Nhàm chán với các loại hình giải trí ở thành phố, nhiều người trẻ chọn leo núi để có những trải nghiệm mới mẻ.
Đoạn đường được mệnh danh là "sống lưng khủng long" của đỉnh Phia Po, Mẫu Sơn, Lạng Sơn. |
"Sống lưng khủng long" chụp từ flycame. Ảnh: Thuận Bùi |
Trong khoảng 2 năm gần đây, nhiều bạn trẻ chọn du lịch leo núi Mẫu Sơn để làm giàu trải nghiệm của bản thân vào những dịp nghỉ lễ tết.
So với các ngọn núi khác, núi Cha (hay còn gọi là núi Phia Po) thuộc quần thể núi Mẫu Sơn (thuộc 2 huyện Cao Lộc và Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) là cái tên mới được biết đến. Chính vì thế, khung cảnh thiên nhiên nơi đây vẫn còn giữ được những nét hoang sơ, nguyên vẹn hiếm có.
Với độ cao 1.541m, đỉnh núi Phia Po không chỉ thu hút những du khách yêu thích bộ môn leo núi, mà còn hấp dẫn cả những bạn trẻ yêu thích nhiếp ảnh. Có thể nói, ngọn núi này là một trong những ngọn núi có cảnh quan đa dạng và đẹp nhất trong số nhiều ngọn núi phía Bắc.
Với địa hình đa dạng, Phia Po sở hữu cả đồng cỏ xanh mướt vào mùa hè, chuyển dần sang màu bạc trắng vào mùa đông. Rừng nguyên sinh của Phia Po cũng sở hữu thảm động thực vật phong phú. “Sống lưng khủng long” - tên gọi được du khách đặt cho con đường mòn với 2 bên là vách núi - cũng là một trong số những nét đặc trưng hiếm có của đỉnh núi này.
Trên đường leo núi, ở nửa quãng đường đầu, du khách sẽ gặp những người dân bản địa sống dưới chân núi đi chăn dê hoặc hái cây thuốc. Nhiều dân bản địa ở đây cho biết, mặc dù họ leo ngọn núi này có thể nói là hằng ngày nhưng cả cuộc đời họ cũng chỉ mới leo lên đỉnh khoảng đôi ba lần.
So với các ngọn núi khác, Phia Po chỉ khiêm tốn với 1.541m, nhưng để chinh phục được ngọn núi này, du khách cũng mất khoảng 4, 5 tiếng cho chuyến đi lên và 4 tiếng cho chuyến đi xuống với tốc độ trung bình.
Không chỉ hấp dẫn du khách bằng cảnh sắc và cảm giác phiêu lưu cho những người thích trải nghiệm, Mẫu Sơn còn gắn với truyền thuyết về một mối tình tuyệt đẹp nhưng có cái kết đau lòng. Núi Cha, núi Mẹ, núi Con, núi Cháu cũng được người dân bản địa đặt tên theo truyền thuyết này. Dân gian còn cho rằng những ai đặt chân lên được đỉnh núi này sẽ đạt được may mắn trong cuộc sống và công việc.
Đinh Văn Hồng - người dẫn đường leo núi có kinh nghiệm ở Mẫu Sơn cho biết, núi Phia Po mới được du khách biết đến khoảng 2 năm gần đây. Vào mùa đông - mùa leo núi, có tháng số lượng du khách đến đây trải nghiệm lên tới vài trăm người, có cả khách trong nước và nước ngoài. Bản thân anh từng dẫn một số đoàn nước ngoài.
Anh kể: “Người nước ngoài tới đây trải nghiệm thường ở độ tuổi trung niên. Họ ít chụp ảnh, đi nhanh và khoẻ hơn người Việt. Có lần, mình dẫn đoàn có 2 người đàn ông người Ba Lan. Họ lên đỉnh chỉ mất 3,5 tiếng và xuống mất 1,5 tiếng vì họ là dân thể thao chuyên nghiệp”.
Anh Hồng cho biết, thậm chí anh từng dẫn cả một số đoàn có những vị khách đặc biệt - là những bạn nhỏ học cấp 1, cấp 2 đi cùng bố mẹ. “Những bạn nhỏ này thường cũng được bố mẹ cho đi leo núi nhiều, đã được rèn luyện từ trước rồi”.
Ở khu vực nhiều đá, du khách sẽ bắt gặp những chú dê đi kiếm ăn. |
Để trải nghiệm đỉnh Phia Po một cách sâu sắc hơn, du khách cũng có thể chọn ngủ lại qua đêm ở khu cắm trại thay vì leo lên lên xuống trong ngày.
“Sau khi băng qua khu đồng cỏ và sống lưng khủng long, có một khu vực thích hợp để du khách dựng lều ngủ lại qua đêm. Thời tiết ở đây về đêm rất lạnh nên du khách cần phải trang bị đầy đủ áo ấm, chăn… để sáng hôm sau tiếp tục lên đỉnh đón bình minh”, anh Hồng chia sẻ.
Anh Hồng cũng cho biết, vì mới khai thác du lịch nên núi Phia Po chưa có khu vực lán trại cho khách nghỉ chân. Với tư cách một hướng dẫn viên gần như là duy nhất ở đây, anh Hồng cho rằng việc xây dựng lán trại cũng là việc nên làm nhưng chỉ nên xây dựng bằng tre nứa, đắp đất để hoà hợp với thiên nhiên, chứ không nên cho xây dựng kiên cố, phá hỏng cảnh quan.
“Để giữ sạch ngọn núi, là người dẫn đường, mình luôn có ý thức nhắc nhở du khách giữ lại rác trong người để mang xuống núi. Với dân leo núi chuyên nghiệp, ý thức của họ khá tốt. Tuy nhiên, với một số người mới leo, vẫn còn nhiều du khách có ý thức kém, ăn uống xong vứt lung tung, thậm chí giấu rác vào những nơi khó nhìn. Hôm sau bọn mình leo lên, nhìn thấy lại phải dọn đi”.
Chia sẻ về kinh nghiệm leo núi Phia Po, anh Hồng nói: "Trước khi đi, các bạn nên tìm hiểu sơ qua về địa hình, thời gian leo xem sức khoẻ của bản thân có đáp ứng được hay không.
Đồng thời, các bạn nên tìm cho mình một người dẫn đường là người dân bản địa hoặc có kinh nghiệm để tránh bị lạc trong rừng. Người dẫn đường có vai trò quan trọng thậm chí với cả những người leo núi có thâm niên".
Một số hình ảnh du khách chinh phục đỉnh Phia Po, Mẫu Sơn:
Có những đoạn dốc đứng trên đường chinh phục Phia Po. |
Vào mùa hè, những thảm cỏ vẫn còn màu xanh mướt. |
Mùa đông, màu cỏ cháy cũng thực sự gây ấn tượng trong các bức hình. |
"Cây cô đơn" - một điểm "sống ảo" nổi tiếng trên đường leo Phia Po. |
Du khách chinh phục Phia Po vào những ngày lạnh nhất. |
Thảm thực vật trong rừng nguyên sinh rất đa dạng. |
Du khách "check in" với trời xanh, mây trắng. |
Điểm cắm trại ngủ qua đêm. |
Đỉnh núi vẫn còn ở phía trước.
|
Xem thêm video: Bức tường leo núi nhân tạo cao nhất thế giới
8X Sài Gòn chinh phục 8 ngọn núi trong 18 ngày, cộng đồng leo núi nể phục
Hành trình chinh phục 8 ngọn núi trong vòng 18 ngày của anh Phan Duy Linh được cộng đồng đam mê leo núi thán phục.
Đăng Dương
Ảnh: Ngọc Minh
Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét