Thứ Hai, 23 tháng 3, 2020

'Đồ ăn trong ký túc xá cách ly có đủ, xin đừng tiếp tế nữa'

 Đó là tâm sự của các anh công an, dân quân tự vệ, lực lượng bảo vệ ở khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM vào tối ngày 23/3.

9 giờ tối ngày 23/3, ở khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM vẫn đều đặn có bố mẹ, anh chị, người quen của những người đang cách ly đến xin tiếp tế. Họ mang bánh mì, bánh tráng, trái cây, nước rửa tay, khẩu trang, quần áo, đồ dùng cá nhân... đến cho người thân.

Các đồ dùng, đồ ăn được bọc trong thùng xốp, thùng giấy, bọc ni lông, bên ngoài có ghi họ tên, số điện thoại, số phòng, tầng người nhận.

{keywords}
9 giờ tối, nhiều người vẫn mang đồ đến xin được đưa vào cho con đang cách ly bên trong.

Các chiến sĩ công an, dân quân tự vệ, lực lượng bảo vệ từ ngoài cổng lần lượt kiểm tra từng gói đồ và liên tục nhắc: ‘Mọi người ơi! đừng đưa đồ ăn vào. Trong khu cách ly có đủ đồ ăn rồi nhé. Các cô chú, anh chị cứ đưa đồ ăn vào chúng cháu không nhận đâu’. Tuy nhiên, nhiều ông bố bà mẹ vẫn năn nỉ được đưa đồ ăn cho con.

Ông Hoàng, 66 tuổi, nhà ở gần chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh. 4 giờ chiều, ông dẫn chiếc xe máy ra để mang đồ dùng cá nhân cho cô con gái học thạc sĩ ở Thượng Hải, Trung Quốc về nước hôm 22/3. Không biết đường đi xuống ký túc xá, ông phải mất hơn 3 giờ di chuyển mới đến nơi.

{keywords}
Một ông bố mang đồ dùng đến cho con.

Đáng lẽ, tết Nguyên Đán vừa qua cô con gái 32 tuổi của ông Hoàng sẽ về nhà đón giao thừa cùng gia đình, nhưng vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, cô phải ở lại. ‘Chỗ con bé ở không phải tâm dịch, nhưng vợ chồng tôi rất lo, dù con ngày nào cũng gọi về bảo khỏe mạnh’, ông Hoàng bày tỏ.

Ông Hoàng cho biết, khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, con gái ông không mua được sim điện thoại Việt Nam nên không gọi được cho gia đình. Thành ra, con về được hơn một ngày, vợ chồng ông mới đến thăm con. ‘Tôi mang chút đồ dùng cho con và muốn được gặp con bé’, ông Hoàng chia sẻ.

{keywords}
Vì đến không đúng giờ, một người mẹ phải chờ khá lâu mới đưa được đồ vào cho con.

Kế bên, anh Trọng, Quận 7 cũng đưa mì tôm, quạt điện, táo, ít đồ khô và đồ dùng cá nhân cho em gái mới từ Úc về. Theo anh Trọng, đây là các món đồ gia đình chuẩn bị vì có yêu cầu của em gái. Chạy xe từ Quận 7 đến Thủ Đức nhưng đến nơi, không gửi được cho em, anh phải mang về.

Chiều tối, nấu nước gừng, cháo, ít yến chưng xong, chị Phương, 28 tuổi, giáo viên ở Dĩ An, Bình Dương chạy xe mang đến cho bạn trai cũ là bác sĩ đang làm việc ở khu cách ly. ‘Chúng tôi quen nhau hơn một năm thì dừng lại. Hai đứa mới chia tay đây thôi. Giờ, chúng tôi vẫn là bạn’, chị Phương tâm sự.

{keywords}
Không thể gặp được con, nhiều ông bố bà mẹ chỉ biết đứng nhìn vào tòa nhà đang có rất nhiều người cách ly.

Biết anh đến khu cách ly của ký túc xá làm việc từ hôm 21/3, chị vừa thương vừa lo. 

Khi đọc được thông tin, một bác sĩ 29 tuổi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 ở Đông Anh, Hà Nội dương tính với Covid-19, chị gọi cho anh hỏi thăm thì đầu máy báo bận. Chị quyết định nấu đồ ăn mang đến cho anh tẩm bổ.

Cầm hộp đồ ăn đến cổng khu cách ly, Phương gọi cho bạn trai lần nữa nhưng bên kia máy lại báo bận. 'Chắc anh ấy đang bận lắm. Không biết anh có ăn uống đầy đủ không?’, nữ giáo viên nói rồi quay về.

{keywords}
Nhiều người đứng giữa nắng chờ được tiếp tế cho con.

Trao đổi với VietNamNet, một chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ canh gác ở khu cách ly này cho biết, suốt ba ngày qua họ phải kiểm đồ, vận chuyển đồ từ sáng đến tối vì lượng người đến tiếp tế cho người cách ly nhiều. ‘Giờ cao điểm, rất nhiều người mang đồ đến. Họ đứng kín cả một đoạn đường dài. Có người từ Bến Tre, Tiền Giang, Tây Ninh, Đắk Lắk cũng mang đồ xuống.

Lượng đồ nhiều nên người mang đến phải chờ lâu giữa trời nắng, nhìn rất vất vả và thương. Ở khu cách ly đã có đầy đủ đồ ăn, nước uống, nước rửa tay, sát khuẩn rồi, tôi mong mọi người hãy hạn chế tiếp tế’, chiến sĩ công an bày tỏ.

Tại Hà Nội, chiều 23/03, trong cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội với các quận, huyện, xã, phường, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các đơn vị quản lý không nhận đồ ăn, đồ dùng mà người nhà gửi cho người đang cách ly.

'Các gia đình có thân nhân đi cách ly tập trung thì yên tâm vì đang được phục vụ rất tốt. Không cần phải gửi đồ đạc, đồ ăn. Không nên quá lo lắng, nếu mua đồ ăn mà không được khử khuẩn, rồi đưa vào khu cách ly tập trung thì rất nguy hiểm', ông Chung nói.


Lo ngại dịch Covid-19, bà nội trợ Hà Nội 'bật chế độ' gia đình online

Lo ngại dịch Covid-19, bà nội trợ Hà Nội 'bật chế độ' gia đình online

 Từ ngày xuất hiện các ca dương tính với Covid-19 tại Hà Nội, gia đình chị Hoài đã ‘bật chế độ' online cho cuộc sống của mình.

Tú Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét