“Mình cứ nghĩ mãi đến chi tiết ấy và không hiểu nổi tại sao lại có người muốn bán đứa con dứt ruột đẻ ra. Cứ thế thôi mà thương nó”.
Trong suốt cuộc trò chuyện kéo dài gần 3 tiếng ở một quán cà phê nằm trong khuôn viên Bệnh viện K (Tân Triều, Hà Nội) - nơi cô giáo Nhượng đang chăm sóc chồng sau ca mổ, chị liên tục nghe điện thoại. Trong số các cuộc gọi phần lớn liên quan đến hoạt động thiện nguyện, có một cuộc gọi đặc biệt.
Con gái chị gọi thông báo, có một học sinh cũ đi cùng phụ huynh đến tận nhà chúc mừng cô giáo nhân ngày 20/11. Không gặp được cô, học trò cũ oà khóc “vì nhớ cô Nhượng quá”. Qua mô tả của con gái, chị đoán ra 2 mẹ con học trò là ai và gọi lại cảm ơn, không quên dặn cô học trò nhỏ chăm chỉ học hành, đợi cô về sẽ lên thăm. Giọng bà mẹ người dân tộc trong điện thoại thật thà chia sẻ: “Chẳng có gì đâu, mua cho con gói kẹo tặng cô thôi!”.
Quay sang PV, chị bảo, đấy là cô bé tên Linh ở điểm trường Nậm An của Trường Tiểu học và THCS Tân Thành (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) - nơi chị đã gắn bó suốt 4 năm qua và vừa được điều chuyển sang điểm trường mới từ năm học này.
“Học sinh dân tộc thiểu số mà biết đến ngày 20/11, biết chúc mừng cô là quý lắm” - chị cười chia sẻ.
Sinh ra và lớn lên ở Sơn Tây (Hà Tây cũ), năm 17 tuổi, chị Trương Thị Nhượng khăn gói lên Hà Giang mang theo ý nguyện của gia đình là học ngành Ngân hàng để dễ xin việc. Nhưng vốn yêu nghề dạy học, chị xin bố mẹ chuyển sang học Sư phạm. Thế rồi, từ đấy chị gắn bó với mảnh đất này cho đến bây giờ. Đến nay, chị đã có thâm niên 26 năm đứng lớp ở mảnh đất cao nguyên đá.
Nhớ lại những ngày tháng ban đầu, chị bùi ngùi chia sẻ: “Ngày xưa còn phải ở bản, đi bộ 9-10 cây số đường rừng. Bây giờ vẫn có điểm trường trên đỉnh núi, nhưng xe máy vào được tận nơi là may mắn lắm rồi. Xưa, cứ ngày rằm, lễ Tết, thấy mọi người về nhà là mình tủi thân, ra hòn đá ngồi. Buồn lắm!”.
26 năm đứng lớp thì 23 năm chị tình nguyện dạy điểm lẻ, chứng kiến biết bao người thầy bỏ nghề, chỉ còn số ít như chị trụ lại tới bây giờ.
Đã dạy ở tỉnh nghèo, lại ở hầu hết các điểm lẻ, học sinh của chị hầu hết là con em người dân tộc thiểu số. Nghèo đói, rách rưới bủa vây lấy cuộc đời những đứa trẻ và bố mẹ chúng suốt bao năm nay - “thiếu bút, thiếu sách, thậm chí là cởi truồng đi học”.
Trong số rất nhiều phận đời kém may mắn ấy, cô học trò khiến chị nhớ nhất và luôn rơi nước mắt mỗi lần nhắc lại là cô bé Đào.
Năm 2011-2012, khi chị dạy tiểu học thì Đào mới 2 tuổi rưỡi, đang học lớp mẫu giáo ở chung điểm trường. Đào nổi tiếng là con bé “đầu gấu” - hay đánh, cắn bạn, tranh giành đồ ăn của bạn. Thấy các cô hay nhắc đến tên con bé “cá biệt” này, chị hỏi chuyện mới biết mẹ Đào bỏ đi, bố nát rượu và đã có lần muốn bán con để lấy 20 triệu đồng.
“Mình cứ nghĩ mãi đến chi tiết ấy và không hiểu nổi tại sao lại có người muốn bán đứa con dứt ruột đẻ ra. Cứ thế thôi mà thương nó” - chị cố ngăn dòng nước mắt chảy ra khi nhắc lại câu chuyện cũ.
Cũng từ đó, chị hay lên chùa xin quần áo cũ gửi cho Đào. Sau một thời gian, chị thấy bao nhiêu quần áo gửi về cũng hết, con bé vẫn không có quần áo mặc. “Tìm hiểu ra mới biết, nó chỉ mặc một lần rồi vứt đi vì không ai giặt giũ cho. Thậm chí, nay ở nhà này, mai ở nhà khác cũng không ai quan tâm”.
Thấy thế, chị Nhượng và cô giáo mầm non bàn với nhau, không cho Đào mang quần áo về nhà nữa. Hai cô thay nhau đưa con bé xuống suối tắm, giặt giũ, thay quần áo, cất giữ tại trường.
Sau ca mổ tim, 2 năm sau chị rời điểm trường Nậm An về điểm chính dạy cho đỡ vất vả. Đến năm 2017, chị nghe đồng nghiệp kháo nhau: “Năm nay ai dạy lớp 1 ở Nậm An thì khổ lắm. Con bé Đào nó lên lớp 1. Nhà nó chẳng có gì đóng góp đâu, lại còn bướng nữa”. Nghe thấy thế, chị gọi cho cô hiệu trưởng tình nguyện xin lên Nậm An dạy tiếp.
Đúng như đồng nghiệp của chị lo lắng, Đào bước chân vào lớp 1, tay xách chiếc túi nilon xanh, không sách, không vở.
“Mình cũng không có đâu, nhưng nhờ được bạn bè giúp cho quyển sách, quyển vở, cái quần, cái áo. Rồi mình kèm cặp thêm cho nó lên đến lớp 2. Năm lớp 2 học kém quá, mình cho con bé đúp một năm. Năm nay được lên lớp 3 rồi” - chị Nhượng kể.
Và Đào cũng là trường hợp đầu tiên khiến trái tim chị run lên vì xót xa quá đỗi, thôi thúc chị phải làm gì đó, để rồi từ ấy những đứa trẻ khác tiếp tục được chị dang tay cưu mang. Đến bây giờ, cuối tuần nào nhà chị cũng có trẻ con. Chúng là những đứa trẻ nghèo nhất, đáng thương nhất, được chị mang về nhà cho ăn uống, dạy cho chúng kỹ năng sống.
Chị bảo, những ngày đầu làm từ thiện, làm gì có đồ đạc, trang thiết bị nhiều như bây giờ. Ngày ấy, chị chỉ có quần áo cũ của nhà mang đi cho. Đến nỗi, trong một thời gian dài, chồng chị cứ nghĩ chị mang quần áo cũ về cho nhà ngoại. Lâu lâu anh lại kêu: “Quần áo đi đâu hết rồi, lại đi cho rồi phải không?”.
Những ngày đầu, anh phản đối việc chị “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Nhưng bây giờ, chính anh là người đưa chị đi khắp nơi trao quà, tìm nguồn nguyên vật liệu rẻ, kết nối các mạnh thường quân với học sinh nghèo.
Chị tự hào khoe: “Chị cảm hoá anh ấy đấy”.
Từ một cô giáo chuyên đi xin quần áo cũ cho học trò nghèo, năm 2015, chị bắt đầu sử dụng mạng xã hội. Từ đây mạng lưới kết nối với các mạnh thường quân của chị mới bắt đầu được mở rộng.
Một trong số những người đầu tiên chị kết nối được là một nhà báo. Anh này kết nối chị với một nhóm thiện nguyện ở Cần Thơ - những người chuyển quần áo cũ về Hà Giang cho chị. Chị dành riêng một gian đằng sau nhà để chứa quần áo. Cùng với một người hàng xóm, cứ tối đến chị ngồi soạn, cái nào rách ít thì khâu lại, bẩn thì giặt, rách quá hoặc không thể mặc được thì bỏ đi.
Từ những bài viết chia sẻ về hoạt động thiện nguyện, từ những bài thơ chị viết về nghề giáo, bạn bè - cả người lạ, người quen khắp mọi miền - biết đến chị. Người thì cho tiền xây phòng học, cầu cống, người cho quần áo, sách bút… Có những nhóm, cá nhân đồng hành với chị nhiều năm nay nhưng thậm chí chưa hề gặp mặt. “Điển hình là một bạn ở Sài Gòn mỗi tháng gửi cho mình hơn 3 triệu để nuôi ăn 5 bé, trong đó có 1 bé đang ở cùng mình. Lễ Tết bạn ấy đều gửi quà cho bọn trẻ nhưng chưa hề gặp mặt mình lần nào”.
Đặc biệt hơn nữa, có lần nhà hảo tâm gửi cho chị 140 triệu đồng vào sát ngày khai giảng năm học mới. Lần đầu tiên chị nhận được số tiền ủng hộ lớn như thế, lại từ một người chưa hề gặp mặt. Cảm giác đầu tiên của chị là sợ, tim đập thình thịch.
Chị báo ngay với cô hiệu trưởng và đề xuất xây một căn bếp nấu cơm trưa để các cháu không phải mang cơm từ nhà đi, mùa đông thì cơm lạnh, mùa hè thì cơm thiu. Sau một thời gian cân nhắc, điểm trường chị quyết định cải tạo lại căn phòng cũ làm bếp ăn, còn số tiền đó dùng để xây thư viện cho các con ngồi đọc sách.
Xây thư viện chỉ hết 65 triệu đồng, số tiền còn lại chị phối hợp với địa phương xây một cây cầu thay cho cây cầu tre cũ - cứ đến mùa lũ là bị cuốn trôi.
Những phòng học mới được xây lên nhờ sự kết nối và kêu gọi của cô giáo Nhượng. |
Cũng là sự tình cờ, vào ngày khởi công cây cầu, trên đường đi, chị thấy trẻ con đi chân trần dắt xe đạp trên con đường đất sáng sớm trời mù sương, chị xuống chụp lại hình ảnh ấy đăng lên mạng xã hội kèm theo lời kêu gọi các nhà hảo tâm. “Ngoài mong đợi của chị, một bạn nhắn cho các cháu 1.000 đôi dép và 5 bộ bàn ghế gửi từ Hà Nội lên. Ngay lập tức, chị gọi cho anh trưởng phòng giáo dục lên danh sách các trường khó khăn cần dép”.
Trong số những điểm trường mà chị đã làm cầu nối với nhà hảo tâm, hình ảnh khiến chị đau lòng và day dứt mãi vẫn là những bức ảnh được gửi từ một cô giáo ở điểm trường Khuổi Niếng, Trường Tiểu học & THCS xã Đông Thành, huyện Bắc Quang. “Tối hôm đó, mình không ăn được cơm, vào trong buồng nằm khóc. Lớp học thì rách nát, học sinh đứng dưới sương mưa…”.
Việc đầu tiên chị làm là đi xin áo rét cho bọn trẻ, rồi nhờ chồng đưa vào tận nơi phát. Hình ảnh chị tận mắt chứng kiến thậm chí còn xót xa hơn - mưa sương hắt xuống, điện không có, lớp học trông như một quán thịt, trường thì nằm ngay mặt đường, đi xin tài trợ rất khó.
Canh cánh trong lòng những hình ảnh ấy, chị về liên hệ với một số hội nhóm, nhờ cả báo chí đưa tin. Trong vòng 2 tháng, chị kêu gọi được 400 triệu đồng để xây mới điểm trường Khuổi Niếng.
Từ đó, các đồng nghiệp thấy trường đổ, trường rách lại tìm đến chị. Nhưng chị khăng khăng nhận mình “rất nhỏ bé”. Đến nay, đã có 5 điểm trường ở huyện Bắc Quang được xây mới, 3 điểm trường được sửa sang lại nhờ “cánh tay nối dài” của chị giữa các nhà hảo tâm và những ngôi trường nghèo.
Ba năm gần đây, đứng lớp ở Nậm An - nơi mà cơ sở vật chất rất xuống cấp lúc mới về trường, chị đã kêu gọi các nhà hảo tâm xây dựng mới 2 phòng học cho trẻ mầm non, tu sửa 2 phòng học và nhà vệ sinh cho học sinh tiểu học.
Chị nói, chị may mắn được mọi người tin tưởng, từ lãnh đạo địa phương cho tới các nhà hảo tâm ở tận Hà Nội, Sài Gòn, kể cả những người chị chưa từng gặp.
Có những người hàng tháng vẫn gửi lên cho học trò của chị 10-20 cân gạo. Chị bảo, nhiều khi tiền xăng đi phát gạo cho học sinh còn nhiều hơn tiền gạo nhưng chị trân trọng tất cả tấm lòng của mọi người.
Vàng Seo Hải năm nay 11 tuổi, hiện đang sống cùng chị Nhượng như một thành viên trong gia đình. Chị gặp Hải cũng nhờ việc kết nối nhà hảo tâm xây nhà cho gia đình em. Lần thứ 2 lên nhà Hải, chị mới gặp thằng bé người nhỏ thó, nhem nhuốc, co ro vì lạnh. Lúc về, chị hỏi thử: “Hải có lên nhà cô chơi không?”. Thằng bé trả lời “có”. Thế là chị đèo Hải về nhà, nhờ chồng tắm gội cho thằng bé, còn con gái chị chạy ra chợ mua thức ăn về nấu cho Hải ăn.
Ở cùng được mấy hôm, chị hỏi: “Hải có thích đi học không?”. Thằng bé bảo “có”. “Cháu thích làm gì? Có thích làm trưởng thôn không?”. Nó bảo: “Không, cháu thích làm công an”.
Thế là từ hôm ấy, sáng sáng chị đèo Hải lên điểm trường trên đỉnh núi. Chị giảng bài bên trên, lấy một chiếc lốp xe cho Hải ngồi dưới học ké. Hải chưa biết tiếng Kinh. Lúc rảnh hoặc giờ ra chơi, chị lại tranh thủ kèm cặp.
Ròng rã 2 tháng trời chị đèo Hải lên núi rồi lại đèo về. Chị báo với trường về trường hợp của Hải, xin cho con vào lớp 1. Chị nói xin chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu ảnh hưởng đến thi đua chung. Năm ấy, Hải 8 tuổi - chưa biết chữ, chưa biết tiếng Kinh.
Từ đó, cả nhà chị bắt đầu “cuộc chiến” với Hải. “Con nói tiếng Mông còn ngọng, 3-4 ngày mới thuộc được 1 bài, tính cách thì bướng. Cứ giờ ra chơi là mình phải kèm ngay. Về nhà 5 giờ sáng, mình đã gọi dậy học bài, rồi lại vội vàng chở lên núi, cô dạy, trò học. Dịp nào mình bận đi phát quà vùng cao là nhờ chồng con dạy. Có hôm nó quát cả con bé nhà mình: ‘Tao không học đấy. Tao có thích ở đây đâu. Tại cô bắt tao ở đây đấy chứ!”. Con bé gọi điện mách, chị lại phải hài hước động viên: “Người Mông người ta xưng bằng ‘tao’ đấy!”.
Nhà chị gần điểm trường chính, nên chị lại nghĩ, bây giờ cứ cho Hải học trên núi thì thiệt thòi cho con. Năm Hải lên lớp 2, chị lại bảo: “Hải ơi, năm nay cô cho về trường chính nhé. Hải có học được không?”. Thằng bé đồng ý. Chị lại chuyển Hải về trường chính để chạy đua cùng các bạn, để được học với cơ sở vật chất tốt hơn.
Chị đi xin cho thằng bé một chiếc xe đạp. Mất 1 tuần đầu, chồng chị chạy xe máy đi sau giám sát, rồi sau đó Hải tự đạp xe tới trường. Năm nay, Hải đã lên lớp 3. “Bạo dạn lắm rồi” - chị khoe. “Cô giáo nhận xét Hải học được môn Toán, còn môn tiếng Việt vẫn gặp khó khăn. Năm nay, cu cậu đang cố gắng để đạt học sinh tiên tiến toàn diện”.
Cậu bé Vàng Seo Hải trước (áo đen bên trái) và sau (ảnh phải) khi về sống với cô giáo Nhượng. |
Ngoài Vàng Seo Hải, câu chuyện còn có cả những đứa trẻ mà chị đã đặt cả biệt danh và thuộc hoàn cảnh từng đứa vanh vách.
“Cô bé Linh xinh đẹp năm nay cũng 11 tuổi, không có giấy khai sinh. Mẹ con bé nhỡ nhàng đẻ con ra rồi bỏ đi. Nó hiện sống với ông bà và cậu. Mình dạy được nửa kỳ thì nó đến lớp. Mình hỏi có thích học không, nó bảo ‘thích’. Mình lại cho ngồi nhờ ở lớp, học cùng các bạn”.
“Con bé hay tủi thân. Các bạn có cái gì mà nó không có là khóc. Thế nên đến giờ kiểm tra, mình vẫn phát giấy thi, chỉ là không tính điểm”.
Tính đến hết năm học trước, Linh “xinh đẹp” ngồi ké ở điểm trường Nậm An cùng chị 1 năm rưỡi. Năm nay, chị không còn dạy ở Nậm An nhưng Linh vẫn ra lớp. Chị lại gửi gắm con bé cho đồng nghiệp. Khi nào có quà của nhà tài trợ, chị luôn dặn mọi người phần Linh một suất như các bạn.
Chị nghĩ, “thôi thì không được vào danh sách chính thì cũng dạy cho con bé biết đọc, biết viết, và dạy cho nó kỹ năng sống”.
Ở điểm Nậm An còn có La - cô bé mồ côi mẹ, ở với bố dượng. Chị xin về nhà nuôi nhưng bố La không đồng ý. Cứ cuối tuần, chị lại đón La về nhà mình - theo lời chị là cho con bé “cải thiện bữa ăn” và dạy cho nó kỹ năng sống.
Cứ mỗi cuối tuần, nhà cô giáo Nhượng lại có thêm vài "vị khách" đặc biệt. |
Nhà cô giáo như ngôi nhà thứ 2 của bọn trẻ. |
“Với trẻ con người dân tộc thiểu số, kỹ năng sống phải dạy song song cùng với con chữ. Bố mẹ bỏ mặc, thậm chí trẻ mồ côi rất nhiều nên các con chẳng biết làm gì cả. Đến lớp, các con đi chân đất, quần áo rách bẩn, mũi dãi, đầu tóc lấm lem. Thế nên, việc đầu tiên mình dạy cho học sinh của mình là phải biết vệ sinh sạch sẽ, biết chào hỏi và chia sẻ với các bạn. Học sinh của mình 7 giờ kém đã biết ngồi vào chỗ ôn bài. Đó là điều không hề đơn giản với bọn trẻ ở đây”.
Ba năm đứng lớp ở Nậm An, chị tự nguyện kèm học sinh yếu kém vào các buổi chiều, 2 buổi/ tuần. Chị cũng phối hợp với một quỹ từ thiện và phụ huynh tổ chức nấu cơm trưa cho các con 2 bữa/ tuần. Năm học này, dù đã chuyển sang điểm trường khác, nhưng bữa ăn trưa của các con vẫn được duy trì.
Chị bảo, làm được việc tốt thì rất vui, nhưng cũng phải biết bỏ ngoài tai những nghi ngờ của người ngoài cuộc. “Nhiều người nghĩ mình nhận thầu xây dựng. Rồi cũng có lần đã xin được nhà tài trợ nhưng vì rắc rối thủ tục với chính quyền mà phải chuyển sang làm cho địa phương khác. Những lúc ấy, mình khóc. Nhưng không phải vì mình không ‘thắng’ được họ, mà vì mình thương người đứng lớp, thương học sinh, thương người dân cứ ở nhà trông con thì lấy gì mà ăn. Mình biết những việc mình làm có người bằng mặt mà không bằng lòng. Họ chẳng ủng hộ cũng chẳng phản đối. Nhưng việc ấy với mình không quan trọng. Quan trọng là các nhà hảo tâm tin tưởng mình, là con trẻ được hưởng thụ, và công việc chuyên môn mình vẫn làm tốt”.
“Nhiều khi mình thấy mệt mỏi lắm nhưng nhìn lại thành quả, thấy học sinh yêu trường, yêu lớp hơn là lại thấy vui”.
“Ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, cô giáo Trương Thị Nhượng còn là một người có tấm lòng nhân ái, bao dung. Trong 3 năm trở lại đây, cô đã kết nối với các nhà hảo tâm ở khắp mọi miền Tổ quốc để hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học, đầu tư xây dựng cầu dân sinh, nhà lớp học, nhà lưu trú giáo viên và học sinh ở các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang. Chúng tôi ghi nhận và đánh giá rất cao những việc làm của cô Nhượng và rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự đóng góp của các nhà hảo tâm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời gian tới” - ông Lương Tiến Dũng, Phó Bí thư thường trực huyện uỷ Bắc Quang, tỉnh Hà Giang chia sẻ. |
Bài: Nguyễn Thảo
Thiết kế: Hồng Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét