Shu Matsuo Post tự gọi mình là người đấu tranh vì nữ quyền, nhưng không phải ngay từ khi sinh ra anh ấy đã có tư tưởng như vậy.
Suốt 28 năm đầu tiên của cuộc đời, anh chưa bao giờ cố gắng hiểu cảm giác của một cô gái hay một người phụ nữ sống trong một xã hội gia trưởng, định kiến.
Cuối cùng, anh gặp một cô gái là vợ anh hiện tại - Tina. Cô đã giúp chồng nhận ra rằng, để trở thành người đàn ông đúng nghĩa không cần phải tỏ ra đại trượng phu hay không cần phải tuân theo những kịch bản hẹn hò lỗi thời cho rằng đàn ông phải trả tiền cho bữa tối.
Tina và Shu Matsuo Post tới thăm một vườn táo ở Minnesota, Mỹ vào năm ngoái. |
Shu dành phần lớn thời niên thiếu của mình ở Mỹ và khi trở về Nhật Bản, anh đã trải qua một cuộc khủng hoảng nhân dạng vì phải thích nghi với hình ảnh khuôn mẫu của một người đàn ông Nhật Bản.
Anh có cơ hội sống và làm việc ở Hồng Kông. Ở đó, anh gặp Tina, người Nga vào năm 2014. Cô là một nhà nữ quyền tự xưng, người đã thách thức những định kiến về giới.
Khi 2 người quyết định kết hôn vào năm 2017 ở Nhật Bản, cả hai đều không muốn phải bỏ họ của mình. Vợ chồng này tin rằng, họ chính là một phần không thể thiếu của bản sắc cá nhân và việc thay đổi nó nên tuỳ thuộc vào mỗi người. Vì thế, Tina và Shu quyết định lấy cả 2 họ.
Trong khi đó, luật pháp Nhật Bản yêu cầu các cặp vợ chồng kết hôn phải đổi sang họ của một trong hai người. Tuy nhiên, trong các cuộc hôn nhân giữa một người Nhật và một người nước ngoài, luật này không cần phải thực thi.
Mặc dù theo luật, nam giới có quyền lấy họ của vợ, nhưng 96% phụ nữ Nhật chọn đổi sang họ của chồng.
Ở Mỹ, Tina chỉ mất khoảng 15 phút để đổi tên từ Tina Post sang Tina Matsuo Post, nhưng ở Nhật Bản, Shu đã mất 8 tháng để đổi tên anh từ Shuhei Matsuo sang Shuhei Matsuo Post.
Một công việc nữa mà Shu phải làm là cập nhật lại toàn bộ giấy tờ bằng cái tên mới - từ hộ chiếu cho tới bằng lái xe, thẻ tín dụng, tài khoản email, danh thiếp… những gánh nặng hành chính mà hiếm khi nam giới phải làm trong nhiều xã hội.
“Hầu hết đàn ông không bao giờ phải trải qua những việc này. Tại sao người ta lại cho rằng phụ nữ lấy theo họ của chồng là điều tất nhiên? Nếu đó là lựa chọn của cô ấy thì thật tuyệt, nhưng nếu không, tại sao chúng ta lại mong đợi một người phụ nữ đánh mất bản sắc của mình vì một người đàn ông?”, doanh nhân 35 tuổi nói.
Shu Matsuo Post mô tả quá trình đổi sang họ vợ trong cuốn sách "I Took Her Name". |
Tất cả những trải nghiệm và quan điểm này của anh được đúc kết trong cuốn sách “I Took Her Name” (Tôi lấy tên cô ấy) đã được xuất bản vào tháng 12 năm ngoái.
Đang nghỉ làm 7 tháng để chăm con, anh sử dụng mạng xã hội để truyền tải thông điệp của mình với tư cách một nhà nữ quyền nam giới.
Tina, người đang dạy về giới và ngôn ngữ học cho học sinh trung học, cho rằng, họ không phải là những nhà nữ quyền hoàn hảo nhưng họ làm việc chăm chỉ với tư duy phản biện và tư duy cởi mở. Cô cảm thấy vui khi chồng mình tìm thấy đam mê trong lĩnh vực chuyên môn của cô.
“Thường thì tôi sẽ thách thức anh ấy về việc liệu lựa chọn của anh ấy có phải là thật hay chỉ vì anh ấy đang cố gắng trở thành một người theo chủ nghĩa nữ quyền. Giống như khi anh ấy cố tình lấy thứ gì đó màu hồng thay vì màu xanh cho con trai chúng tôi” - cô nói.
Shu nói rằng, đàn ông phải bắt đầu thừa nhận những đặc quyền mà họ được hưởng. Anh biết, việc làm theo anh không dễ dàng gì với đàn ông Nhật Bản, đặc biệt là thế hệ lớn tuổi vẫn đang giữ những định kiến về giới đã lỗi thời.
“Xã hội Nhật Bản rất đặc biệt và sự phân biệt đối xử với phụ nữ được chấp nhận như một phần của cuộc sống hằng ngày. Hai điều mà đàn ông có thể làm để giúp khắc phục điều này là làm nhiều việc nhà hơn và nghỉ làm để chăm sóc con nhỏ khi vợ vừa sinh. Bình đẳng giới mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, cả nam và nữ”.
Shu Matsuo Post xin nghỉ làm để chăm con mới sinh. |
Shu cho rằng, nam giới ít có xu hướng tìm kiếm sự hỗ trợ về các vấn đề sức khoẻ tâm thần hơn nữ giới và họ có nguy cơ tử vong vì tự tử cao hơn nhiều. Nguyên nhân là do định kiến về nam tính đã cản trở sự giúp đỡ.
Năm 2019, nam giới chiếm 69,8% số vụ tự tử ở Nhật Bản. Phụ nữ có nhiều nguy cơ được chẩn đoán là mắc chứng lo âu và trầm cảm. Các nghiên cứu cho thấy nó liên quan đến những áp đặt mà họ thường xuyên phải đối mặt.
Shu cho rằng, bình đẳng giới nên bắt đầu từ gia đình và gia đình cần phải đi tiên phong.
“Tôi thực sự tin vào việc làm gương. Tôi biết mình chỉ là một người, nhưng tôi có thể tạo ra sự khác biệt trong cộng đồng của mình. Như khi mới đây, tôi nghe nói rằng một đồng nghiệp của tôi, người sắp lên chức bố vào tháng tới - đã nhìn thấy những gì tôi làm và quyết định xin nghỉ phép ở nhà chăm sóc con. Điều đó khiến tôi rất vui”.
Shu cho rằng, bằng cách nói chuyện với thế hệ trẻ về bình đẳng giới và những gì cần phải làm để xây dựng một thế giới bình đẳng, bạn đang góp phần hình thành thế giới quan của trẻ cho một tương lai tốt đẹp hơn với tất cả mọi người.
“Tôi tưởng tượng đến ngày con hay cháu mình sẽ cười khi nhắc đến thời kỳ mà bất bình đẳng giới còn tồn tại vì thế giới của chúng sẽ bình đẳng hơn rất nhiều. Tôi thực sự hi vọng ngày đó sẽ đến”, anh nói.
Xem thêm video: Tại sao các trường học nhật bản không cho nữ sinh mặc quần chống rét giữa trời đông?
Nguyễn Thảo (Theo Japan Times)
Những phụ nữ Nhật lấy chồng Triều Tiên, một đời không được về quê
Bà Mitsuko rời Nhật Bản để xây dựng một cuộc sống mới ở Triều Tiên vào năm 1960. Nhưng khi đặt chân tới đất nước này, bà mới biết rằng bà và hàng trăm người khác giống như bà có thể không bao giờ được quay trở lại quê hương.
Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét