Trên tầng 7 của một toà nhà ở Nhật Bản, một cuộc thương lượng không mấy dễ chịu đang diễn ra.
Phía sau quầy lễ tân, một bàn tay vươn qua tấm rèm nỉ nặng nề và mò tìm chiếc thẻ tín dụng đặt trên quầy. Không tìm thấy gì, bàn tay nhanh chóng rút lại và sau những lời thì thầm kín đáo, một nhân viên lễ tân lúng túng bước ra khu vực sảnh.
Đó là hình ảnh trong một khách sạn tình yêu cho thuê theo giờ ở Nhật Bản. Kiểu khách sạn này chuyên dành cho các cặp đôi muốn thân mật ở một nơi khác không phải nhà mình.
Một căn phòng trong khách sạn tình yêu Hotelion (Nhật Bản) |
Theo truyền thống, khách đến đây sẽ ở trong căn phòng đã khoá trái trong suốt thời gian lưu trú và chỉ tương tác với nhân viên qua màn hình hoặc điện thoại.
Tuy nhiên, những du khách nước ngoài này đã “vã mồ hôi” trước quầy lễ tân. Họ trông có vẻ bối rối và cáu kỉnh khi phải vật lộn để tìm lối vào bị che khuất.
Phía sau họ là một cặp đôi trẻ người Nhật. Họ lặng lẽ nhận phòng mà không cần giao tiếp, sau đó chọn chủ đề căn phòng trên màn hình tự động. Trong những năm gần đây, các khách sạn tình yêu đã trở thành nơi giao thoa của các nền văn hoá. Người dân bản địa vẫn tiếp tục tới đây như xưa, trong khi du khách nước ngoài đặt phòng online mà không hề biết đây là mô hình khách sạn đặc biệt.
Shishido-san, người quản lý một khách sạn tình yêu ở khu vực phía bắc Nhật Bản, giải thích rằng ẩn danh là điều rất quan trọng với mô hình khách sạn này. “Văn hoá Nhật Bản dựa trên thể diện và các khách sạn tình yêu có thể được sử dụng một cách thận trọng và bí mật” - anh giải thích qua một email. “Người Nhật có xu hướng không cởi mở về tình dục, vì thế khách sạn tình yêu phải là một nơi để giải phóng ham muốn tình dục của họ”.
Mô hình khách sạn tình yêu bùng nổ vào khoảng những năm 1980. Ước tính có khoảng 30.000 khách sạn này vào những năm 2000 - thời kỳ hoàng kim của mô hình này. Nhưng sau đó, số lượng khách sạn tình yêu bắt đầu giảm xuống và rơi vào thời kỳ khó khăn. Dân số Nhật Bản ngày càng già đi, điều đó có nghĩa là số khách trẻ muốn vào khách sạn ngày càng ít.
Thế nhưng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu khiến ngành du lịch điêu đứng, thì mô hình khách sạn tình yêu có thể phù hợp một cách bất ngờ với những du khách cẩn thận với sức khoẻ của mình.
Khách sạn tình yêu đang phát triển trở lại nhờ nhu cầu muốn trải nghiệm điều mới lạ của du khách nước ngoài. |
Cách đây 3 năm, trang web đặt phòng booking.com đã hợp tác với 349 trong số vài nghìn khách sạn tình yêu ở Nhật Bản để cung cấp một trải nghiệm đặc biệt cho khách du lịch ưa khám phá.
Bà Jess Hallams, giám đốc phát triển tour du lịch của một công ty du lịch có trụ sở tại Nhật Bản, giải thích: “Khách sạn tình yêu mang đến những trải nghiệm khác biệt cho những du khách đang tìm kiếm một điều gì đó khác biệt”. Bà cũng cho biết, quan hệ đối tác của công ty cô với các khách sạn tình yêu cũng nhận được nhiều sự chú ý trên mạng. “Văn hoá Nhật Bản có xu hướng dè dặt, lịch sự và đây là cách để trải nghiệm một điều gì đó khác đi”.
Liam - một du khách tới từ London (Anh) chia sẻ về trải nghiệm lưu trú ở một khách sạn tình yêu rẻ tiền ở Osaka hồi tháng 2: “Có người đã nói với tôi rằng cần phải trải nghiệm điều này khi tới Nhật Bản”.
Căn phòng có giường kích thước siêu lớn, máy hát karaoke, bồn tắm, bao cao su miễn phí, mỹ phẩm miễn phí, máy bán đồ chơi tình dục và đèn chiếu sáng điều chỉnh theo tâm trạng khách hàng. “Lễ tân có vẻ ngạc nhiên khi chúng tôi muốn nói chuyện với một nhân viên” - Liam kể.
Tuy nhiên, để phục vụ nhóm khách hàng mới là du khách nước ngoài, nhiều khách sạn tình yêu đã có những thay đổi lớn về cách thức hoạt động.
Là một trong những khách sạn tình yêu được đánh giá tốt nhất trên các trang web đặt phòng online, Hotel Love ở Nagoya có vẻ thích nghi đặc biệt tốt. Anh Kawashima-san, người quản lý khách sạn, nói đùa rằng vấn đề lớn nhất là du khách phương Tây thường đi giày trong phòng, khiến sàn nhà bị hỏng. Nghiêm trọng hơn, có một số khó khăn với những nhân viên không nói được tiếng Anh và không quen với các yêu cầu của khách nước ngoài. Nhưng đây là vấn đề chung của tất cả khách sạn Nhật Bản. “Hầu hết khách đều trả phòng với tâm trạng vui vẻ và sẽ quay trở lại” - anh nói.
Trong bối cảnh đại dịch, các khách sạn truyền thống lại phải thay đổi theo hướng của khách sạn tình yêu. |
Shishido-san, người sở hữu khách sạn tình yêu ở thành phố Sendai, cũng đang thích ứng với nhu cầu của khách nước ngoài. Nhân viên của anh cũng nắm lấy cơ hội này để tìm hiểu về các nền văn hoá khác nhau. Trong khi du khách cũng có những trải nghiệm mới mẻ về Nhật Bản và những căn phòng rất hợp để khoe trên Instagram.
Với sự xuất hiện của Covid-19, du khách nội địa cũng quay trở lại với khách sạn tình yêu. Các báo cáo ban đầu cho thấy một số khách sạn làm ăn tốt trong đại dịch, bởi vì người ta có thể đến đây để thoát khỏi không gian ngột ngạt ở nhà.
Khi Nhật Bản quay trở về trạng thái hoạt động bình thường, số lượng đặt phòng khách sạn trong nước đã tăng lên 70% so với thời điểm trước dịch bệnh. Người phát ngôn của Cơ quan Du lịch quốc gia Nhật Bản cho biết, các khách sạn trên toàn quốc đều đã triển khai các biện pháp an toàn mới, từ “quét QR, màn hình tự động ở quầy lễ tân, kiểm tra nhiệt độ, tăng cường vệ sinh” cho tới màn hình cảm ứng 3 chiều “không chạm”. Các khách sạn tình yêu đặc biệt được trang bị tốt những biện pháp mới này.
Liam nhớ lại, hồi tháng 2, anh đã cười nhạo chuyện nhân viên để đồ ăn, đồ uống và trang phục khách yêu cầu ở lối vào thay vì đưa trực tiếp cho anh. “Lúc đó, tôi cảm thấy điều đó thật ngớ ngẩn, nhưng nếu bây giờ cho tôi quay lại, tôi nghĩ là mình sẽ cảm thấy khác”.
Sau vài tháng bị “nhốt” ở Anh, Liam cho biết anh đã nhận thức được việc cần phải bảo vệ bản thân khỏi virus và đó cũng là cách để bảo vệ các nhân viên phục vụ của khách sạn. “Không tiếp xúc có thể là một điều tốt trong thời đại của Covid-19” - anh nói.
“Thay vì biến khách sạn tình yêu trở thành những khách sạn thông thường, có thể đại dịch sẽ làm thay đổi hướng đi của ngành du lịch. Những khách sạn truyền thống sẽ phải thay đổi để giống khách sạn tình yêu”.
Đăng Dương (Theo Atlas Obscura)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét