Không thu hoạch mà ‘tặng’ cả cánh rừng chuối chín cho bầy chim ăn, anh Tâm bị nhiều người gọi là “điên”. Dù vậy 9X vẫn miệt mài với công việc phủ xanh núi và ‘gọi’ chim về.
Mua đất, trồng cả rừng chuối cho chim ăn
Nguyễn Trí Tâm (SN 1993, Bảo Lộc, Lâm Đồng) thừa nhận, quyết định bỏ dở sau 2 tháng nhập học tại một trường đại học (ở TP.HCM) của mình là một sự nổi loạn.
Tuy nhiên, anh lý giải, việc bỏ học, quay về quê là bởi anh không tìm thấy niềm đam mê trong ngành mình theo học. “Cuộc đời con hãy để con tự quyết định”, anh nói khi vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình.
"Nhiệt huyết, năng động và yêu thiên nhiên" là những điều Tâm miêu tả về bản thân trên Facebook. |
Nhiều năm sau đó, Tâm theo đuổi các công việc chụp ảnh, kinh doanh dịch vụ đám cưới, sinh nhật… Nhưng cuộc đời anh chỉ thực sự thay đổi khi một người bạn rủ đi theo một tour du lịch.
Từ chuyến đi này, anh suy nghĩ nhiều hơn về thiên nhiên xung quanh mình. Đặc biệt, cách đây 3 năm, chàng trai 9X lên núi Đại Bình (Bảo Lộc, Lâm Đồng). Trước mắt anh là khung cảnh của những khu rừng bị phá bỏ để lấy gỗ, lấy đất làm cà phê. Cảnh tiêu điều, buồn thẳm của rừng còn rõ rệt hơn khi không còn nhiều tiếng chim hót.
“Nhà ai cũng có 1 cây súng để bắn chim. Cung đường lên núi có 1 cây da đại thụ. Mùa trái chín, chim chóc về rất nhiều, người ta lợi dụng đặc điểm này thả sức săn bắn. Nhìn cảnh đó, tôi rất xót xa”, anh nói.
Một tổ chim non trên cây chuối do anh trồng. |
Có cây rừng, có thức ăn chim quay về ở một góc núi Đại Bình. |
Anh Tâm thuyết phục mẹ mua 3ha tại khu vực núi Đại Bình. Ý định của anh bị mẹ phản đối nhưng cuối cùng, trước sự kiên quyết của con trai, người mẹ đành gật đầu. Tuy nhiên để con có động lực phấn đấu, mẹ chỉ cho anh mượn mảnh đất trên.
Khi có đất, anh Tâm dụ chim về bằng cách trồng rất nhiều chuối trên diện tích 3ha rừng. Mùa chuối chín, thay vì thu hoạch, anh Tâm lại bỏ không cho chim rừng ăn.
Đàn chim rừng quay trở lại cũng là lúc anh tìm cách vận động người dân ngừng săn bắn. “Người ta nói tôi điên khi bỏ tiền mua đất để trồng chuối cho chim ăn. Tôi nói: “Em biết hái chuối bán sẽ có tiền nhưng em muốn để chim về cho bà con vui”. Sau đó, tôi quay các clip tình mẫu tử của chim, cảnh chim con mất mẹ… đưa cho họ xem và vận động từ từ”.
"Trồng cà phê, tôi cũng không thu hoạch hết, để một phần quả chín cho chim ăn", anh Tâm chia sẻ. Trong ảnh là cây cà phê trổ hoa. |
Mưa dầm thấm lâu, người dân quanh vùng đã bỏ thói quen săn bắn chim. Có đàn chim về nhưng nhiều mảnh rừng bị phá bỏ vẫn khiến Tâm đau xót. Một mình trồng rừng không xuể, anh lên kế hoạch vận động người dân cùng chung tay gây dựng lại rừng.
‘Ai trồng cây, người đó có hạnh phúc’
Năm 2019, chàng trai bắt tay thực hiện dự án du lịch trekking trải nghiệm kết hợp trồng rừng. Anh thiết kế tour du lịch cho mọi người có thể trải nghiệm vẻ đẹp của rừng núi và mỗi người sẽ trồng 1 cái cây để gây rừng.
Khách tham gia trải nghiệm sẽ xuất phát từ lúc 3h chiều ở chân núi. Trong vòng 2 tiếng đồng hồ, họ sẽ leo và vượt quãng đường 3km để lên núi Đại Bình.
"Biển mây" trên núi Đại Bình. |
Khách đốt lửa trên đường trekking. |
5h lên đến đỉnh núi, du khách sẽ ngắm cảnh hoàng hôn và dựng lều trại. Tối, khách có thể vừa ngắm sao, nghe âm thanh của núi rừng về đêm. Họ ăn uống, hát hò giao lưu cho đến khuya.
Sáng sớm, 4h30, khách trải nghiệm sẽ dậy ngắm bình minh, ngắm biển mây. Buổi sáng cũng là thời điểm thích hợp để bắt đầu việc trồng cây.
Tiền mua cây được anh Tâm trích từ chi phí khách mua tour trải nghiệm. Các loại cây anh chọn là cây gỗ phát triển lâu năm như: sưa, cẩm, trắc, muồng…
“Mỗi người lên đến đây chỉ trồng 1 cây bởi mảnh đất 3ha không phải diện tích lớn trong khi khu rừng ngoài kia bị khai thác còn nhiều hơn. Điều mình muốn là mọi người có ý thức về trồng cây gây rừng. Sau đó, họ đi đâu cũng có thể trồng cây xanh”, anh Tâm nói thêm.
“Tôi hướng dẫn họ cách trồng cây như thế nào. Ví dụ xé bầu đất cũng phải đúng kỹ thuật, nếu xé mạnh sẽ làm bầu đất vỡ ra. Khi trồng, quay hướng cây ra sao bởi mỗi cây có hướng phát triển khác nhau. Người trồng phải chọn hướng phù hợp’, anh nói.
Trong chuyến đi, du khách được anh Tâm hướng dẫn, giảng giải thêm về rừng, đồi núi từ đó giúp họ có thêm tình yêu và ý thức, trách nhiệm với thiên nhiên.
Du khách tham gia trải nghiệm với yêu cầu "mỗi người trồng một cây rừng". |
Cây được chọn là cây thân gỗ lâu năm như: sưa, cẩm, trắc, muồng… |
Em bé cũng theo mẹ lên núi trồng cây. |
Người tham gia tour cũng phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo về xả rác. Họ chỉ được phát mỗi người 1 chai nước duy nhất sau đó lấy nước từ bình lớn để tránh thải ra nhiều chai nhựa. Với rác hữu cơ, khách phải chôn xuống các gốc cây, với túi nilon, nhựa, thủy tinh… cũng phải phân loại sau đó đưa xuống núi để xử lý.
Anh Tâm ấn tượng nhất với vị khách 79 tuổi từ Sài Gòn tham gia trải nghiệm. Ông cố gắng hoàn thành chặng đi của mình và ghi dấu với 1 cây xanh được trồng trên đỉnh Đại Bình.
Cây được khách du lịch trồng nhưng anh Tâm lại là người chăm sóc. Một năm ở Lâm Đồng đặc trưng với 6 tháng nắng và 6 tháng mưa. Mùa mưa, họ tranh thủ trồng cây, mùa nắng anh tìm cách tưới nước vì lúc này lượng nước rất hạn chế.
Nhưng khó khăn nhất với anh chính là việc thay đổi cách suy nghĩ của người dân. “Người ta chỉ thích trồng các cây có thể thu hoạch nhanh như cà phê, bơ, sầu riêng… còn cây rừng vừa lâu năm lại ít giá trị kinh tế.
Khi tôi trồng cây rừng trên phần đất của mình, họ cũng khó chịu, yêu cầu trồng cây cách xa đất của họ, tán cây không được phủ qua vườn nhà họ. Bởi cây rừng cao và che làm cây cà phê không phát triển được”, anh nói.
“Tuy nhiên hiện tại nhận thức của người dân đã tốt hơn. Đặc biệt sau đợt lũ lụt tại miền Trung, người ta mới biết thiên nhiên quý giá đến mức nào. Những người bạn của tôi cũng bắt tay làm tour du lịch kết hợp trồng rừng”, anh nói thêm.
Sắp tới, anh Tâm dự định tổ chức chương trình trồng khoảng 500 cây. Anh liên kết với chính quyền địa phương để cùng phủ xanh lại phần rừng đã bị chặt.
“Ban đầu tôi bỏ tiền túi để mua cây. Sau đó, mọi người góp thêm vào. Hiện, mỗi cây trên núi đều mang trong mình một câu chuyện. Cây này được 1 người bạn cho, cây kia được 1 người mang từ rất xa về tặng… Tất cả đều với mong ước phủ xanh lại một phần của núi”.
Chi tiền thu mua túi nilon trên cây để dọn rác cho vùng lũ
Bỏ tiền mua rác là cách mà chị Dung và các thành viên trong nhóm từ thiện đã triển khai để thu gom rác, làm sạch môi trường sau khi lũ đi qua.
Ngọc Trang (Ảnh: NVCC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét