Mỗi ngày, Phúc ăn ngủ cùng các F0, đảm bảo mọi dấu hiệu bất thường của bệnh nhân đều được thông báo đến lực lượng y tế. Có lúc, anh trở thành “phao cứu sinh” gần nhất của người bệnh trở nặng.
Xem video:
“Tôi thương các bệnh nhân..."
Đang học sĩ quan dự bị được một tuần, Nguyễn Vĩnh Phúc (21 tuổi, Quận 10, TP.HCM) bị lây nhiễm Covid-19 từ các học viên khác. Lần ấy, cả đại đội của Phúc đều được đưa vào Bệnh viện dã chiến phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do nCov (huyện Củ Chi, TP.HCM) cách ly, điều trị.
Khi các đồng đội của Phúc đã được xuất viện, anh vẫn bị những cơn ho khan, nặng ngực hành hạ. Phúc buộc phải lưu lại bệnh viện để tiếp tục điều trị.
Những ngày nằm trên giường bệnh, thở oxy, Phúc cảm nhận rõ sự vất vả, lo toan của các y bác sĩ trong việc giành giật lại sự sống cho mình. Cũng trong thời gian này, Phúc thấy một người bạn của mình tất tả chăm sóc các bệnh nhân yếu hơn.
Vừa vượt qua Covid-19, Nguyễn Vĩnh Phúc tình nguyện hỗ trợ y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến. |
Những hình ảnh ấy khiến Phúc cảm động. Anh quyết định sau khi bệnh tình thuyên giảm sẽ xin được hỗ trợ lực lượng y tế trong việc chăm sóc bệnh nhân. Nam sĩ quan chia sẻ: “Tôi thương bệnh nhân đặc biệt là những cô chú lớn tuổi”.
“Vào viện điều trị, nhiều cô chú không có người thân, gia đình bên cạnh. Vốn đã hiu quạnh nay họ càng cô đơn hơn. Các y bác sĩ, điều dưỡng dù nỗ lực hết mình nhưng cũng không thể nào sâu sát được hết vì bệnh nhân quá đông. Thấy vậy, tôi xin chăm sóc các cô chú như chăm người nhà của mình”, anh nói thêm.
Khu cách ly nơi Vĩnh Phúc điều trị bệnh. |
Khi bệnh tình thuyên giảm, có thể cai máy thở, Phúc được người bạn của mình hướng dẫn một số việc giản đơn để chăm sóc bệnh nhân. Sau đó, anh tiếp tục được lực lượng y tế tại đây tập huấn, hướng dẫn thêm một số kỹ năng chăm sóc bệnh như: lắp máy HF, siêu âm, đo chỉ số SP02, đo huyết áp…
Mỗi ngày, Phúc đo sinh hiệu, huyết áp, quay clip bệnh nhân thở... rồi gửi cho bác sĩ. Thông qua các clip này, lực lượng y tế có thể kiểm tra xem nhịp thở của bệnh nhân có gì bất ổn hay không để đưa ra những chỉ định kịp thời.
Công việc của nam sĩ quan trẻ đã giảm tải, hỗ trợ không ít cho các y bác sĩ trong những thời điểm bệnh viện tiếp nhận nhiều ca bệnh mới.
Hằng ngày, Phúc đo sinh hiệu, huyết áp… cho các bệnh nhân. |
Ngồi phơi nắng cùng đứa con mới 7 tháng tuổi, chị Đặng Mộng Thúy (29 tuổi, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) luôn miệng khen “các bác sĩ và chú bộ đội tại bệnh viện rất tốt và nhiệt tình”. Một mình xa quê, nhập viện chăm sóc đứa con út nhiễm bệnh suốt gần 1 tháng qua, chị Thúy trải qua mọi sự vất vả, cực nhọc.
May mắn thay, ngoài các bệnh nhân cùng phòng, chị Thúy còn nhận được sự hỗ trợ từ những người như Phúc. Chị nói: “Một mình tôi chăm con 7 tháng tuổi nên rất cực. Đã thế, tôi xa quê, xa đứa con mới 2 tuổi suốt 2 tháng qua nên nhớ nhà, nhớ con lắm”.
Chị Thúy và đứa con 7 tháng tuổi của mình tại bệnh viện. |
“Nhớ con, đêm nào tôi cũng khóc. May mắn là ở đây, ai cũng thương mẹ con tôi. Khi bé còn chưa đỡ, những tình nguyện viên và cả F0 như Phúc đều cố gắng hỗ trợ mẹ con tôi. Khi bé khóc, các anh cũng thay nhau ẵm bồng, dỗ cho nín. Thậm chí, lúc tôi bận, các anh còn chơi cùng mấy bé nữa”, chị nói thêm.
“Phao cứu sinh” gần nhất của bệnh nhân
Công việc của Vĩnh Phúc kéo dài từ sáng sớm đến đêm khuya. Không lúc nào anh cho phép mình ngơi nghỉ. Sáng, sau khi bệnh nhân ăn uống, anh đến đo huyết áp, kiểm tra nhịp thở…
Trưa, Phúc tiếp tục rảo qua những giường bệnh có bệnh nhân phải thở máy để đo sinh hiệu, quay clip bệnh nhân thở và hỏi xem người bệnh có cần hỗ trợ gì hay không.
Khi mọi chỉ số của các bệnh nhân đều ổn định, anh đến bên cạnh những người không có người thân để hỏi thăm, trò chuyện… Những cuộc trò chuyện có nam sĩ quan trẻ tham gia đều rất thân tình, vui vẻ. Các bệnh nhân có tuổi tại khu cách ly đều rất yêu quý và xem Phúc như một người con, cháu trong nhà.
Trong lúc đo sinh hiệu, huyết áp, chỉ số SP02, Phúc luôn tranh thủ thăm hỏi, động viên người bệnh. |
Tối đến, Phúc đi từng phòng bệnh để thăm bệnh nhân, xem nước tại các giường bệnh đang phải thở HFNC (thở oxy lưu lượng cao) có thiếu, hụt hay không, bình oxy đã cạn chưa… Mỗi khi có bệnh nhân buồn, nhớ nhà, anh ngồi lại trò chuyện, chia sẻ để họ vơi đi nỗi hiu quạnh.
Ông T.B.M. (72 tuổi, Quận 12, TP.HCM) phát hiện mình nhiễm Covid-19 sau lần đến quán cà phê quen uống nước, đánh cờ tướng. Sống một mình, khi vào Bệnh viện dã chiến phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do nCov, ông trông chờ sự hỗ trợ đến từ lực lượng tình nguyện viên và những F0 như Phúc.
Người phụ nữ này cũng rời quê Bến Tre lên chăm cháu nhiễm bệnh. Tại bệnh viện, ngoài lực lượng tình nguyện viên, bà cũng được Phúc hỗ trợ trong việc chăm cháu, điều trị bệnh. |
Ông nói: "Tôi nhớ lần tôi nặng ngực, khó thở trong đêm thứ 3 vào viện. Đêm đó, may mà có cháu Phúc hướng dẫn tôi nằm nghiêng cho dễ thở và gọi bác sĩ đến hỗ trợ".
"Mấy hôm sau, đêm nào cháu Phúc cũng đến thăm hỏi, trò chuyện với tôi rất thân tình. Tôi có yêu cầu gì, cháu Phúc đều cố gắng giúp cả", ông M. nói thêm.
Tại khu cách ly, đêm là thời gian Phúc lo lắng và cần phải tỉnh táo hơn cả. Thời điểm này, bệnh nhân trở nặng thường có dấu hiệu khó thở, hụt hơi. Người bệnh dễ rơi vào trạng thái hoang mang tột độ.
Nếu không có người bên cạnh, kịp thời trấn an, thực hiện các thao tác sơ cứu, bệnh nhân sẽ trở nặng bất ngờ. Những lúc như thế, Phúc trở thành “phao cứu sinh” gần nhất của người bệnh nặng.
Anh gọi báo tổng đài, đảm bảo họ cảm thấy có người bên cạnh, hỗ trợ mình trong lúc khó khăn nhất. Phúc thực hiện công tác tư tưởng, ổn định tâm lý, giúp người bệnh bình tĩnh rồi hướng dẫn họ nằm nghiêng để thở dễ dàng hơn.
Sau đó, Phúc quay clip bệnh nhân thở, gửi cho bác sĩ và thực hiện theo sự hướng dẫn của lực lượng này. Công việc trên đảm bảo người bệnh được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất trong lúc chờ đợi bác sĩ có mặt.
Lúc rảnh rỗi, Phúc đến trò chuyện với bệnh nhân cao tuổi, neo đơn để họ vơi bớt nỗi buồn. |
Với những trường hợp như thế, Phúc phải thức trọn đêm. Có hôm, 1-2h sáng, khi đảm bảo mọi bệnh nhân đều ổn định, anh mới tranh thủ chợp mắt. Tuy vậy, nam sĩ quan trẻ vẫn chưa một lần cho rằng công việc trên khiến mình mệt mỏi.
Phúc luôn cảm thấy rất vui khi được các bệnh nhân nặng nở nụ cười với mình. Anh nói: “Giúp được bệnh nhân, đặc biệt là các cô chú có tuổi, tôi vui lắm dẫu làm đến 1-2h sáng tôi cũng không thấy mệt”.
“Các cô chú hết bệnh, tôi vui như người thân mình khỏi bệnh vậy. Mỗi ngày, tôi luôn hi vọng, cố gắng làm sao để người thở máy sẽ cai được máy thở, người bệnh nhẹ sẽ được ra về”, Phúc nói thêm.
Bài, ảnh, clip: Nguyễn Sơn
Bức thư đáng yêu bé gái gửi chú bộ đội cổ vũ tinh thần chống dịch
Những ngày qua, hình ảnh các chú bộ đội đi chợ mua nhu yếu phẩm thay người dân, hỗ trợ công tác phòng chống dịch… đã nhận được nhiều tình cảm của người dân và cộng đồng mạng.
Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét