống trong thời gian cách ly.
Là F0 sống một mình, tôi chỉ có thể chuyển khoản nhờ bạn bè, đồng nghiệp mua giúp mọi thứ.
|
Chị T. nhờ bạn mua kit test và thuốc khi thành F0. Ảnh: NVCC. |
Công việc của tôi được trả lương theo sản phẩm nên không đi làm đồng nghĩa với việc không có lương.
Một tuần cách ly và điều trị ở nhà tôi được công ty hỗ trợ 2 triệu đồng. Số tiền này không đủ bù vào chi phí điều trị, ăn uống.
Khó khăn về tiền bạc tiếp tục đeo bám khi tháng này mọi chi phí từ xăng xe đi lại, tiền cơm trưa cho đến khoản tụ tập bạn bè, ăn uống bên ngoài cũng dần leo giá.
Xăng tăng, nhà ở xa công ty nên mỗi tuần tôi tốn gần 400.000 đồng tiền đổ xăng.
Tiền cơm trưa công ty cấp cho nhân viên không thay đổi, lương cũng y nguyên nhưng giá gas, giá đồ ăn đều tăng. Tôi và đồng nghiệp hay nói nửa đùa nửa thật với nhau rằng giờ không đi làm thì không có ăn mà đi làm cũng chưa chắc đủ sống.
Để tiết kiệm chi tiêu, thời gian gần đây tôi đã bỏ thói quen tụ tập ăn uống, cà phê với đồng nghiệp, bạn bè sau giờ làm hoặc cuối tuần. Tôi cũng cắt giảm các khoản mua sắm chưa thực sự cần thiết.
Tuần tới tôi sẽ thử tự nấu và mang cơm trưa đến văn phòng xem có tiết kiệm được hơn không. Tôi nghĩ giá cả sẽ còn tăng nữa, khó khăn dịch bệnh vẫn chưa qua nên giờ bắt đầu tiết kiệm, được đồng nào hay đồng nấy.
Phạm Huyền Trang (23 tuổi, nhân viên kinh doanh)
Thú thực, từ trước tới nay tôi chưa bao giờ quan tâm đến giá xăng. Nhưng hiện tại khi mọi người xung quanh đều nhắc đến nó, cùng với chuyện giá nhiều mặt hàng thay đổi nên tôi cũng có chút lo lắng rằng sẽ ảnh hưởng đến mình.
|
Huyền Trang cân đối chi tiêu, gửi tiền về quê phụ giúp bố mẹ. Ảnh: NVCC. |
Sau dịch, thu nhập của tôi có giảm một chút. Hiện tại, tôi được làm việc tại nhà nên đỡ một khoản lớn khi không phải tốn tiền xăng đi lại. Chủ yếu làm ở nhà, tôi cũng ít đi ăn uống hay tụ tập cùng đồng nghiệp sau giờ làm.
Tôi cũng khá lo nếu sắp tới đi làm lại sẽ tốn tiền xăng xe, bởi bên cạnh lên công ty, tôi còn thường xuyên đi gặp khách hàng ở nhiều nơi.
Với mức thu nhập hiện tại, tôi vẫn có thể cân đối được.
Tôi chủ yếu nấu ăn ở nhà, thỉnh thoảng đặt đồ ăn trên app hoặc đi ăn ở ngoài, có thể chủ động tiết kiệm chi phí.
Trước đây, ngoài tự lo cho bản thân khi sống một mình ở TP.HCM, tôi còn gửi tiền về cho gia đình để phụ giúp bố mẹ nuôi hai em đi học. Năm nay, một em trai của tôi đã lên nhập học đại học tại TP.HCM, tôi sẽ phải lo thêm cho em.
Ngày 11/3, giá xăng Việt Nam đã tăng lên mức gần 30.000 đồng/lít, đánh dấu kỳ tăng giá kỷ lục của mặt hàng này từ trước đến nay.
Chi phí xăng, gas, nguyên vật liệu... đồng loạt tăng sốc đang gây áp lực lớn đến chi tiêu đối với người tiêu dùng, đồng thời tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp sản xuất, nhất là trong bối cảnh khôi phục sản xuất kinh doanh sau thời gian dài giãn cách xã hội.
Do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng mạnh, những ngày gần đây, giá cả thực phẩm tại nhiều chợ truyền thống cũng bị đẩy lên cao.
Theo Zing
Khó thuê nhà ở New York
Nhiều người Mỹ không thể tìm được nhà cho thuê ở New York khi giá cả tăng cao và số căn hộ còn trống lại ít ỏi.
Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét