Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

Những câu chuyện đời sống 'dậy sóng' VietNamNet năm qua

2021 là một năm tràn ngập cảm xúc với bạn đọc VietNamNet, xin được điểm lại những câu chuyện nhận phản hồi nhiều nhất năm qua.

Câu chuyện mới đây nhất là bé gái 8 tuổi bị "dì ghẻ" hành hạ đến chết nhận được nhiều bình luận phẫn nộ từ độc giả. Nhưng còn có nhiều điều ấm áp, yêu thương như loạt chia sẻ “Cha mẹ trong tim tôi”, hay chuyện tình của thầy giáo và người vợ mù điếc. 

1. Những điều tử tế

Xin bắt đầu bằng câu chuyện đầy ngưỡng mộ trong năm qua là chuyện tình của thầy giáo yêu tha thiết người vợ mù điếc, chăm sóc suốt 15 năm >>Xem câu chuyện tại đây.

{keywords}
Vợ chồng thầy giáo Đàm Trọng Tuấn, Dư Phương Liên và con trai.

Những thăng trầm trong cuộc sống của vợ chồng thầy giáo Đàm Trọng Tuấn và Dư Phương Liên đã khiến bao độc giả phải cay sống mũi. Bạn Trương Lan tâm sự: “Đọc mà nước mắt không ngừng rơi mọi người ơi! Thương quá người vợ và cảm phục người chồng có tình yêu chân chính. Chúc cả gia đình mãi hạnh phúc!”. Còn độc giả Trường Vũ Phạm chia sẻ: “Ông Trời lấy đi của chị lỗ tai và giọng nói thì để lại cho chị một gia đình đầy yêu thương, cầu mong cho gia đình có cuộc đời bình an”.

Câu chuyện lan tỏa sự tử tế, tình yêu bền bỉ của đôi vợ chồng nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả, bày tỏ sự trân trọng và ngưỡng mộ. Bài viết về họ cho chúng ta thấy cuộc sống luôn có những điều tốt, sống là để yêu thương. Như độc giả Nguyễn Duy Hy kỳ vọng: “Câu chuyện của anh sẽ lan toả rộng khắp, làm gương cho nhiều cặp vợ chồng trẻ ngày nay”. 

Chúng ta trải qua 2 năm đã và đang chống chọi với đại dịch Covid-19. Covid-19 đã cướp đi người thân của nhiều gia đình. Với mong muốn làm một điều nhỏ bé nhưng có thể phần nào chữa lành tâm hồn của mỗi người, VietNamNet khởi xướng tuyến bài từ độc giả “Cha mẹ trong tim tôi”. Ngay sau khi khởi xướng có hàng trăm độc giả hưởng ứng gửi bài viết. Mỗi câu chuyện của bạn đọc gửi là một bài học về cuộc sống, về cách đối nhân xử thế mà không phải lúc nào chúng ta cũng ngẫm ra được.

Ở câu chuyện “Cha tôi giàu có một thời nhờ cần kiệm, dạy con rất nghiêm khắc” của tác giả Trần Thất, mỗi chúng ta thêm một lần ghi nhớ bài học cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, kính trên, nhường dưới, thương người, giúp đỡ người… Tình mẹ và những hy sinh chẳng lời nào kể xiết lại một lần nữa ngời sáng qua câu chuyện “Người phụ nữ đẹp hi sinh tình riêng để nuôi con nên người” của tác giả Nguyễn Thành Lập… 

Rất nhiều cảm xúc trong những bài viết và lấy đi nước mắt của bạn đọc. Như độc giả Lâm Anh chia sẻ: “Đọc những bài về cha mẹ như thế này thật ấm lòng”, còn bạn Hoàng Trịnh thì cho rằng: “Cần những bài viết ấm ấp như thế này để chúng ta kịp nhìn lại mình còn có cha mẹ già để chăm sóc và nương tựa”. Độc giả Quốc Dũng còn đề nghị “VietNamNet nên tập hợp các câu chuyện đã đăng và được nhiều độc giả yêu thích để tập trung thành một cuốn sách”. 

Hiện tại, VietNamNet tiếp tục nhận được rất nhiều bài viết của độc giả gửi về. Độc giả có thể gửi bài viết về mail bandoisong@vietnamnet.vn.

2. Những câu chuyện gây tổn thương cho trẻ em

Bên cạnh những chuyện tử tế và tốt đẹp, năm 2021 vừa qua, chúng ta vẫn phải chứng kiến những câu chuyện đau lòng mà trẻ em là đối tượng bị tổn thương nhất. Hàng loạt những vụ việc liên quan đến trẻ em xảy ra gây bức xúc cho người đọc, trở thành chủ đề được quan tâm và suy ngẫm với người lớn. Có thể kể đến một số vụ việc như:

Mẹ bất cẩn cán chết con gái 4 tuổi >> Xem câu chuyện tại đây

Chắc tới hôm nay, chưa ai quên được câu chuyện buồn ở Thái Nguyên. Người mẹ, trong một phút “não cá vàng”, đã vô tình lái ô tô cán vào đứa con trai 4 tuổi của mình và con đã không qua khỏi. Đó thực sự là câu chuyện ám ảnh. 

Nhiều cư dân mạng đã chửi bới, mạt sát người mẹ đáng thương. Cũng không ít độc giả VietNamNet tán đồng luồng ý kiến này. Ví dụ như bạn Phan Huỳnh: “Trước tiên vẫn phải thừa nhận sự thật là người mẹ quá bất cẩn. Con không ở trên xe mà không hề biết. Nếu lúc đó, con bị bắt cóc hay đi lạc... thì sao?”.

Còn bạn Trần Thị Huyền Thương thì cho rằng người mẹ thiếu trách nhiệm: “Nếu thực sự là một người mẹ có trách nhiệm, (1) không để con một mình trên xe, dù chỉ chốc lát. Bao nhiêu bài học đau lòng từ cái chốc lát này rồi mà sao không rút kinh nghiệm? (2) phát hiện con không có trên xe từ lúc khởi động chứ không phải tới lúc chẹt vào con rồi mới biết. Không còn gì để nói về trường hợp này! Càng đổ lỗi càng thấy lỗi mà thôi”. 

Nhưng, hãy dừng lại 1 phút để suy nghĩ, để đặt địa vị mình vào người mẹ đáng thương ấy, thì chắc chắn chúng ta sẽ không buông ra những lời cay độc. Đó chính là lý do nhiều độc giả thông cảm và kêu gọi đừng ném đá người mẹ vì chị cũng là người đau khổ nhất. Ví như bạn Huy Hùng chia sẻ: “Đây đâu phải tội ác. Đó là một phút sơ suất bất cẩn. Chị đã phải chịu nỗi đau tận cùng rồi. Chị không đáng phải hứng búa rìu dư luận nữa”.

Độc giả Nguyễn Quỳnh Anh cho rằng: “Người Việt chúng ta nên hạn chế chỉ trích và công kích lỗi lầm của người khác mà hãy thông cảm với họ. Người mẹ ở đây đã đau khổ lắm rồi, chúng ta không nên đẩy người ta vào tuyệt vọng. Mình có đọc báo thấy cô ca sĩ Hàn Quốc tự sát cũng vì không chịu nổi áp lực từ sự ném đá của mọi người”.

Bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến chết >> Xem câu chuyện tại đây

Đây là câu chuyện buồn nhất trong những ngày cuối năm 2021. Và rất nhiều vấn đề trái chiều đã được đặt ra. Câu hỏi đầu tiên - nhiều người quan tâm nhất là “Người bố ở đâu khi con gái bị “dì ghẻ” bạo hành tới chết?”. Độc giả TT Hành “đề nghị khởi tố người cha vô tâm và vô trách nhiệm để người tình hành hạ chà đạp thân xác con gái máu mủ của mình để cảnh tỉnh cho toàn xã hội phải bảo vệ quyền trẻ em như thế nào! Người gây ra cái chết cho bé tội 10 phần thì tội của cha bé phải hơn nửa khi không bảo vệ con mình và đồng thuận với cách dạy con của người tình”. Độc giả Nghiêm Cẩm Anh thắc mắc: “Ngay con đẻ của mình mà bố còn thờ ơ thì anh ta cư xử bên ngoài thế nào?”. 

{keywords}
Người dân khu chung cư thắp nến cầu nguyện cho bé V.A. Ảnh Zing

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) thì đặt câu hỏi: “Tại sao cộng đồng sống ngay cạnh căn hộ này nghe thấy tiếng đánh đập cháu bé suốt như vậy không lên tiếng tố cáo. Đáng lẽ vụ việc cần sớm thông báo cho các cơ quan chức năng hoặc có thể gọi đến dịch vụ tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111) để tố cáo thì có thể sẽ không dẫn đến hậu quả đau lòng”.  Rất nhiều người tán đồng việc hãy lên tiếng thay vì thắp nến cầu nguyện.

Đúng như mong muốn của bạn Cẩm Anh: “Nếu cái tốt, cái thiện ở thế thượng phong, nếu ở đâu người tốt cũng biết đoàn kết, hợp lực tạo nên sức mạnh thì ở đó chắc chắn cái xấu, cái ác sẽ từng bước bị đẩy lùi, sự vô cảm sẽ mất dần và chẳng còn những băng hoại về đạo đức! Chẳng còn ai phải đau đớn như V.A và gia đình con…”.

Nữ sinh 16 tuổi trộm đồ ở Thanh Hóa bị làm nhục >> Xem câu chuyện tại đây

Nữ sinh ở Thanh Hóa trộm váy có giá 160 nghìn và bị chủ shop Mai Hường đánh đập, cắt áo ngực, quay clip tung lên mạng, tống tiền 15 triệu đồng… Câu chuyện này thu hút sự quan tâm của rất nhiều độc giả VietNamNet.

Nhiều ý kiến từ bạn đọc nhắc nhớ về lòng vị tha và bài học thay đổi người trẻ lỡ “cầm nhầm”. Độc giả Mỹ Minh viết: "Lòng yêu thương, vị tha đã bị đánh mất. Cô gái 15 tuổi đó do ham muốn của lứa tuổi mới lớn nên đã nảy sinh lòng tham, nhưng cô biết lỗi và nhận lỗi. Còn gia đình chủ shop đó có đủ các bản chất: Hung hăng, tàn bạo còn tham lam hơn cô bé ngàn lần”. Hay bạn Chau Phan Thi Minh chiêm nghiệm: “Một cái váy không đáng là bao nhưng bài học về lòng người mới là cái giá cho những con người có tâm tà. Thay vì tha thứ cho một đứa trẻ con thiếu suy nghĩ, thì lại đi cưỡng đoạt tài sản khi bản thân chúng chỉ là đứa trẻ không tài sản. Quá tâm tà. Ác báo ác lai…”

Hoàn toàn khác luồng ý kiến nói trên, độc giả Lâm Thu Nhàn cho rằng: “Đừng biến nữ sinh trộm đồ ở Thanh Hoá thành một Hào Anh khác” và được nhiều người tán đồng. Bạn Thanh Tâm kể lại câu chuyện của chính mình: “Lên án chủ shop nhưng đừng, đừng nên, đừng bao giờ cổ súy cho một Hào Anh mới. Mẹ tôi từng một nách 6 con, đứa nhỏ nhất là tôi chỉ mới 1 tuổi.

Tuổi thơ tôi từng không có một bộ đồ lành lặng để đến trường, từng đói xỉu ngay tại lớp học nhưng mẹ tôi không bao giờ cho phép chúng tôi làm những việc sai trái”. Trong khi đó, bạn Lê Quang Thái và nhiều độc giả tỏ ra lo lắng cho tương lai của nữ sinh trong câu chuyện: “Nếu không xử lý sai phạm của cháu bé (có thể chỉ khiển trách), mà lại bênh vực lỗi ăn cắp vặt của cháu, thì sau này cháu sẽ trượt dài trong trộm cắp”.

 3. Những tình huống gia đình

Ngoài những vấn đề thời sự, độc giả VietNamNet còn đặc biệt quan tâm những câu chuyện, tình huống đối nhân xử thế xảy ra thường nhật trong mỗi gia đình qua nhiều email tâm sự gửi về. Nhiều chủ đề thu hút lượng bình luận khổng lồ, sôi nổi, gây ra nhiều tranh cãi thú vị từ phía người đọc. Chắc hẳn nhiều bạn đọc là chủ nhân của những tâm sự sẽ rút ra được kinh nghiệm qua những dòng tư vấn dưới bài viết. Có thể kể đến một số chủ đề "dậy sóng" trên VietNamNet như:

Mâm cơm đựng thức ăn bằng nồi và cuộc gọi thông gia của mẹ chồng >> Xem tại đây

Mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu là chủ đề muôn thuở. Một độc giả chia sẻ câu chuyện xoanh quanh việc dọn mâm cơm để nguyên nồi đựng thức ăn mà không bày ra bát đĩa đã thu hút lượng phản hồi đông đảo từ phía bạn đọc. 

Phản đối cách ăn uống cũng như thái độ của người vợ, độc giả Cửu Linh cho rằng: “Cô vợ ngang bướng quá trời, bị mẹ chồng mắng là đúng. Đứng về phe mẹ chồng, cô vợ phải biết hạ mình và học hỏi thêm đi”. Bạn Hương Đào chung quan điểm: “Bà mẹ chồng đã rất đúng! Cơm không cần sơn hào hải vị nhưng phải tươm tất, đàng hoàng.

Nếu sinh ra trong một gia đình được dạy dỗ cẩn thận thì không bao giờ cho chồng con ăn cơm bằng nồi như vậy”. Còn độc giả Kim Châu thì cho rằng: “Gái quê thì được cái siêng năng chăm chỉ, nhưng thường cứng đầu không chịu tiếp thu học hỏi nên không khéo léo trong nhiều việc”. 

Nhiều người lại phản đối việc bốc máy gọi thông gia của bà mẹ chồng. Bạn Mến Nguyễn là một ví dụ: “Các ông bố bà mẹ chồng luôn tự cho mình cái quyền hễ không đồng ý với con dâu việc gì thì gọi luôn cho thông gia. Nực cười. Nếu bố mẹ vợ cũng làm vậy với con rể thì sao? Con cái luôn là điều tuyệt vời trong mắt các ông bố bà mẹ. Bố mẹ chồng bênh con trai thì bố mẹ vợ cũng bênh con gái”. 

Trong khi đó, độc giả Hồ Tiên Thuỷ cùng nhiều người khác lại chỉ trích chính anh chồng: “Đáng ra, chồng phải nhanh miệng ra mặt, đỡ cho vợ. Vì chính chồng cũng thích việc dọn cơm để cả nồi như vậy. Nhưng chồng lại không nói gì, để cho mẹ chồng và vợ đôi co với nhau, rồi cuối cùng lại bảo là vợ mình sai. Vớ vẩn hết sức”. 

Bạn của bố đến chơi bị nàng dâu mời ra khỏi cửa >> Xem tại đây

Trong mạch văn hoá ứng xử, quan điểm sống khác biệt giữa các thế hệ, câu chuyện của một độc giả giấu tên cũng khiến dư luận “dậy sóng”. Bố mẹ chồng thích rủ bạn tới chơi, ồn ã tối ngày, bất chấp dịch bệnh, chẳng kể thời gian. Trong khi đó, con dâu và các cháu cần yên tĩnh để học tập, nghỉ ngơi. Cao trào của câu chuyện là việc con dâu mời bạn của bố chồng về để bọn trẻ yên tĩnh học bài.

Độc giả phân tích cô vợ không sai, mà theo bạn Minh Kieu Trang, “lỗi là cách sống của bố mẹ bạn quá khác với cuộc sống bây giờ. Đã thế còn vô ý và thiếu trách nhiệm với con cháu khi rủ bạn bè tới nói chuyện rôm rả mà không thèm biết có ảnh hưởng gì tới các cháu không”. Bạn Thong cho rằng bố chồng quá gia trưởng và bạo hành. Nhưng theo độc giả Hung thì cô con dâu “quá láo với bố mẹ chồng”. 

Độc giả Nguyễn Quang Vinh chia sẻ: "Tập quán sinh hoạt dù có khác nhau nhưng người già rất nhạy cảm, không dễ gì họ vô ý như bài viết hoặc cuộc sống chung từ lâu đã có sự giãn cách thế hệ. Hãy ngồi lại với nhau để nói rõ một lần, chót hỗn thì phải xin lỗi và thiếu tôn trọng không gian riêng thì cũng nên phục thiện, tóm lại lý do này không đáng để ly hôn hay từ nhau”. Đây cũng là vấn đề VietNamNet đề cập trong nhiều bài viết.

Cuộc sống càng hiện đại, ý thức và suy nghĩ của con người cũng thay đổi. Theo đó, văn hoá ứng xử của các thế hệ cũng có nhiều vênh va. Người trẻ được đánh giá là “đã khác xưa” khi sẵn sàng cãi nhau tay đôi với người lớn hay có những cách hành xử… phát phiền. Tuy nhiên, cũng không ít người trẻ phải than phiền ngược lại: người lớn tuổi chưa chắc đã luôn đúng!

Chồng tát tôi vì không chịu hủy bỏ chuyến du lịch 30/4 >> Xem tại đây

Khi cả nước ở thời kỳ bắt đầu bùng dịch Covid-19, ý thức của mỗi người là quan trọng, những dịp lễ có khả năng bùng dịch cao nhất. Thế nhưng câu chuyện mà độc giả N.K. của VietNamNet chia sẻ lại gây nhiều tranh cãi. Theo độc giả này, chồng muốn hủy chuyến du lịch Phú Quốc dịp 30/4 vì lo dịch Covid-19 đang phức tạp nhưng vợ phản đối nên bị cái tát trời giáng.

Nhiều độc giả đồng tình với người chồng, như bạn SongHa: “Bạn nên suy nghĩ rộng hơn một chút, dịp này không đi thì còn dịp khác. Chồng bạn nói đúng nếu chẳng may có người nhiễm mình lại ở trong khu vực đó lại bị đi cách ly cả nhà thì lỡ dở nhiều việc sau này. Có những việc xảy ra rồi có hối hận cũng không cứu vãn được”. Hay bạn Thanh Hải: “Đang dầu sôi lửa bỏng, đi chơi rồi rước bệnh về. Không khéo lúc ngồi cách ly, ước gì chồng tát thêm vài cái cho sáng con mắt ra”.

Thế nhưng, nhiều bạn đọc lại ủng hộ người vợ thích đi du lịch và thậm chí còn gọi anh chồng là “hèn”, “không chấp nhận được thói vũ phu này”... Bạn Giang cho rằng: “Hành động của ông chồng là thái quá. Nếu là người chu toàn thì phải xem xét tình hình dịch bệnh đến đâu, nhà nước có lệnh cấm như thế nào rồi phân tích lại cho vợ. Thói xấu người chồng Việt Nam hay nóng giận lên là bả văn chưởng với vợ!”. 

Chồng che cho nhân tình trên ô tô khi vợ đánh ghen >> Xem tại đây

Vụ đánh ghen ở Hồ Tây từng khiến cõi mạng dậy sóng trong những ngày đầu tháng 10 và cũng là chủ đề nhiều độc giả VietNamNet quan tâm. Không ít bạn đọc đồng tình, cảm thông với trạng thái tâm lý của người vợ khi bị người bao năm đầu gối tay ấp phản bội. Đánh ghen lúc này trở thành chuyện dễ hiểu dù vẫn có người nêu ý kiến: “Lỗi không hoàn toàn ở cô nhân tình. Người đáng trách chính là chồng bạn” giống bạn đọc Nguyên Minh. 

Thế nhưng cũng nhiều người phản đối cách đơn thương độc mã đi đánh ghen om sòm. Như độc giả Vân Đào đặt câu hỏi: Chồng đã che chở cho bồ, sẵn sàng bênh "tiểu tam", vậy chính thất níu giữ có đáng không? Thẳng thắn hơn là ý kiến của bạn Thanh Huyền: “Đánh ghen không thể mang người chồng về bên bạn”.

Hầu hết các chị em đều tán đồng ý kiến: Hãy yêu bản thân, đời còn dài và giai còn đầy! Và chẳng việc gì phải hạ thấp mình đi gặp kẻ thứ ba. Độc giả Hoài Sơn viết: "Đừng tốn công đánh ghen. Khi người chồng ngoại tình thì họ không còn yêu mình nữa, nên giải thoát cho nhau".

2021 là một năm nhiều khó khăn vì dịch bệnh nhưng cũng là cơ hội VietNamNet tiếp cận với bạn đọc nhiều hơn qua minh chứng rất nhiều bài viết, tâm sự được gửi về. VietNamNet sẽ tiếp tục là nơi được độc giả tin yêu bằng bình luận khách quan, đa chiều trong từng bài viết, chia sẻ để cùng nhau bước vào một năm mới chấm dứt đại dịch và tràn ngập những điều tốt đẹp.

Lê Cúc (Tổng hợp)

Câu chuyện cảm động về người phụ nữ hơn 15 năm nuôi 8 con riêng của chồng

Câu chuyện cảm động về người phụ nữ hơn 15 năm nuôi 8 con riêng của chồng

Từ một cô gái chưa chồng, bỏ ngoài tai những lời bàn ra, tán vào, bà Hoa quyết định gắn bó với người đàn ông đã có 8 con riêng. Hơn 15 năm qua, bà luôn hết mình thương yêu các con của chồng.


Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét