Cuộc đời của một con người, càng đi nhiều, càng làm nhiều thì lời xin lỗi sẽ càng được nói ra nhiều. Nhưng, có lúc nào đó chúng ta dành một lời xin lỗi cho chính bản thân mình?
Ngay từ khi còn bé, lúc chúng ta làm sai, chúng ta được dạy phải vòng tay và nói lời xin lỗi với người mà chúng ta đã gây ra lỗi lầm.
Rồi chúng ta lớn lên. Vòng lặp sai- xin lỗi như một điều tất yếu phải xảy ra, nhất là khi chúng ta thật sự đặt những bước chân vào đời. Những va chạm trong tình cảm cá nhân, môi trường công việc và đặc biệt là những quan hệ xã hội đã khiến chúng ta có đôi lần nói lời xin lỗi trong kiêu hãnh, nhưng cũng nhiều lần nói lời xin lỗi mà thanh âm gần như không thoát ra khỏi miệng…
Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phong Việt. |
Và không ít lần, chúng ta cương quyết lặng im dù biết rõ chúng ta sai. Có khi vì ương bướng, có khi vì nghĩ mình cần được chiều chuộng hoặc cũng có khi chúng ta bất cần kiểu có ra sao thì ra.
Người chưa trưởng thành, đợi nói ra lỗi kiểu bắt tận tay day tận mặt mới nói lời xin lỗi.
Người trưởng thành, biết mình sai và nói lời xin lỗi ngay cả khi không cần đợi ai nhắc.
Cuộc đời của một con người, càng đi nhiều, càng làm nhiều thì lời xin lỗi sẽ càng được nói ra nhiều. Nhưng, thực tế trong một ngàn, một trăm ngàn hay có khi cả triệu lời xin lỗi ấy, có lúc nào đó chúng ta dành một lời xin lỗi cho chính bản thân mình!
Khi có những ngày, chúng ta rời bỏ một mối quan hệ, đày đọa bản thân mình trong một mớ cảm xúc hỗn độn của nước mắt, cào cấu, tuyệt thực và cả ý nghĩ tuyệt vọng không còn gì thiết tha sống. Chúng ta đặt bản thân chúng ta vào một thứ thử thách mà chỉ làm cơ thể và tâm trí yếu đuối, tệ hại đi chứ không phải giúp chúng ta mạnh mẽ hơn.
Rồi những ngày chúng ta làm việc cuồng điên, ăn qua loa, ngủ cuống quýt để kịp hoàn thành một công việc nào đó đủ để khiến chúng ta nở mày nở mặt với đồng nghiệp và đối tác.
Chúng ta, phần lớn đều ăn quá nhiều những món chúng ta ưa thích để khi nằm xuống thấy mình mệt đến nỗi không muốn trở mình.
Và thêm nữa những ngày chúng ta để mình giận dữ đến mức không còn nhận ra tiếng người. Buồn chán đến mức từ chối tiếng người. Và cô độc đến mức không muốn làm người.
Chúng ta cần thõa mãn mắt nhìn. Thỏa mãn vị giác. Thỏa mãn cảm giác sung sướng trong hiện tại mà quên mất trái tim, tâm hồn và kể cả cơ thể chúng ta có muốn chịu đựng những điều ấy.
Ở đời, cái gì tốt cho con người thường bao giờ cũng khó khăn, thậm chí là rất khó khăn kể cả là sự trưởng thành hay một món ăn.
Nhưng chúng ta cương quyết không xin lỗi vì chúng ta ghét phải thừa nhận chúng ta- thật ra chỉ là một kẻ yếu đuối- với chính mình.
Sẽ đến một ngày nào đó, trong một tương lai nào đó (hy vọng là không xa), chúng ta sẽ ngồi xuống ở một nơi thân thuộc hay xa lạ và nói ra một lời xin lỗi:
-Xin lỗi vì đã để bản thân mình trải qua tất cả những điều tệ hại ấy mà không một lời hỏi han!
- Xin lỗi, vì đã để chúng ta đi qua quá nhiều cơn đau mới có thể trưởng thành!
'Ba ơi, ba không được nhắm mắt!'
Tuổi thơ của tôi là một tuổi thơ ngoài ruộng vườn và ngõ xóm. Hầu như không có lúc nào tôi ngồi thủ thỉ với ba, trừ những lúc hiếm hoi ba cắt tóc cho tôi trong cái tiệm hớt tóc nhỏ mở ngay trước nhà.
Nguyễn Phong Việt
(Trích: "Chúng ta sống có vui không" - Skybooks và NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét