Thứ Hai, 7 tháng 9, 2020

Ngôi làng ở Hà Nội, con gái xưa đi lấy chồng phải mua gạch lát đường

Nhiều năm trước, dân làng Trinh Tiết (Mỹ Đức, Hà Nội) vẫn giữ tục lệ: Con gái trước khi xuất giá phải mua 200 viên gạch lát đường cho làng. 

Làng Trinh Tiết (Đại Hưng, Mỹ Đức, Hà Nội) lâu nay nổi tiếng bởi cái tên độc lạ và nhiều tục lệ đặc biệt.

Trong đó có tục con gái lấy chồng phải tặng cho làng 200 viên gạch đỏ lát đường và tục không tái giá sau khi chồng/vợ mất.

Con gái muốn lấy chồng, phải mua gạch lát đường

Ông Bùi Văn Thái - trưởng thôn Trinh Tiết cho hay, khởi nguồn làng có tên là Bối Lang. Sau được đổi là làng Sêu, cuối cùng đổi thành tên Trinh Tiết. Dân làng chủ yếu sống bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm.

Con gái ở đây vốn nổi tiếng xinh đẹp, đảm đang. Thời kỳ phong kiến, không ít người được tuyển chọn vào cung làm phi tần. Nhiều chàng trai nghe tiếng đồn, lặn lội đến đây hỏi vợ.

{keywords}
Ông Bùi Văn Thái - trưởng thôn Trinh Tiết.

Chia sẻ về tục góp gạch trước khi xuất giá của các thiếu nữ, ông Thái  kể: “Tục này có từ lâu đời nhưng đã biến mất vào thập niên 50 của thế kỷ trước”.

Xưa kia, làng vốn nằm trong vùng chiêm trũng. Mùa mưa đường sình lầy, đi lại khó khăn. Dân làng phải lấy thân cây tre chẻ nhỏ ra, buộc lại thành tấm ván, trải ra đường nhưng lối đi vẫn nhớp nháp bùn đất.

Năm nào thanh niên trai tráng trong làng cũng đào đất lấp đường. Thế nhưng, chỉ vài tháng đường lại lầy lội.

Các vị cao niên trong làng vận động mọi người đóng góp gạch làm đường nhưng không hiệu quả.

Một lần, trong cuộc họp tại đình làng, có người đưa ra ý kiến: "Cô gái nào lấy chồng xa phải đóng 2 mâm đồng để làng làm cỗ. Ai lấy chồng gần thì nộp 200 gạch lát đường”.

Nếu nhà gái không lo đủ, nhà trai có trách nhiệm lo giúp. Bao giờ nộp đủ gạch, lễ cưới mới được diễn ra.

Mọi người thấy ý kiến hay, nhất loạt đồng ý. Cứ thế, việc góp gạch trước khi xuất giá của con gái trong làng được truyền qua nhiều thế hệ và trở thành tục lệ.

{keywords}
Con đường lát gạch đỏ cuối cùng của làng đã được thay thế bằng bê tông. 

Cách đây 5 năm, những con đường gạch đỏ vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, từ khi bê tông hóa, chúng đã được phá bỏ.  

“Các cụ nhà tôi còn kể, nhiều con gái làng Trinh Tiết đến 13 tuổi đã bắt đầu dệt vải bán, gom tiền mua gạch. Một số gia đình khó khăn, phải cày cuốc cả năm mới đủ tiền mua 200 viên gạch theo yêu cầu”, ông Thái nói tiếp.

Theo ông Thái, ngày nay tục góp gạch cho làng đã mai một, chỉ còn là hoài niệm trong ký ức. Sau năm 1954, quy định các cô gái nộp gạch và mâm đồng trước khi lấy chồng chính thức biến mất. 

Không tái giá sau khi chồng/vợ mất

Ông Thái cho biết thêm, trước kia làng Trinh Tiết còn có truyền thống, phụ nữ góa chồng/đàn ông góa vợ ở vậy nuôi con. Tất cả đều không đi bước nữa.

Vị trưởng thôn khẳng định, đây không phải quy định bắt buộc do làng đưa ra mà xuất phát từ sự tự nguyện của mọi người.

Truyền thống này khởi phát từ câu chuyện tình yêu của cha mẹ Thành hoàng làng Bảo Công - một vị tướng tài thời vua Triệu Việt Vương, có công đánh đuổi giặc ngoại xâm. Ông được dân làng thờ trong đình Trinh Tiết.

{keywords}
Cổng làng Trinh Tiết (Mỹ Đức, Hà Nội).

Mẹ Thành hoàng làng là cô gái tài sắc, nên duyên với thầy địa lý ở miền trong. Hai người lập nghiệp trên quê vợ.

Sau khi sinh được ngài Bảo Công, người cha qua đời. Mẹ ông mới ở tuổi đôi mươi nhưng thương nhớ chồng, quyết không tái giá, nuôi con khôn lớn thành tài.

Về sau, dân làng Trinh Tiết học theo tấm gương đó. Nếu chẳng may chồng/vợ ai mất, người còn lại không đi bước nữa.

Đặc biệt, thời chiến tranh, làng có nhiều liệt sĩ nằm xuống ở mặt trận phía Nam. Vợ các liệt sĩ này cũng ở vậy suốt nhiều năm.

Trong đó có bà Lê Thị Vấn (75 tuổi). Vợ chồng bà cùng tham gia công tác thủy lợi tại địa phương. Hai người tìm hiểu nhau hơn 1 năm mới kết hôn. Con trai 5 tháng tuổi, ông lên đường nhập ngũ và hi sinh ở chiến trường Quảng Trị.

Năm đó, bà Vấn ngoài 20 tuổi. Con còn nhỏ, đàn ông dập dìu hỏi cưới, bà không chịu ai. Sau đó bà xin phép gia đình nhà chồng ra riêng, mua mảnh đất nhỏ, dựng căn nhà cho hai mẹ con sinh sống.

{keywords}
Bà Lê Thị Vấn chờ đợi chồng hàng chục năm, dẫu biết ông đi mãi không về. 

Hàng chục năm đằng đẵng nuôi con, cũng đến ngày hái quả ngọt. Giờ con trai bà đang là giáo viên. Con dâu hiếu thảo, ngoan ngoãn.

Bà khẳng định, chưa bao giờ mình hối tiếc vì ở vậy. “Câu nói cuối cùng tôi nói với chồng: “Anh đi mạnh khỏe, chiến thắng về với con. Em đợi”", bà Vấn nhớ lại.

Và bà đã đợi ông cả cuộc đời dẫu biết ông không bao giờ về nữa. Gần 20 năm trước, bà còn cất công vào Quảng Trị tìm mộ chồng.

Năm ông hi sinh, đồng đội chôn vội nên mất dấu. Thông tin duy nhất bà có được về ông là dòng chữ: Hi sinh tại Quảng Trị.

{keywords}
Căn nhà cũ năm xưa mẹ con bà Vấn ra ở riêng giờ thành công trình bếp.

Qua một số mối quan hệ, bà tìm được ông nằm trong nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh Quảng Trị nên đưa ông về quê an táng.

Ông Thái cho biết thêm, ngoài bà Vấn, còn nhiều người cũng lựa chọn sống cảnh góa bụa cho đến cuối đời. Như trường hợp bà Bùi Thị Tít (SN 1948), chồng bà Tít hi sinh năm 1971, chỉ sau kết hôn 3 tháng.

Hai người chưa có con nhưng bà Tít chấp nhận sống một mình cho đến khi mất.

“Ngày nay, truyền thống không tái giá của dân làng Trinh Tiết mai một đi ít nhiều. Phụ nữ hay đàn ông muốn tái giá luôn được dân làng ủng hộ. Vì đây là sự nhân văn. Nếu họ tìm được hạnh phúc ở nửa đời sau là điều đáng mừng.

Tuy nhiên, đạo lý giữ gìn sự thủy chung, bền chặt trong hôn nhân vẫn được đề cao. Đạo lý này được người đi trước răn dạy cho thế hệ sau”, ông Thái thông tin.

Chị bán đậu phụ và tâm huyết với những suất cơm đặc biệt cho bệnh nhân nghèo

Chị bán đậu phụ và tâm huyết với những suất cơm đặc biệt cho bệnh nhân nghèo

Bốn năm qua, chị Lý cùng những người phụ nữ ở thôn Yến Vĩ đã cung cấp miễn phí thực phẩm để nấu cơm tặng các bệnh nhân nghèo.

Minh Khuê - Nam Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét